CÓ MÀ KHÔNG, KHÔNG MÀ CÓ

Có chàng thanh niên đến thưa với nhà sư:

  • Bạch thầy, con ở ngoài thế gian không thiếu thứ gì. Vui chơi tự do, sống
    theo sở thích. Nhưng quý thầy ở chùa sao lại khổ sở, bản thân chịu nhiều
    thiệt thòi, sống ẩn dật nơi cửa Phật, ràng buộc trong chiếc áo người tu, thật
    chẳng có giải thoát.
    Nhìn chàng thanh niên, nhà sư trả lời:
  • Cậu biết không, người thế gian có tất cả nhưng mất tất cả. Người xuất
    gia chúng tôi không có mà có.
    Chàng trai ngơ ngác, cầm chiếc Iphone bóng nhoáng bấm bấm…và lắc
    đầu tỏ vẻ không hiểu.
    Nhà sư nói tiếp:
  • Người thế gian có sức khoẻ nhưng không biết gìn giữ nên càng sống sa
    đoạ càng gần cái chết. Đó là mất cái phúc khoẻ mạnh. Lại nữa, tài sản nhà
    cửa, công danh sự nghiệp rất quan trọng đối với họ nhưng lại không thể
    hưởng thụ được. Họ tích góp xây cái nhà, nhưng ở trong nhà được bao lâu
    rồi chớp mắt lại ra nghĩa địa, hay vào lò thiêu. Xây nhà càng to mà không sử
    dụng đó là mất cái phúc tài sản. Rồi một cơn lũ, trận cuồng phong hay hoả
    hoạn ập đến làm sao giữ được. Chiếc xe đang chạy cũng không đảm bảo
    được mạng sống an toàn. Càng chạy xe càng cũ, chuyển đến chỗ hư hao. Vậy
    có cái gì được dài lâu? Đã vậy, công danh sự nghiệp lại là chỗ tranh ngôi
    đoạt vị, ngồi chỗ này chưa ấm đã muốn nhẩy lên chỗ khác, hoặc vừa lên vị
    trí nọ liền có người nhìn ngó tranh giành. Đây chẳng khác nào con cọp bắt
    con thỏ, liền đó người thợ săn ra tay giết cọp. Đó không phải là có tất cả mà
    mất tất cả sao!
    Vậy còn người xuất gia không có mà có tất cả nghĩa là sao ạ? – Chàng
    thanh niên hỏi.
    Vị thầy đáp:
  • Người xuất gia mượn vật chất làm phương tiện tồn tại nhưng không lấy
    đó làm cứu cánh nên có cũng được mà không cũng chẳng sao. Vì thế nên gọi
    là “không có”. Nhưng cái mà người xuất gia sở hữu và không bao giờ mất
    đó chính là “tình thương”.
    Chàng thanh niên nhìn nhà sư:
  • Thưa thầy, tình thương ở đâu chẳng có. Bố mẹ con rất thương con!
    Nhà sư tay lần tràng hạt, mỉm cười rồi nói:
  • Tình thương của cha mẹ dành cho con cái cũng chỉ một đời mà thôi.
    Nhưng nếu đã có tình thương mà sao vẫn có chuyện cha mẹ bỏ con, con bỏ
    cha mẹ? Vậy tình thương đó cũng không thật.
  • Người xuất gia mang tình thương không chấp ngã, không luyến ái nên
    không có sự thương sự ghét chi phối. Tình thương đó là tình thương bất diệt.
    Nhà sư đứng dậy, vạt áo nâu bay theo làn gió, thanh thoát nhẹ nhàng.
    Đưa tay vỗ nhẹ bờ vai non trẻ của chàng thanh niên.
    Vô Trí – Tâm Hoà

CHUYỆN NGẮN NƠI CỬA PHẬT

HỌC CÁCH HÀNH XỬ
Hàn Sơn hỏi Thập Đắc:
“Trên thế gian này có người phỉ báng ta, bắt nạt ta, sỉ nhục ta, cười nhạo
ta, khinh thường ta, lợi dụng ta, lừa gạt ta. Vậy nên cư xử ra sao với những
người đó?”
Thập Đắc trả lời:
“Nhẫn nhịn người đó, nhường nhịn người đó, tránh xa người đó, thuận
theo người đó, chịu đựng người đó, kính trọng người đó, không để ý đến
người đó. Cứ thế qua mấy năm rồi anh hẵng nhìn lại người ta.
BÀI HỌC SUY NGẪM:
Những người gây khó khăn lại chính là những người mang đến cho bạn
cơ hội để nhìn lại bản thân và giúp bạn có những thay đổi tích cực trong tính
cách của mình.
Người gây khó khăn cho ta cũng giống như những chiếc gương vậy. Họ
giúp chúng ta nhận ra rằng chính chúng ta đã tạo ra một phiên bản méo mó
và phóng đại về bản thân mình. Chúng ta tìm thấy con người thật của mình
và sống thật với bản thân bằng những gì chúng ta đang có.
Hãy biết ơn những người gây khó khăn trong cuộc sống của bạn, hãy học
từ họ và họ sẽ chỉ cho bạn biết chính xác đâu là mẫu người bạn không muốn
trở thành.

THƯỢNG ĐẾ CHỈ CHO 1 CHIẾC GIÀY

Ở Mỹ có một cậu bé sinh ra trong một gia đình nghèo, từ nhỏ đến khi đi
học cậu chỉ mang mỗi một đôi giày rách. Cậu bé nghe nói vào lễ Giáng Sinh,
khi đến bất cứ cửa hàng nào, chỉ cần nói với Thượng Đế thứ mình muốn thì
chủ cửa hàng sẽ thỏa mãn yêu cầu của mình.
Vào hôm Giáng Sinh, cậu bé nhìn thấy trong một cửa hàng giày có bày
bán những đôi giày rất đẹp nên đã bước vào cửa hàng và nói với ông chủ
rằng: “Hôm nay là Giáng Sinh, cháu rất thích đôi giày này, chú có thể giúp
cháu nói với Thượng Đế để Ngài cho cháu đôi giày này có được không ạ?”
Ông chủ nhìn xuống chân của cậu bé và hiểu ngay vấn đề, ông ấy cầm
lấy đôi giày rồi nói: “Được thôi cháu bé, bây giờ ta sẽ nói với Thượng Đế”.
Sau đó ông ấy cầm đôi giày và đi vào bên trong.
Một lúc sau, ông chủ đi ra, nhưng trên tay chỉ cầm có mỗi một chiếc giày
rồi đưa cho cậu bé và nói: “Cháu bé, Thượng Đế nói rằng Ngài chỉ cho cháu
một chiếc giày thôi, cháu phải tự nghĩ cách kiếm tiền để mua chiếc còn lại.”
Cậu bé hỏi: “Vậy cháu phải kiếm bao nhiêu tiền thì mới mua được chiếc
giày còn lại?”
Ông chủ nói: “2 đô la.”
Cậu bé lại nói: “Được rồi ạ, cháu sẽ nghĩ cách kiếm tiền, nhưng chú nhất
định phải giữ cho cháu chiếc giày còn lại nhé.”
Ông chủ cười nói: “Cháu cứ yên tâm.”
Sau khi về nhà và tiết kiệm được 2 đô la bằng cách nhặt ve chai, cậu bé
vui vẻ chạy đến cửa hàng để trả tiền. Ông chủ đã khen ngợi cậu bé và đưa
cho cậu chiếc giày còn lại. Kể từ đó, cậu bé đã có một đôi giày mới rất đẹp.
Khi lớn lên, cậu bé đã từng làm nhiều nghề như nhân viên cứu cấp, bình
luận viên, phát ngôn viên rồi bước vào giới nghệ thuật và trở thành một ngôi

sao nổi tiếng. Vào năm 1980, cậu bé ấy đã trở thành Tổng thống thứ 40 của
Hoa Kỳ, cũng chính là Tổng thống Ronald Reagan.
Trong nhiệm kỳ tổng thống của mình, có một lần ông Ronald Reagan
được phóng viên hỏi về việc có ảnh hưởng lớn nhất đối với sự trưởng thành
của ông là gì, ông đã kể về câu chuyện “Thượng Đế chỉ cho 1 chiếc giày” khi
ông còn nhỏ.
Ông Reagan cho biết: “Sau này tôi mới biết được giá gốc của đôi giày đó
là 38 đô la, một nửa giá cũng đến 19 đô la nhưng ông chủ cửa hàng chỉ lấy
của tôi 2 đô la để dạy cho tôi một điều rằng: Thượng Đế sẽ không cho bạn
tất cả những gì bạn muốn, Ngài chỉ cho bạn một phần mà thôi, bạn phải tự
mình nỗ lực để lấy phần còn lại.”
Thượng Đế sẽ không cho bất cứ ai quá nhiều hay quá ít. Ngài cho bạn
một phần và bạn phải tự mình nỗ lực để có được phần còn lại.
LỜI BÌNH
Thượng đế chẳng cho ai quá nhiều, cũng chẳng để ai quá ít. Thượng đế
tặng bạn một phần, muốn có được phần còn lại bạn phải tự dựa vào sự cố
gắng của bản thân mà đoạt lấy.
Chỉ có không ngừng cố gắng, dựa vào chính đôi bàn tay và công sức của
bản thân, chúng ta mới có thể dễ dàng đạt được những thứ mà mình muốn.
Và chỉ khi phải đánh đổi bằng mồ hôi xương máu của bản thân, những thứ
chúng ta có được mới càng đáng trân trọng, nâng niu.
Những thứ dễ dàng có được rồi cũng sẽ dễ dàng mất đi. Ngược lại, những
thứ phải vất vả khó khăn mới có được sẽ tự nhiên trở nên quý giá.
Chỉ có dựa vào chính mình, mỗi bước chân của chúng ta mới thật sự chắc
chắn để không ngừng tiến bước trên hành trình của cuộc đời.
Sẽ ra sao nếu một người chỉ biết ngồi chờ đợi, dựa dẫm vào người khác?
Một người như thế tự nhiên sẽ đánh mất đi rất rất nhiều, đó là sự chủ động,

đó là ý chí vươn lên, đó là khả năng chiến đấu, là sĩ diện của bản thân, là
tương lai, là cả cuộc đời đáng ra sẽ không như thế…
Trên đời này không có cái gì là miễn phí, đừng bao giờ trông chờ vào sự
ban ơn của người khác. Chỉ khi bản thân mỗi người chủ động đứng lên và
bắt tay vào làm việc chăm chỉ chuyên cần, chúng ta mới xứng đáng có được
mọi thứ.
Thay vì chờ đợi người khác, hãy dựa vào chính mình, thúc giục chính
mình hãy cố gắng để cuộc đời mỗi lúc một tươi sáng hơn.

CÁI CHO NHÂN ÁI

Sau khi vượt biển thành công và tỵ nạn tại Thailand khoảng 6 tháng, tôi
được nước Mỹ chấp thuận cho định cư. Lộ trình chuyến bay từ Bangkok đến
San Francisco Hoa kỳ sẽ quá cảnh ở Tokyo, Nhật Bản.
Chuyện sau đây xảy ra khi đoàn chúng tôi già trẻ lớn bé… gần một trăm
người tỵ nạn áo quần xốc xếch ngồi chờ 3 tiếng ở phi trường Tokyo đợi
chuyển chuyến bay đi đến miền đất hứa.
Thời gian khá lâu nên bắt đầu cảm thấy đói. Tôi và vài người nữa trong
đoàn bèn tới một gian hàng nhỏ bán bánh mì ngay trong phi trường gần đó
mua.
Lúc trả tiền, người bán hỏi có phải Vietnamese refugees?
Tôi trả lời phải.
Họ nói khỏi trả tiền, lại còn tặng thêm mỗi người một lon nước.
Tôi trở về chỗ ngồi chưa kịp thưởng thức đã thấy hai người vợ chồng chủ
tiệm khệ nệ khiêng ra một khay đầy bánh mì kẹp thịt và một bình nước lọc
với ly giấy tới chỗ những người tỵ nạn đang ngồi tặng cả đoàn.
Khi đưa bánh thấy trong đoàn có một bé sơ sinh, họ bèn cho người đi
mua thêm bình sữa.
Hình ảnh làm tôi nhớ mãi là có một bà cụ trong đoàn vì cảm kích lòng tốt
của hai người chủ tiệm, bà theo lối Việt Nam cúi đầu chắp tay xá cám ơn thật
sâu.
Hai vợ chồng họ bèn nghiêm trang đứng và cùng cúi đầu trước bà cụ xá
lại để trả lễ.
Tôi khi đó vẫn còn nhỏ nên hơi ngạc nhiên về thái độ lịch sự của họ.
Càng lớn lên tôi mới hiểu không dễ gì có một tấm lòng như vậy.

Hai người này tuy là người cho, nhưng họ vẫn có tấm lòng kính trọng với
người nhận. Một cái cho nhân ái, vô vị lợi, không phải là cái cho bố thí của
một anh nhà giàu với một người ăn xin trên hè phố.
Mấy chục miếng bánh mì chắc không phải món tiền lớn đối với họ, nhưng
vẫn là một số tiền đáng kể họ phải bỏ công làm mới có.
Họ biết rằng những người Việt tỵ nạn này vài tiếng nữa thôi sẽ đi về
những miền xa xôi và chắc sẽ không có cơ hội gặp lại… nhưng họ vẫn sẵn
lòng giúp đỡ không hề nghĩ đến sự đền đáp.
Một lần nữa, dù rất muộn màng, xin nghiêng mình cảm tạ tấm lòng nhân
ái của đôi vợ chồng người Nhật tại phi trường Tokyo năm nào./.
(A true story) ThaiNC

ĐỌC SÁCH VÀ ĐỌC TÂM

Với tôi, việc đọc sách, cũng giống như những thực hành sống
hàng ngày khác, chưa bao giờ là cuộc đua và không nên là cuộc
ganh đua. Cũng không cần phải tự tạo một cuộc đua với chính bản
thân mình làm gì vì điều đó là vô ích và không cần thiết. Giữ thói
quen đọc sách là tốt, nhưng thực hành sống tốt đẹp thì tốt hơn
nhiều lần.
Tôi thường giới thiệu đến mọi người những cuốn sách mà mình
đã đọc vì đó là một chia sẻ có thể hữu ích với những người có duyên
tiếp cận. Nhưng tôi không hề là một tên mọt sách và không có ý
khoe mình đọc nhiều.
Khi ai đó nói rằng bạn nên đọc 40, 50 cuốn sách/năm hay vài
cuốn sách/tháng. Tôi mỉm cười và im lặng khiêm tốn.
Nếu ai đó bảo tôi có ý kiến như thế nào về việc đọc này, tôi cho
rằng tốt thôi, nếu Bạn có thể duy trì một thói quen bổ ích như vậy.
Sự đọc đến với tôi không phải quá sớm. Gia đình tôi không phải
gia đình có truyền thống trí thức. Những người thân gần như
không có khái niệm thư viện hay giá sách là gì. Đến năm 14 tuổi,
tôi mới bắt đầu tự mua sách về đọc và bước đầu là những cuốn Hạt
giống tâm hồn. Tôi ngụp lặn trong những câu chuyện đầy nuôi
dưỡng như vậy. Khi lên cấp 3 và đại học, tôi đọc một số cuốn trinh
thám, du lịch và tiểu thuyết nổi tiếng như Cuốn theo chiều gió,
Kiêu hãnh và định kiến, Hai số phận… Và kể từ năm 22 tuổi trở đi,
tôi gần như chỉ đọc những tác phẩm/minh triết Phật giáo thiết yếu
và căn bản nhất như Tứ Diệu Đế, Tạng Thư Sinh Tử, Thập nhị nhân
duyên, Bát chánh đạo… để từ đó, hiểu về bản chất cuộc sống, rồi
thực hành Phật pháp nhằm tinh tấn hơn trên con đường giải thoát.
Nếu ai đó hỏi tôi rằng tôi đã đọc Tiếng chim hót trong bụi mận
gai, Đồi gió hú… hay chưa thì câu trả lời là chưa. Và tôi nhận ra
mình chưa hề đọc rất nhiều cuốn mà thế giới cho là kinh điển. Nếu
họ khuyên tôi đọc, tôi cũng sẽ khiêm tốn im lặng mà không lời phản
biện nào. Nếu ai đó kinh ngạc mà thốt lên với tôi rằng :

  • Trời ơi, cuốn đó kinh điển như vậy mà bạn chưa đọc hay sao,
    thật phí phạm một đời người!
    Và, tôi cũng sẽ chỉ im lặng. Và chỉ có mỗi im lặng là câu trả lời
    trước những lời như vậy mà thôi.
    Khi tôi còn là một sinh viên, tôi đã luôn tự hỏi bản thân phải
    chăng cuộc đời của một người trí thức là cứ phải đọc hết những
    cuốn sách mà cả xã hội đánh giá cao. Phải chăng mình phải gặm
    nhấm chúng hết để có thể trò chuyện với một ai đó giỏi giang và
    tài năng và không bị người ta chê cười. Rồi đến năm 21 tuổi, khi
    bắt đầu đào sâu vào con đường tinh thần, tôi nhận thấy một sự thật
    rằng đọc sách là tốt, nhưng đọc Tâm, tức nhìn vào Tâm thức của
    mình để đọc nó, thấu biết nó, mới là cái đọc thiết yếu nhất.
    Đọc Tâm thể hiện qua việc Thiền định và Chánh niệm.
    Nhưng cái đọc Tâm này có vẻ bị xã hội coi thường và hoàn toàn
    mù mờ về nó vì nền tảng giáo dục không dạy về nó, chưa kể Việt
    Nam gần như số đông không theo đạo Phật. Và thế, đọc tâm là một
    cái gì đó mơ hồ và thế chẳng ai hiểu.
    Nhưng việc chỉ đọc sách không thôi rốt cuộc lại chẳng thể giải
    quyết nổi nỗi khổ đau. Đọc sách chẳng thể giúp Bạn giải quyết triệt
    để tổn thương và gánh nặng tâm hồn mà Bạn đang chịu đựng. Và
    kể từ đó, tôi thôi không đọc theo cái cách mà người ta cho rằng đọc
    như thế này mới là đúng. Tôi đọc theo tiếng gọi chỉ dẫn bên trong
    mình. Tôi nương theo lời dạy của Phật để thực hành rốt ráo.
    Khi ta tìm thấy đúng kho tàng minh triết nói lên được bản chất
    vũ trụ, ta dường như không còn để bị dính mắc vào việc đọc những
    cuốn sách mà cả xã hội đang marketing. Và ta bỏ ngoài tai những
    lời chế diễu ta. Vì ta không đọc sách để phản biện với ai cả. Ta
    không dùng kiến thức để hơn thua với người nào. Ta nắm bắt kiến
    thức để từ đó giúp mình mà giúp mình ở đây là mục đích tối hậu
    hay ý nghĩa đích thực của việc sinh ra làm một con người.
    Việc đọc đã giúp ích tôi rất rất nhiều và đã hoàn toàn thay đổi
    con người tôi. Nhờ đọc những cuốn sách nuôi dưỡng tâm hồn, tôi
    đã sống tốt hơn mỗi ngày, mở rộng lòng Từ bi và Bác ái. Nhưng có
    được điều đó, là bởi tôi NGỘ được điều sách nói và đi đến thực
    hành. Chính cái ngộ rồi đi đến thực hành là điểm vô cùng quan
    trọng. Nhưng nếu ta chỉ đọc để hằng mong lấp đầy tâm trí bằng
    những kiến thức đã đọc thì có khi lại phát tâm kiêu ngạo hay ngã
    mạn.
    Tôi từng biết một người bạn đọc rất nhiều cuốn sách và cứ mỗi
    lần ai đó nói cái gì đó, Bạn như chờ cho người kia nói sai để phản
    biện:
  • Em nói sai rồi, trong cuốn A, B, C nói như thế này nè….
    Cứ thế, cuộc trò chuyện trở thành một cuộc đối thoại hơn thua.
    Và dần dần, người ta chẳng muốn nói chuyện với Bạn nữa. Trong
    một cuộc chuyện trò, cái tâm kiêu ngạo sẽ khiến Bạn không thể
    lắng nghe ai đó được trọn vẹn. Bạn chỉ đang cố chứng minh sự đọc
    rộng của mình nhưng sự chứng minh đó lại thành ra vô minh vì
    Bạn đã không hề áp dụng được một chút gì từ sách dạy. Sách dạy
    khiêm tốn thì Bạn lại trở nên kiêu ngạo. Sách dạy khiêm nhường
    và từ bi thì Bạn lại rất thể hiện và thích phán xét đúng sai. Việc đọc
    sách theo kiểu này, chỉ biến Bạn thành một nhà copy lý thuyết trịch
    thượng. Nhưng rốt cuộc, trí tuệ của Bạn chẳng thể khởi sinh.
    Trí tuệ chỉ có thể phát sinh từ việc đọc Tâm.
    Trí tuệ chỉ có thể phát sinh khi con người ta quay về bên trong,
    quán xét chính mình, rơi vào cái tâm tĩnh lặng, quán xét kiên nhẫn,
    và cứ kiên nhẫn như thế, cho đến khi cái trí tuệ nảy nở một cách tự
    nhiên.

KHÉO TỰ BẢO VỆ ĐƯỢC MÌNH

  1. Có người không tự bảo vệ được mình trong những ngày buồn, có người
    lại không tự bảo vệ được mình trong những ngày vui.
    Có kẻ vì quá buồn nên lao vào những cuộc vui, có kẻ vì quá vui nên cũng
    tìm những cuộc vui để lao vào; rồi cả hai cùng đốt cháy mình trong đó.
  2. Có người không tự bảo vệ được mình trong những lúc thất bại, có
    người lại không tự bảo vệ được mình trong những lúc thành công.
    Có kẻ vì thất bại nhiều lần nên mất hết quyết tâm. có kẻ vì thành công dễ
    dàng nên mất hết sự khiêm tốn; rồi cả hai đều không còn là chính mình ngày
    xưa.
  3. Có người không tự bảo vệ được mình trong những khi cô độc, có người
    lại không tự bảo vệ được mình trong những khi đứng giữa đám đông.
    Có kẻ vì cô độc nên quay trở lại một nơi đã từng làm mình đau, rồi hủy
    hoại mình trong đó; có kẻ vì đứng giữa đám đông, không cưỡng lại được
    sức mạnh của đám đông, nên nói những lời của đám đông, nhìn theo hướng
    của đám đông, mang gương mặt của đám đông, nghĩ những điều như đám
    đông, và cuối cùng, cũng hủy hoại bản thân mình trong đó.
  4. Có người không tự bảo vệ được mình trong những ngày trắng tay, có
    người lại không tự bảo vệ được mình khi trong tay có quá nhiều.
    Có kẻ vì sợ trong tay mình không có gì, nên cúi xuống nhặt lại thứ đã
    từng làm mình đứt tay. Có kẻ vì trong tay có quá nhiều, nên buộc phải chọn
    thứ gì đó để bỏ bớt đi, cuối cùng họ chọn bỏ lương thiện, bỏ tử tế, bỏ sự
    trong trẻo của ngày xưa, để rảnh tay nắm giữ những thứ khác.
    Mong người luôn an.
    Vô Thường
    Núi.23.3.2023
    Om Mani Padme Hum

BÀI HỌC VỀ SỰ LƯƠNG THIỆN

Hồi còn đi làm, không ít người than thở giùm mình là sao chị cứ vô tư
vậy để phải chịu thiệt thòi. Mình cũng thử học “khôn ngoan” nhưng chán
quá nên lại thôi, thà thiệt một chút mà thanh thản còn hơn. Nhưng đến nay,
khi đã ra khỏi vòng danh lợi, nhìn lại những người tranh đua thời đó, mình
không thấy thiệt thòi gì, “Được cái lọ – Mất cái chai” thôi. Những cái gì là giá
trị trường tồn sẽ chiến thắng, như câu chuyện sau:
Chó yêu Hồ ly sâu nặng. Chúng thường chơi với nhau. Rồi một ngày, cả
hai gặp phải Thần Chết.
Thần Chết nói:
“Trong hai ngươi, chỉ có một người được sống, hai ngươi hãy oẳn tù tì đi,
ai thua sẽ phải chết”!
Chó bảo Hồ ly hãy cùng nhau ra búa, vì vậy chúng ta sẽ hòa nhau, không
ai phải chết.
Nhưng cuối cùng Hồ ly đã chết.
Chó khóc lóc ôm Hồ ly đã chết nằm yên lặng trong lòng.
“Đã nói là cả hai sẽ cùng ra búa, tại sao trong khi ta ra kéo thì ngươi lại ra
bao?”
Hóa ra Chó muốn thua để Hồ ly được sống, tưởng rằng Hồ ly sẽ ra búa
nên Chó ra kéo, nhưng không ngờ Hồ ly lại ra bao, vì nó nghĩ Chó sẽ ra búa.
Cuối cùng, tất nhiên là Chó đã thắng.
Đây mới là hiện thực, là lòng người trong xã hội.
Hồ ly ích kỷ, còn Chó lại quá ngốc nghếch.
Nhưng xã hội vẫn còn một mặt khác. Đó là: Khi chúng ta hãm hại người
khác cũng chính là đang hãm hại bản thân. Có một số người sẵn sàng chịu
thiệt thòi luôn nhường cho người khác, nhưng chính họ mới là người đang
thắng.

Thế nên: cứ tiếp tục lương thiện… rồi bạn sẽ thắng. Đấng Tạo hóa đã tạo
ra mọi loài để chung sống với nhau, ngay cả những loài ăn thịt như hổ, báo
cũng không bao giờ tận diệt được các loài là đồ ăn của mình như thỏ, sóc mà
chúng cùng nhau phát triển để bảo tồn vòng tuần hoàn của Tự Nhiên. Loài
người phải dựa vào nhau để sống nên muốn tồn tại lâu dài phải sống có hậu,
chân lý là như vậy.
Có ai đó đã nói: “Rồi đến một ngày bạn sẽ nhận ra lương thiện khó hơn
là thông minh. Vì thông minh là một dạng bẩm sinh, còn lương thiện là một
dạng lựa chọn”.
Hãy tập trung trở thành một người tốt và có năng lực, phần việc còn lại
hãy để cho luật nhân quả và hấp dẫn của vũ trụ quyết định!

TẠI SAO ĐỨC PHẬT TÁN THÁN HẠNH Ở MỘT MÌNH?

Vì nó tránh được nhiều nguy hại:

  1. Tránh được ‘nhiều chuyện’.
  2. Tránh được việc nói xấu người khác
    (đầu tiên ngồi lại thì nói chuyện tốt, hết chuyện tốt rồi thì nói chuyện xấu).
  3. Tránh được khẩu ác nghiệp
    (nói xấu người khác là một ác khẩu nghiệp)
  4. Mất thời gian.
  5. Dễ duôi.
  6. Bỏ bê việc tu học.
  7. Tâm tư phóng dật.
  8. Thất Niệm.
  9. Tổn hại khí lực.
  10. Định không được tu tập tiến bộ.
  11. Tuệ không có cơ hội sanh trưởng.
  12. Đạo lộ bị đứng lại.
  13. Ở một mình, mình không làm phiền ai, mà cũng không ai làm phiền
    mình.
  14. Ở một mình tâm tư được an tịnh.
    Đó là những lợi ích chúng tôi đã kinh nghiệm được từ việc sống một
    mình, mặc dù Phật không nói rõ như vậy. Nhưng qua việc sống một mình
    mà chúng ta thấy được điều đó.
    Khi mình kinh nghiệm được sự tai hại của tụ tập và lợi ích của độc cư thì
    mình mới ưa thích sự độc cư. Nên vì sao các bậc hiền nhân xưa ưa thích độc
    cư và không ưa thích sự tụ tập.
    “Ai nằm ngồi một mình

Độc hành không buồn chán
Tự tại sống một mình
An lạc cuộc đời tu.”
Kinh Pháp Cú
Tỉnh Thức
Namo Buddhaya

CHỈ MỘT LÒNG LẤY THIỆN ĐÃI NGƯỜI

Có một vị giáo sư chuyên nghiên cứu về loài gà.
Một ngày kia, ông phát hiện trong rừng có một con chim Trĩ đẻ được khá
nhiều trứng, liền lặng lẽ nhặt lấy mấy quả mang về. Vừa khéo lúc đó lại có
một con gà mẹ cũng đẻ trứng, ông bèn lấy trứng của gà mẹ đi rồi bỏ trứng
của chim Trĩ rừng vào.
Gà mẹ nhìn thấy trứng không giống nhau, do dự một hồi, nhưng vẫn
chấp nhận ấp những quả trứng lạ này, vừa điềm đạm lại vừa cẩn thận, cứ
như là đang ấp trứng của chính mình vậy. Sau một thời gian, chim trĩ con
nở ra, gà mẹ dẫn chúng vào trong rừng, dùng móng vuốt đào bới đất, tìm
kiếm sâu bọ giữa đất và rễ cây, sau đó “cục…cục…” gọi mấy con chim trĩ
non đến ăn.
Chứng kiến cảnh ấy, vị giáo sư hết sức ngạc nhiên. Lũ gà con vốn đều
được cho ăn thức ăn nhân tạo, vì sao gà mẹ có thể biết được rằng chim trĩ
con không ăn thức ăn chăn nuôi mà chỉ thích ăn giun dế ?
Giáo sư lại lấy một số trứng vịt cho gà mẹ ấp. Lại như lần trước, gà mẹ
vẫn không quản nhọc sức ấp số trứng ấy nở ra vịt con. Sau đó, gà mẹ lại dẫn
theo đàn vịt con đến bên hồ nước để chúng tập bơi lội. Hai sự việc bất ngờ
ấy giúp vị giáo sư chợt nhận ra một đạo lý.
Loài gà vốn bị cho là “não nhỏ”, ngốc nghếch, không có tình cảm nhưng
thực ra chúng vừa có tình thương, lại có trí tuệ. Gà mẹ không chỉ bao dung,
ấp số trứng lạ không phải mình đẻ ra, mà nó còn hiểu được đặc tính của
những con Trĩ con, vịt con ấy rồi dẫn dắt chúng thực hành kĩ năng sinh tồn
mà tạo hóa đã ban cho.
Lại nói về chuyện gà mẹ ở trên, con người trong hoàn cảnh ấy sẽ ứng xử
khác biệt hoàn toàn. Rất có thể chúng ta sẽ bắt lũ vịt con học tiếng gà kêu,
bắt chim Trĩ rừng ăn thức ăn nhân tạo.

Nghĩa là ta luôn muốn cưỡng ép người khác theo quan điểm, suy nghĩ
của mình mà chẳng hề quan tâm tới cá tính, thói quen và sở thích của người
khác. Những xung đột, hiểu lầm cũng bắt nguồn từ đây.
Khổng Tử nói: “Kỷ sở bất dục, vật thí ư nhân“ nghĩa là Điều gì bản thân
mình không muốn thì chớ làm cho người khác. Người quân tử chính là như
vậy, không ép buộc, cưỡng chế người khác, chỉ một lòng lấy thiện đãi người.
Cả trong lễ nghi phương Đông và phương Tây, việc tôn trọng sở thích,
quan điểm của người khác đều là biểu hiện của văn hoá, của sự thanh lịch.
Một đoàn thể có thể hài hòa ổn định hay không, then chốt chính là việc
mỗi cá thể trong đoàn thể đó có thể tôn trọng, bao dung, lấy tấm lòng từ bi
để đối đãi với nhau hay không. Nếu hãy còn tính toán, trách móc lẫn nhau
thì khẳng định người ta sẽ không thể sống thanh thản dù chỉ một khắc.
Một con gà mái có thể lấy trí huệ của tình thương để đối đãi với loài vật
có ngoại hình và tập tính sống khác biệt với mình. Là con người mà nói, chỉ
có dùng dùng trí huệ thanh tịnh hóa giải tranh chấp, dùng thiện lương hoá
giải hận thù, cuộc sống này mới có thể hoà hợp, viên dung, tươi đẹp hơn lên
vậy.
”Sẽ sai sót nếu nghĩ mình luôn đúng
Và mọi người ai nấy cũng đều sai
Người biết sống- sống giữa nghìn khác biệt
Vẫn nhìn nhau thông cảm với quan hoài…”
NHƯ NHIÊN

BỊ TRÚNG LAO MÀ KHÔNG HAY BIẾT

Một thời, Thế Tôn trú ở Sàva􀄴hi, dạy các Tỷ-kheo:

  • Khổ lụy, này các Tỷ-kheo, là lợi đắc, danh vọng, cung kính, là chướng
    ngại pháp để chứng đắc vô thượng an ổn, khỏi các khổ ách.
  • Này các Tỷ-kheo, thuở xưa, trong một hồ nước có những con rùa sinh
    sống. Rồi một con rùa nói với con rùa khác: Chớ có đi đến chỗ ấy. Con rùa
    kia không nghe lời đi đến chỗ ấy liền bị người thọ săn phóng trúng nó một
    cây lao có sợi dây.
    Khi thấy con rùa kia đi đến, con rùa này hỏi: Này bạn, bạn có bị thương,
    bị bắn trúng không?
    Không, tôi không bị thương, không bị bắn trúng nhưng có ngọn lao và
    sợi dây dính theo lưng tôi.
    Này bạn, bạn bị thương thật rồi. Bạn bị bắn trúng thật rồi. Chính vì
    những vật này của người thợ săn mà cha ông của bạn rơi vào bất hạnh, rơi
    vào tai họa.
  • Này các Tỷ-kheo, người thợ săn chỉ cho ác ma. Cái lao chỉ cho lợi đắc,
    danh vọng và cung kính. Sợi dây chỉ cho hỷ tham.
  • Tỷ-kheo nào, đối với lợi đắc, danh vọng, cung kính mà thọ hưởng và
    luyến ái thì vị ấy đã bị lao đâm trúng, đã rơi vào tai họa, bị ác ma muốn
    làm gì thì làm.
    (Tương Ưng Bộ II, chương 6, phẩm 1, phần Con rùa [lược])
    LỜI BÀN:
    Lợi danh là một trong những món dục hấp dẫn ở đời. Khi chưa đoạn trừ
    tâm tham thì tất nhiên chúng ta vẫn bị cuốn theo ngũ dục. Vấn đề là mỗi
    người có nhận ra điều ấy để tự thúc liễm, chỉnh đốn thân tâm của mình trước
    cơn lốc tham dục hay không?

Chuyện con rùa bị người thợ săn phóng lao cắm chặt trên lưng cùng với
sợi dây mà không tự biết mình đang bị nạn, sắp rơi vào tai họa cho ta nhiều
suy ngẫm. Phải chăng đâu đó trên thân tâm mình cũng đang dính chặt một
ngọn lao danh lợi? Nhưng chắc là không, vì chẳng thấy đau đớn hay thống
khổ gì cả! Cũng như chú rùa kia nhờ chiếc mai dày nên dù trúng lao nhưng
không có cảm giác đau, và đây mới là vấn đề.
Làm được những điều tốt, các việc thiện hay những Phật sự nói chung
vốn thật quý hóa. Tuy nhiên, để nuôi dưỡng từ tâm, phụng sự chúng sinh
lâu dài trong tinh thần vô ngã vị tha, quả chẳng dễ dàng. Sự thành công lắm
khi trở thành phù sa màu mỡ cho cái tôi nảy mầm, bén rễ. Một khi cái tôi có
mặt thì tham ái và chấp thủ bắt đầu trỗi dậy, ngọn lao và sợi dây xuất hiện,
khả năng lọt vào vòng kềm tỏa của ác ma có thể xảy ra.
Do đó, thường xuyên cảnh giác với danh lợi và cung kính, tỉnh táo trước
vị ngọt của dục để tránh những ngọn lao luôn nhắm vào chúng ta. Người
thợ săn dễ dàng khống chế, bắt làm thịt con rùa đã trúng lao. Cũng vậy,
chúng ta cũng dễ dàng bị ác ma điều khiển, thao túng, dẫn dắt khi mống
tâm thọ hưởng và luyến ái lợi danh.
QUẢNG TÁNH