BUÔNG CHẲNG ĐƯỢC

 

      Người tham thiền buông thế giới, thân, tâm chẳng được, người ở trong thất mà tâm ở ngoài đời chỉ tăng thêm sự tệ lậu, không tiến được chút nào !

      Phải biết tâm bị nghiệp thức nhốt chặt, thức bị ý hoặc nhốt chặt, ý bị tướng trần nhốt chặt, tướng bị thân thể nhốt chặt. Thân bị gia đình nhốt chặt. Gia đình bị núi sông nhốt chặt. Núi sông bị đại địa nhốt chặt. Đại địa bị hư không nhốt chặt. Hư không bị vô minh nhốt chặt. Vô minh bị bất giác nhốt chặt. Bất giác bị chúng sanh nhốt chặt. Chúng sanh bị cái vòng mê nhốt chặt. Cái vòng mê này là một cái cửa lớn từ xưa đến nay chẳng biết đã nhốt chặt bao nhiêu là trái đất, nhật nguyệt, người cùng loài chẳng phải người (phi nhân), đại không thái không, sỏi đá ngói gạch, rau xanh, củ cải, cục bùn, khúc gỗ, con rùa, con tép, nam nữ cõi trời v.v… Nó nhốt chặt ở quá khứ vô lượng kiếp nhốt chặt ở hiện tại vô lượng kiếp, lại nhốt chặt ở vị lai vô lượng kiếp. Tận đến thuở vị lai, chẳng biết còn nhốt chặt đến lúc nào mới thôi. Buồn thay !

      Song xét kỹ đều do ba chữ BUÔNG CHẲNG ĐƯỢC mà ra khiến cho đen tối mịt mù ngu si không biết gì hết. Tại sao thế ? Thức buông bỏ được suy lường, thân buông bỏ được vọng tưởng, hư không buông bỏ được đại địa, cục gạch buông bỏ được khỏi bùn. Xét kỷ lưỡng lại, thức buông bỏ được suy lường thì tâm bất khả đắc, vọng buông bỏ được tưởng trần thì thân bất khả đắc, hư không buông bỏ được đại địa thì thế giới bất khả đắc. Như thế thân, tâm, thế giới, cả 3 hoàn toàn không bỏ được thì e rằng đốt lồng đèn đi kiếm một chúng sanh cũng không làm sao có được !

      Thế nên biết ba chữ BUÔNG CHẲNG ĐƯỢC  này có bản lảnh rất to có thể khiến cho bất giác thành chúng sanh, khiến cho vọng tưởng thành thân thể, khiến cho hư không thành đại địa, khiến cho các thân thịt này thành núi hoang, khiến cho đầu xanh biến thành đầu bạc, đang đi khiến cho ngồi, đang chạy khiến cho đứng. 

Ôi ! Há chẳng phải cái vòng mê quá lớn sao ? Còn có thể làm cho ngộ chăng ? Nếu người có lực lượng lớn phải tìm phương pháp buông bỏ cho được, đó là tham thiền. Hãy mau mau tham câu thoại đầu dù phải trãi qua 30 năm, 50 năm đến chừng nào đập vỡ được cái vòng mê mới là chỗ ta nghỉ tham. Xin nói thêm một câu : Thôi nghỉ khả đắc, chỗ thôi nghỉ bất khả đắc.

BUÔNG BỎ ĐƯỢC

 

Người tham thiền cần nhất phải buông bỏ cho được thì mới có thiền để tham, có tâm để dụng. Việc thế gian buông bỏ được thì cứ mặc cho tiền để dành của ta lúc còn ở thế tục bị người ta gạt lấy, mặc cho ruộng của ta bị người ta chiếm, nhà của ta bị người ta phá, vợ ta đi theo người khác, con cái đi theo người ta. Nghĩ rằng bỏ hết càng tốt, như thế không có chuyện gì dính líu tới ta. Người xưa nói : “Xuất gia không nhà, động tưởng loạn không mê”. Nếu thật buông bỏ được thì mới thấy rõ thế giới tất cả đều không, không có một cái gì thật cả.

Nay ta được may mắn, được ly trần thoát tục, lấy đạo niệm làm gia đình, lấy tham thiền làm sự nghiệp, chẳng những việc thế gian chẳng chuyển được ta, mà ta có khả năng chuyển được thế gian. Một ngày nào đó, phát minh đại sự còn có thể đem Phật giáo hóa độ thế gian. Đây là buông bỏ được việc thế gian vậy.

Tuy vậy, còn cần phải lập chí xuất cách dự phòng niệm thế tục nổi dậy trở lại. Bất cứ lúc nào, nếu có móng khởi niệm thế tục mà buông bỏ không được, thì phải cắn chặt hàm răng, đập đầu vào cột, tự đánh mình một trận nhừ tử, để cho cái niệm thế tục bỗng dưng nổi dậy ấy tiêu tan. Mau đến trước Phật đốt hương phát nguyện: “Thà chết chứ không bao giờ trở lại thế tục”. Nguyện này cần phải nhớ mãi, nếu có giây phút nào quên thì thật đáng hổ thẹn. Vừa rồi tham thiền, niệm thế tục liền nổi dậy, vì thế nên biết tham thiền là đại pháp của ta bỏ thế tục để thành Phật. Dù cho tan xương nát thịt cũng chưa báo đền được cái ân của pháp này trong muôn một. Đây là buông bỏ được niệm thế tục.

Buông bỏ được thân, là phải biết thân này do tứ đại hợp thành, từ tinh huyết cha mẹ cấu tạo. Người ta thường yêu quý thân như vật báu, mà không biết thân này hôi thúi chịu không nổi, bất cứ vật hôi thúi nào ở thế gian cũng không hôi thúi bằng thân. Chín lổ thường chảy ra đồ nhơ, toàn thân là nguồn hôi thúi. Thật đáng chán ghét, làm sao yêu cho nổi. Ngày nay đã nhờ cái đãy da hôi thúi này để hành Phật đạo chính là mượn giả tu chân, sao không làm như vậy.

Điều thiết yếu nhứt, trụ Tòng Lâm là thượng sách. Trụ Tòng Lâm là hạnh đầu đà thứ nhứt, chấp sự cắt bỏ tập khí cho ta, ban thủ chỉ chỗ sai lầm cho ta. Có hương bản đánh vào thân, ta phải dập đầu cảm tạ. Có tiếng quát điếc lỗ tai chính là khai mở trí tuệ cho ta. Muốn được mau tiêu nghiệp thử bỏ cấu nhiễm phiền não sâu, tự nguyện thỉnh chấp sự ban bố cho nhiều đánh mắng. Đó chính là tự mình không đủ sức dứt trừ tập khí, phải nhờ người khác giúp cho. Những ức hiếp nơi thân như thế khiến cho thân hành pháp khí xin đừng hiểu lầm, hiểu lầm thì tội lỗi lớn lắm ! Vì sao vậy ? Người trợ giúp ta thành đạo đáng lẽ phải cảm ơn người, trái lại còn oán trách người, thì thật là ngu lắm ! Do đó cần phải sửa lại lỗi trước, thống thiết tự trách lấy mình, giữ đúng quy củ, cẩn thận hành đạo mới khỏi được cái lỗi này.

Lại nghĩ rằng : Ở Tòng Lâm hành đạo một ngày còn hơn ở núi mười năm, cho nên người xưa thường nói “Thà ở Tòng Lâm ngủ, chớ ở trong núi sâu hành đạo”. Tuy nhiên như vậy, còn cần phải vạn duyên buông bỏ mới được.