THAM THIỀN

      Pháp tham thiền này chẳng phải pháp thế gian, xuất thế gian có thể so sánh được. Đây là tông chỉ bất lập văn tự. Trực chỉ nhân tâm kiến tánh thành Phật của “Tổ Đạt Ma, là đốn pháp truyền ngoài giáo điển, Tam thân, Tứ trí, Thập địa, Tam thừa tất cả kinh Phật lời Tổ, hữu tình, vô tình đều bị thiền ấy gồm hết.

      Chư Phật Đại Giác, chúng sanh bất giác, Thiền này ở sau bất giác, ở giữa vô minh. Người đại lực lượng tham thấu thiền này thì trên tỏ rõ Chư Phật bổn giác, dưới thông cả tam tế, lục thô. Đây gọi là hướng thượng quay đầu, cũng gọi là tối thượng thượng thừa thiền, còn gọi là xuất thế gian thiền, cũng gọi là thượng diệu thâm thiền, cũng gọi là Tổ sư thiền. Người tham được thiền này trải qua 42 vị, 10 đại của pháp thân đại sĩ, và 55 vị chân Bồ Đề Lộ, 37 phẩm trợ đạo v.v… Các pháp tiệm thứ đều nhất siêu trực nhập liền ở trên tất cả pháp môn. Bởi vì dùng niệm phàm phu ngộ tâm chư Phật nên thật là pháp môn bất nhị.

      Ngoài thiền này ra còn có các loại thiền khác như : Sơ thiền chứng ly – sanh hỷ – lạc địa gọi là sơ thiền thiên. Nhị thiền chứng định sanh hỷ lạc địa gọi là nhị thiền thiên. Tam thiền chứng ly hỷ diệu lạc địa gọi là tam thiền thiên. Tứ thiền chứng xả niệm thanh tịnh địa gọi là tứ thiền thiên. Tứ thiền thiên trở lên tu không xứ định, chứng không xứ thiên, tu thức xứ định, chứng thức xứ thiên, tu vô sở hữu xứ định chứng vô sở hữu xứ thiên, tu phi phi tưởng định chứng phi tưởng phi phi tưởng thiên, đây gọi là tứ định. Trước tứ thiền gồm tứ định, cho nên gọi là tứ thiền bát định.

      Từ nhân gian đến Tha hóa thiên, gọi là dục giới thiên. Từ phạm chúng thiên đến sắc cứu cánh thiên gọi là sắc giới thiên. Từ không xứ thiên đến phi phi tưởng xứ thiên gọi là vô sắc giới thiên. Người trong tam giới cùng một sanh tử, đồng một khổ luân. Có vị trời Đế Thích ở dục giới thiên bị cái khổ đầu thai vào bụng lừa. Có Tỳ Kheo Vô Văn ở sắc giới thiên bị cái khổ đọa địa ngục A tỳ. Có ông Uất Đầu Lam Phất ở vô sắc giới thiên bị cái khổ đọa làm thân con trùng trên cổ con trâu. Do đó, đủ biết tam giới không an, khác chi nhà lửa.

      Tóm lại, tham thiền tông môn thì thành Phật cùng chứng vô sanh, tu thiền thế gian thì sanh lên trời đồng chúng hữu sanh. Còn các thứ thiền khác của ngoại đạo không thể kể hết. Điều trọng yếu nhất là người hành đạo phải cẩn thận đường lối tu hành giải thoát đúng đắn.

ÁC TÂM, THIỆN TÂM

Có người hỏi : Hằng ngày chúng ta lấy gì làm tâm thiện, lấy gì làm tâm ác ?

Đáp : Thân làm việc sát sanh, trộm cắp, tà dâm, miệng nói lời thêu dệt, nói lời dối trá, nói lời chia rẽ, nói lời ác độc, ý khởi tham, sân, si là tâm ác. Trái với đây là tâm thiện.

Có người gặp hoàn cảnh lôi cuốn thân làm điều ác, ta phải mau tìm cách khuyên can dìu dắt họ cải tà quy chánh. Có người tâm bị nhiễm điều ác, ta phải gấp dùng đạo “Phản vọng quy chân” cứu giúp họ. Đây là Phật dạy Tăng Sĩ phải làm hết thiên chức độ người.

Cứu thế chẳng gì bằng cứu người. Cứu người, chẳng gì bằng cứu tâm. Pháp cứu tâm là đại pháp căn bản như rút củi dưới đáy nồi. Vì sao vậy? Thế giới thiện do người thiện. Người thiện do tâm thiện. Tâm thiện thì xưa nay cho đến đời sau, chỗ này nơi khác được gọi là thế giới thiện khắp cả mười phương. Vậy cái thiện của thế giới chỉ thẳng vào tâm thiện. Tâm này tuy thiện mà thật ra chưa tận thiện. Vì cớ sao? Vì tâm là bổn nghiệp của hư không, đại địa, tâm là trung tâm của thiên đường, địa ngục, tâm là chỗ vui của phú quý công danh, tâm là chỗ lo của nghèo cùng hèn hạ. Tâm thiện thì cảm trụ ở chỗ thiện, tâm ác thì cảm sanh ở chỗ ác. Do đây mà qua lại không ngừng trong hai đường thiện ác. Người đời nhận lầm tâm là ta cho nên bị mê luân hồi, không biết đường trở lại. Sự lầm lẫn lớn lao như thế là lỗi tại tâm.

Nay còn nói tâm thiện, tâm ác, phải chăng cũng là chưa đúng. Xin những người sáng suốt đừng chỉ khối thịt trong lòng ngực là tâm, cũng đừng cho kiến văn giác tri là tâm, cũng đừng cho mừng giận buồn vui là tâm, cũng đừng cho hiền ngu lợi độn là tâm. Những tâm này đều chẳng phải tâm. Nếu cho những tâm này là tâm, thì có hư không đại địa, các thứ chỗ nơi, ấy là đất cấm dùi của chúng ta vậy. Người muốn chẳng bị tâm mê, chẳng bị thế gian chuyển, chẳng kẹt vào các cảnh, muốn biết tâm tính, đạt bổn nguyên, thì trước tiên mỗi người phải kính Phật giáo, phải tin Sư Tăng vì Phật giáo là pháp cứu tâm, Sư Tăng là người chỉ tâm. Chẳng những tự mình tin Tam Bảo mà còn khuyên mọi  người cung kính Tam Bảo. Tuy biết tâm tin Tam Bảo là sơ tâm của thành Phật, nhưng người tin Tam Bảo là người thiện của học Phật. Mở rộng ra đến toàn thế giới, cả thế giới có người này, cả thế giới có tâm này mới là công phu bước đầu của niềm tin.

Đã tin tâm rồi, còn phải tìm cách truy cứu tâm ấy là con đường tắt “Phản vọng quy chân” vọng đã có thể phản được thì tà đâu còn, chân có chỗ quy về thì hẳn là chánh vậy. Thế nên biết công của Phật giáo. Đức của Sư Tăng dẫu cho có nói đến muôn đời cũng không hết được.

Thế gian có cứu được chìm đắm, yên được sóng gió, chánh nhân tâm bồi đạo đức đẹp thế giới, vui nhân dân, chính là do đạo này vậy.