TÂM LÂU DÀI

Người tham thiền trước hết phải biết thiền pháp chẳng phải pháp thế gian có thể sánh được, pháp thế gian có tướng, thiền pháp không hình tướng. Pháp có tướng còn phải mất 3 năm, 5 năm; e rằng khó thấu triệt, dù cho học được nghề khéo cũng chỉ mưu sống được một đời. Thiền không có hình tướng, đâu có dễ gì học, nó không có chỗ hạ thủ, không có chỗ mò nắm, không có chỗ động chân, không có chỗ tìm kiếm. Người học pháp này hãy suy nghĩ xem : người có trí thức vượt bậc biết rõ pháp này ngàn Phật, muôn Tổ đều do pháp này mà ngộ, còn ta là người gì ?

Ngay đây, liền lập chí kiên cố, dụng tâm sắt đá, pháp này tham chẳng sáng tỏ, cứ liều chết mà tham, chết thân này chuyển qua thân sau tham nữa. Điều thiết yếu là tham thiền không định thời gian, không lập kỳ hạn. Người xưa nói : “Tham lâu có thiền, trụ lâu có duyên”. Ý như thế nào ? Con đường tham thiền sâu xa, hôm nay chịu khó tham từ trong sự chịu khó ấy, duyên bên ngoài, vọng bên trong dần dần ngưng nghỉ. Ngày mai cũng chịu khó tham, cũng từ trong sự chịu khó ấy, vô minh phiền não tự nhiên giảm bớt mà ban đầu mình không biết nổi. Giả sử năm nay tham như thế sang năm cũng tham như thế thì nghiệp chướng từ vô lượng kiếp đến nay, ví dụ tham một giờ bớt đi một kiếp, tham một ngày bớt đi mười kiếp, tham một năm bớt đi một trăm kiếp, tham suốt cuộc đời này thì nghiệp chướng dẫu nhiều cũng không phải là khó hết. Vì chịu khó tham lâu năm dần dần đi sâu vào thiền, duyên Bát-Nhã thuần thục vậy.

Như mặt gương có bụi, dùng miếng giẻ lau, lau chậm cũng sạch bụi, lau nhanh cũng sạch bụi. Miếng giẻ để trên mặt gương không động đậy, tuy không lau được bụi, nhưng bụi cũng không đóng thêm vào gương. Vì sao vậy? Gương tâm chúng ta không lớn không nhỏ, lớn có thể chiếu soi cả hư không, nhỏ có thể để ở trong một hạt bụi cực nhỏ (lân hư trần). Nay dùng miếng giẻ “thoại đầu” lớn hơn hư không, nhỏ hơn hạt bụi, đặt miếng giẻ này lên mặt gương, lau nhanh thì sạch bụi nhanh, lau chậm thì sạch bụi chậm, không lau mà chỉ để miếng giẻ này lên mặt gương, bụi bên ngoài cũng không bám vào mặt gương được và bên trong cũng không sạch nhơ bẩn. Sự lợi ích của không lau còn chẳng cùng tận huống là cái công của lau mau, lau chậm ư ? Đó là ví cho chúng ta biết tham, mãnh liệt tham, không biết tham, chậm rãi tham. Cho đến chẳng biết tham, lâu ngày đề khởi đứng sựng một chỗ, cũng là niệm tham. Vì sao ? Vì chưa từng rời cái gương một chút. Đến đây không phải tâm lâu dài thì làm không đến. Phải là tâm lâu dài mới làm đến được.