TU LÀ DÙNG PHÁP PHẬT ĐỂ HÓA GIẢI


Nghe một vị Sư kể lại rằng:
Trong thiền viện của Ngài Ajahn Chah mọi người đều tinh tấn
hành thiền và Ngài thường để tự do cho mỗi thiền sinh hay chư
Sư tự giác tu tập theo cách của mình.
Có một vị đang đọc kinh sách trong chỗ ít ánh sáng. Sư đang
ngẫm nghĩ về Pháp nên để sách xuống bên cạnh rồi đứng lên đi
ra. Một vị Sư khác bước vào sơ ý dẫm lên trên quyển kinh (sách)
đó. Thấy vậy vị Sư đọc sách bất bình nói :

  • Chánh niệm của huynh để đâu mà đi dẫm trên kinh sách như vầy?


Vị ấy nghe nhột dạ, liền trả lời:

  • Thế chánh niệm của huynh ở chỗ nào mà để kinh sách dưới đất như vầy?

Thế là hai vị dùng Phật Pháp để đổ lỗi và cải vã nhau.
Nghe vậy Ngài Ajahn Chah cho gọi hai vị vào dạy bảo:
“Tu tập cốt là để thấy ra tham sân si của mình phát sinh nơi
nào để mà hóa giải nó, chớ đâu phải tu là dùng Pháp Phật mà
nhìn lỗi người khác, để chỉ trích lẫn nhau cho thêm tham sân si!”
Ajahn Chah

KHÙ KHỜ


Con người rất đơn giản, mà cũng rất đáng sợ. Một tấm lòng
lương thiện có thể bao dung hết mọi việc, một trái tim độc ác có thể
hãm hại vô số người.
Làm người, quá tinh quái thì kẻ khác lánh xa; làm việc, quá khắt
khe dễ khiến người oán thán. Gặp chuyện gì cũng quyết đấu đến
cùng, có chút lợi thế thì cố tranh cho bằng hết, cuối cùng cái mất đi
là lòng người và bản thân cũng trở nên hèn hạ.
Cho nên khi đối diện với tiền tài lợi ích, nên khù khờ một chút
để không mất hòa khí; gặp chuyện tính toán nghĩa ân, biết khù khờ
một chút sẽ không thẹn với lòng; lúc tranh danh đoạt lợi, hãy khù
khờ một chút để không mệt đầu óc; nhận tin đồn thất thiệt, cần khù
khờ một chút để không nhọc lỗ tai,…
Con người không ai là hoàn mỹ, mỗi cá nhân có một phong cách
khác nhau. Mặc dù có kẻ ngưỡng mộ, có người đố kị hay ai đó
không cam lòng, nhưng trong sâu thẳm mỗi người đều hy vọng
mình không vướng vào những thị phi giành giật.
Người thật sự có trí sẽ không sống quá khôn ranh, suốt ngày
mưu toan các kiểu. Họ sẽ “khù khờ” một chút, để giữ sự lương
thiện và tránh xa những đấu tranh không có ngày kết thúc.
Cuộc đời ngắn ngủi, biết vừa lòng thỏa chí mới thong dong; cuộc
sống bộn bề, biết khù khờ một chút sẽ tự tại.
(Sống đời bình an)

NĂM THỨ BÁU KHÓ CÓ ĐƯỢC Ở ĐỜI


Phái đoàn các vị Lệ-xa ở Tỳ-xá-ly khi đi đến Đức Phật đang ngự trong vườn xoài
Am-bà-bà-lê được xem như biểu tượng của sự xa hoa, sang trọng, quý phái bậc nhất
đương thời. Thậm chí Thế Tôn còn ví họ như “chư Thiên Đao-lợi khi đi dạo công
viên, thì uy nghi và sự trang sức cũng không khác đoàn người đó mấy”. Vấn đề là,
trong khi các vị Lệ-xa có năm thứ báu của thế gian thì Như Lai và các đệ tử cũng có
năm thứ báu riêng thù thắng hơn, thậm chí rất khó có được ở đời.
“Một thời Phật ở trong núi Kỳ-xà-quật, thành La-duyệt cùng với chúng đại Tỳ-
kheo.
(…)
Bấy giờ năm trăm người Lệ-xa đi đến vườn Am-bà-bà-lê. Gần đến chỗ Phật, xuống
xe đi bộ đến, đầu mặt đảnh lễ chân Phật, rồi lui ngồi một bên. Như Lai ở trên chỗ
ngồi, ánh sáng độc nhất tỏa sáng che mờ đại chúng, như trăng mùa thu; lại như trời
đất trong sáng sạch sẽ không chút bụi dơ, mặt trời giữa hư không độc nhất tỏa sáng.
Rồi thì, năm trăm người Lệ-xa hầu vây quanh chỗ ngồi của Phật. Lúc ấy, giữa hội
chúng có một người Phạm chí tên là Tịnh Ký, từ chỗ ngồi đứng dậy, trật áo vai hữu,
đầu gối hữu quỳ xuống đất, chắp tay hướng về Phật, tán thán bằng bài kệ rằng:
Vua Ma-kiệt, Ương-già
Để được nhiều thiện lợi
Khoác khôi giáp bảo châu
Phật hiện ở nước ấy.
Uy đức động tam thiên
Tiếng vang như núi Tuyết
Như hoa sen đã nở
Mùi hương thật mầu nhiệm.
Nay thấy ánh sáng Phật
Như mặt trời mới mọc
Như trăng qua bầu trời
Không bị mây che khuất.
Thế Tôn cũng như vậy
Sáng chiếu cả thế gian
Quán trí tuệ Như Lai
Như tối gặp đuốc sáng
Đem mắt sáng cho đời
Quyết trừ các nghi hoặc.
Năm trăm người Lệ-xa sau khi nghe bài kệ ấy lại bảo Tịnh Ký:

  • Ngươi hãy lặp lại.
    Rồi Tịnh Ký ở trước Phật lặp lại ba lần. Năm trăm Lệ-xa sau khi nghe lặp lại bài
    kệ, mỗi người cởi y báu mà cho Tịnh Ký. Tịnh Ký bèn đem y báu dâng Đức Như Lai.
    Phật vì lòng từ mẫn nên thọ nhận.
    Bấy giờ, Thế Tôn nói với những người Lệ-xa ở Tỳ-xá-ly rằng:
  • Ở đời có năm thứ báu rất khó có được. Những gì là năm?
    Một là Như Lai, Chí Chân xuất hiện ở đời rất khó có được.
    Hai là người có thể giảng thuyết Chánh pháp của Như Lai rất khó có được.
    Ba là người có thể tín giải pháp mà Như Lai diễn thuyết rất khó có được.
    Bốn là người có thể thành tựu pháp mà Như Lai diễn thuyết rất khó có được.
    Năm là hiểm nguy được cưu ách mà biết đáp trả, hạng người ấy cũng rất khó
    có.
    Ấy là năm thứ báu rất khó có được”.
    (Kinh Trường A-hàm, kinh Du hành [trích])
    Theo Thế Tôn có năm thứ quý báu hơn tài bảo ở thế gian. Đầu tiên, Như Lai xuất
    hiện ở đời là cực kỳ hy hữu. Kế đến là người có thể giảng thuyết Chánh pháp của
    Như Lai rất khó có được. Phải chăng Như Lai đã tiên liệu trước việc này khi mà hiện
    nay mạnh ai nấy thuyết pháp theo tư kiến, khiến người sơ học ngẩn ngơ chẳng biết
    đâu là Chánh pháp để nương tựa và tin theo. Tin hiểu và thành tựu pháp mà Như
    Lai diễn thuyết quả là rất khó. Thành ra người tu Phật thì như đất trên địa cầu, còn
    người thành tựu chỉ là chút đất nơi đầu móng tay mà thôi.
    Cuối cùng là gặp hiểm nguy được cứu giúp mà biết đền đáp cũng rất khó có. Cái
    nghiệp của chúng sinh là vậy, khi gặp nạn thì kêu, lúc thoát nạn rồi thì quên, thậm
    chí còn “lấy oán báo ơn” nữa. Tuy vậy, hạnh lành biết ơn và đền ơn thì chúng ta có
    thể làm được. Chỉ chừng đó thôi Phật tử chúng ta đã thực sự giàu có và đủ đầy, đang
    nắm giữ trong tay báu vật còn quý giá hơn các vật báu trong đời.
    Quảng Tánh

GIỌT NƯỚC CÓ BUỒN KHÔNG?

Có lần tôi được nghe một bài hát của Trịnh Công Sơn với những ý
lạ, “Biển sóng đừng xô nhau, ta xô biển lại sóng về đâu? Biển sóng
đừng xô ta, ta xô biển lại sóng nằm đâu!” Ông kể, ông viết bài đó do
cảm hứng khi nghe tụng câu kinh Bát Nhã “Gate, Gate, Paragate,
Parasamgate, Bodhi Svaha.”
Ông giải thích ý mình, “Tuy là do cảm hứng bắt nguồn từ câu kinh,
nhưng nó không nương tựa gì câu kinh cả. Tôi muốn nói, sống trong
cuộc đời, ta đừng nuôi thù hận, đừng có ác ý trong cuộc tình. Đừng để
trong tình thương có bóng dáng thù địch, của lòng sân hận. Sóng xô
ta, ta xô lại sóng. Biết bao giờ mới đến được bờ bên kia của tịch lặng,
của bình an!”
Ông nói về những cuộc tình, mà cuộc đời cũng thế, bạn có nghĩ vậy
không? Vì cuộc đời cũng được làm bằng những mối liên hệ giữa ta với
người chung quanh. Mà nếu mỗi lần “sóng xô ta” rồi “ta xô lại sóng”,
thì biết bao giờ biển khổ này mới được yên, tâm hồn này mới được
tĩnh lặng phải không bạn!
Tôi nghĩ sự tu tập trước hết là để đem lại cho ta một tấm lòng. Một
tấm lòng, một con tim rộng lớn, không nhỏ nhen, không nghi kỵ,
không xô đẩy nhau. Một tấm lòng không cô lập, không cố chấp. Một
tấm lòng vững chãi và thảnh thơi có khả năng che chở và soi sáng ta
giữa cuộc đời. Với tấm lòng rộng mở ấy, mọi khổ đau sẽ được chuyển
hóa.
Tôi có thể nói cho bạn nghe về sự cần thiết của sự đổi thay và vô
thường trong cuộc sống. Tôi có thể nói về một thực tại nhiệm mầu.
Tôi có thể kể cho bạn nghe làm sao ta có thể tiếp xúc được với hạnh
phúc, trong khi hiện tại là khổ đau…. Nhưng tôi nghĩ chữ nghĩa thì bao
giờ cũng quá dễ dàng, và nhiều khi còn là thừa thãi! Tôi vẫn còn đang
thực tập những gì mình đã được dạy. Có những ngày thân tôi đau, tâm
tôi bất an, hạnh phúc dường như là chuyện của hôm qua. Những ngày
ấy, tôi bước ra ngoài, tập đi thiền hành trên con đường nhỏ, nhìn trời
xanh mây trắng, có những đàn ngỗng trời bay ngang qua kêu vang
không trung. Tôi tập nương tựa vào sự vững vàng của con đường
mình đi, vào trời xanh mây trắng, vào hạnh phúc của những người
chung quanh. Hạnh phúc đâu phải chỉ có mặt trong một không gian
hoặc thời gian nào giới hạn của riêng tôi! Nó rộng lớn hơn thế. Sự sống
của tôi và bạn không có một đoạn cuối, dầu khổ đau hay hạnh phúc.
Nó là một tiến trình tiếp tục mà ta có thể bắt đầu lại bất cứ một lúc
nào!
Đêm nay trăng sáng yên ngoài cửa sổ. Trong căn phòng viết nhỏ
của tôi có một vùng ánh sáng nhỏ tĩnh lặng. Cho rằng cuộc đời này là
khổ đau, hoặc hạnh phúc, cũng còn là vội vàng và giới hạn quá. Trên
bàn viết, tôi có chép lại một bài thơ của bác Ngọc Quế in trong tập sách
bác gởi tặng nhà hôm nào:


Ngàn năm,
Giọt nước có buồn không?
Sao vẫn long lanh
Dưới ánh hồng
Trên cánh sen vàng
Ai biết được
Ngàn năm
Giọt nước có buồn không?


Đêm đã khuya. Tôi thổi tắt ngọn nến trên bàn. Một làn khói tỏa nhẹ
dưới ánh trăng xanh.


Nguyễn Duy Nhiên