LAI QUẢ THIỀN SƯ – CỨU TÂM

      Tâm tại sao nói cứu ? Bởi do hằng ngày chúng ta chỉ biết có thân, chẳng biết có tâm, luôn luôn nói tâm tức là thân, thân tức là tâm, nhận lầm thân tâm là một. Lại chẳng biết có chân tâm, vọng tâm, cho nên bất cứ ở đâu cũng dám quên tánh mạng để bắt tâm làm cho thân được thể diện, được cao sang, muốn cho thân được thích ý, chỗ nào cũng nói thân là ta. Trái lại chẳng biết là đang đem cái tâm Phật đời đời kiếp kiếp chẳng lìa ta vùi vào trong khối thịt của thân, cái tâm đáng thương của ta từ lâu rồi chẳng được nhận biết diện mục của nó như thế nào ? Là vật gì ? Thật đáng thống hận biết bao !

      Sao chẳng nghĩ cứu cánh là người nào gánh dùm ông một khối thịt nặng mấy chục ký lô đi đứng ngồi nằm, làm việc này, làm việc nọ, thích ý thì để tâm hoan hỷ hiện lên mặt, không vừa lòng thì để tâm buồn giận ở trong bụng. Bận rộn hết ngày đến đêm, hết đêm đến ngày, chỉ lo bận rộn mà chưa từng quày đầu lại xem là ai bận rộn ? Thậm chí muốn để cho tâm nghỉ một chút cũng không được. Thân có bệnh, tâm lo tìm thầy thuốc. Thân có tội, tâm tìm cách cứu chữa giải thoát. Thân có vinh diệu, tâm mừng rỡ thích thú. Thân sắp chết, tâm lo tìm nơi chôn, chỗ thiêu, lo sắp đặt việc nhà. Lúc thân còn sống thì cứ lo thân ta là ta, chưa có phút giây nào cho tâm là ta. Chết đi xuống âm ty Diêm Vương không cần cái thân nữa, mà cần tâm. Nói tất cả nghiệp là do tâm tạo, chứ không dính líu tới thân. Nghe nói như thế càng thêm uất hận, nào dè đến bây giờ mới biết tâm ta bị cái thân lừa gạt. Thân kia lìa tâm ta rồi hoặc đem chôn thành đất, hoặc đem thiêu thành tro. Thân làm đủ thứ chuyện khiến cho hôm nay ta bị đọa địa ngục đau khổ khôn kể xiết. Hối hận buổi đầu sao chẳng tự lo, sao chẳng biết quấy, để đến bây giờ làm sao khỏi lên thiên đường xuống địa ngục, vào thai lừa, bụng ngựa, ngạ quỷ, súc sanh ?

      Suy nghĩ kỹ, thân người còn do tâm ta tạo, thì các thứ thân khác của tứ sanh lục đạo chẳng lẽ lìa được tâm ta sao ? Tâm ta đã bị thân người và thân của loài chẳng phải người (phi nhân) gạt rồi lại gạt, gạt mãi đến bao giờ mới thôi. Thương thay ! Tôi chí thành cầu xin chư Đại Đức hãy cứu tâm.