KHÔNG HIỂU

Không hiểu là câu nói quen miệng của người tham Tổ Sư Thiền. Tất cả những pháp có tướng của thế giới này, đưa ra một việc gì ban đầu không hiểu rồi từ từ cũng có thể hiểu. Vì có tướng để thấy, thấy thì có thể biết, chỗ không hiểu lâu ngày có thể hiểu.

Như Tông Môn hỏi : Con chó có Phật tánh hay không ?

Hỏi : – Cây bách trước sân có thể là Phật pháp chăng ?

– Cục cức khô là ý Tổ sư từ Ấn Độ sanh chăng ?

– Trên đầu trăm cỏ là Tổ sư thiền chăng ?

– Vạn pháp quy về một, một quy về chỗ nào ?

– Trước khi cha mẹ chưa sanh, cái gì là bổn lai diện mục của ta ? Hiểu chẳng ?

Các công án của Cổ Đức hỏi ông hiểu chăng ? Nếu thật không hiểu, cũng không đáng trách. Trước không hiểu thế pháp, kế không hiểu Phật pháp khiến cho tháo mồ hôi lưng không còn cách nào mở miệng, thật đáng hổ thẹn.

Lại hỏi : Hiện bây giờ đi đường là ai ? Ăn cơm là ai ? Nếu hiểu được thì đâu cứng họng như đứa ngốc.

Lại hỏi : Nói chuyện là ai ? Bật cười là ai? Hỏi đến con mắt trợn dọc. Lại hỏi nữa : muốn giữ thể diện là ai ? Có bản lãnh là ai ? Thật ra rõ ràng là ta không dám thừa nhận là ta. Khó quá !

Mấy câu trên tại sao không hiểu, tức muốn chết đi !

Lại hỏi : thấy yêu sanh mừng là ai ? thấy ghét sanh giận là ai ? Càng thêm không hiểu. Tức lắm !

Lại đặc biệt chỉ ra, trong hàng ngày mỗi người cử chỉ động tịnh, vận chuyển làm việc, nói nín, hôn trầm, tán loạn, ngay lúc một mình nó lộ bày chính là lúc nhận lấy tự kỷ, tại sao lại dùng hai chữ không hiểu để đáp tôi. Lạ thật ! Mầu nhiệm chẳng thể nói vậy.

Lại muốn cho người hiểu sâu đại pháp, mọi người đang niệm Phật hãy ngưng niệm một chút, cho tôi hỏi một câu : “Câu Phật vừa niệm đó là ai niệm ?” Lại hỏi nữa : “Cứu cánh là người nào niệm Phật ?” Tiếp tục hỏi nữa : “Đáo để là người nào, niệm Phật ?” Chẳng lẽ người khác thế ông niệm Phật ! Thật lạ quá ! Rõ ràng niệm Phật, rỏ ràng chẳng biết ai niệm, thật làm cho người ta không hiểu lại càng không hiểu. Nếu biết mà không hiểu thì không cần phải nói. Nếu không biết mà không hiểu thì quyết định phải truy vấn đến thật hiểu mới thôi.