TAM BẢO NGUỒN PHƯỚC VÔ CÙNG


Quy kính Tam Bảo là pháp hành căn bản của người con Phật. Từ
lúc phát tâm hướng đạo tới khi chính thức quy y, cho đến cả một
đời người thì quy kính, phụng hành Tam Bảo vẫn không rời hành
trang của người tu Phật. Thế nên phụng hành Tam Bảo được phước
báo vô cùng. Câu chuyện một vị Phật tử nhờ phụng hành Tam Bảo
mà thành tựu phước đức sinh lên cõi trời Sắc giới dưới đây là một
điển hình.
“Một thời, Phật ở tại tinh xá Khoáng dã. Bấy giờ có gia chủ
Khoáng dã bệnh nặng từ trần, sanh về cõi trời Vô nhiệt. Sau khi
sanh về cõi trời ấy, liền nghĩ rằng:
‘Ta không nên ở đây lâu, không gặp Thế Tôn’.
Nghĩ xong, trong khoảnh khắc, nhanh như người lực sĩ co duỗi
cánh tay, biến mất từ cõi trời Vô nhiệt, hiện ra trước Phật. Thân thể
Thiên tử ấy trụ lại trên mặt đất mà không thể tự đứng, giống như
dầu bơ tụ lại trên đất không thể tự đứng. Thân thể của Thiên tử ấy
nhỏ nhắn, mềm nhũn, không thể tự đứng dậy được.
Bấy giờ Thế Tôn bảo Thiên tử:
Ông nên biến hóa thành thân thô để đứng trên đất.
Thiên tử liền hóa thành thân thô đứng trên đất. Thiên tử ấy đến
đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi lui qua một bên.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo Thủ thiên tử:
Này, Thủ thiên tử, những kinh pháp mà ông đã học trước đây
khi làm thân người, ở thế gian này nay còn nhớ chẳng quên chăng?
Thủ Thiên tử bạch Phật:
Bạch Thế Tôn, những gì con đã thu nhận đến nay vẫn không
quên. Những pháp mà khi làm người ở thế gian, con đã nghe
nhưng không hiểu hết, nay vẫn còn nhớ.
Như Thế Tôn khéo nói, Thế Tôn nói rằng:
‘Nếu người được ở nơi an vui, có thể nhớ nghĩ pháp, chứ không
phải ở chỗ khổ não’.
Lời nói này rất chân thật. Như Thế Tôn ở tại Diêm-phù-đề
thuyết pháp cho đủ tất cả các loài và bốn chúng vây quanh. Bốn
chúng kia nghe Phật dạy, tất cả đều cung kính vâng làm. Con cũng
như vậy, ở trên cõi trời Vô nhiệt vì các Thiên nhân nơi đại hội nói
pháp. Các vị trời này đều lãnh thọ tu học.
Phật bảo Thủ thiên tử:
Lúc ông ở thế gian, đối với những pháp gì không biết chán đủ
mà được sanh về cõi trời Vô nhiệt?
Thủ thiên tử bạch Phật:
Bạch Thế Tôn, con ở nơi ba pháp không biết chán, nên khi thân
hoại, sanh lên cõi trời Vô nhiệt. Những gì là ba pháp?
Đó là vì con thấy Phật không biết chán nên khi chết sanh về cõi
trời Vô nhiệt.
Do con đối với Pháp của Phật không biết chán nên sanh về cõi
trời Vô nhiệt.
Do cúng dường chúng Tăng không biết chán nên khi chết sanh
về cõi trời Vô nhiệt.
Rồi Thủ thiên tử nói kệ:
Thấy Phật không biết chán
Nghe Pháp cũng không chán
Cúng dường các chúng Tăng
Cũng chưa từng biết đủ.
Thọ trì pháp Hiền thánh
Điều phục tham trước bẩn
Ba pháp không biết đủ
Nên sanh Vô nhiệt thiên.

Thủ thiên tử sau khi nghe Phật dạy xong, tùy hỷ hoan hỷ, rồi
biến mất”. (Kinh Tạp A-hàm, kinh số 594)
Vô nhiệt thiên hay cõi trời Vô nhiệt thuộc Sắc giới với phước báo
thù thắng vi diệu. Vô nhiệt có nghĩa là không còn nhiệt não bức
bách thân tâm. Được sinh về một nơi an ổn, nhẹ nhàng, hạnh phúc
như vậy là phước báo lớn. Chánh nhân của phước báo này này là
phụng hành Tam Bảo không chán mỏi. Nhờ thân cận Tam Bảo,
được nghe hiểu Chánh pháp, khi tái sinh vào cõi trời vẫn có thể
“Vì các Thiên nhân nơi đại hội nói pháp. Các vị trời này đều lãnh
thọ tu học.”
Vấn đề là làm cách nào để lễ Phật, nghe Pháp không hề biết chán,
cúng dường Tăng không hề biết đủ?
Trước phải phát xuất từ niềm tịnh tín. Lòng tin Tam Bảo trong
sạch, thuần khiết thì không gì có thể làm lay chuyển hay lu mờ.
Kế là những lợi ích, an lạc mà người có niềm tin trong sạch cảm
nhận được khi phụng hành Tam Bảo.
Hai pháp này nâng đỡ cho nhau để lòng tin Tam Bảo ngày càng
vững chắc, kiên cố, bất hoại. Đây là chánh nhân để thành tựu
phước báo sinh thiên.


Quảng Tánh

BỎ NÓ XUỐNG


Một hôm, vị thiền sư và người đệ tử của ông ngồi nói chuyện cùng nhau.
Người đệ tử này nói:

  • “Thưa thầy! Khoảng thời gian này, con cảm thấy cuộc sống vô cùng
    thống khổ, vô vị. Thực sự là khiến con phải phiền não.”
    Vị thiền sư không nói gì mà dẫn người đệ tử của ông tới một mảnh đất
    trống rồi hỏi:
  • “Con hãy ngẩng đầu lên xem, con nhìn thấy gì nào?”
    Người đệ tử trả lời:
  • “Thưa thầy, con nhìn thấy bầu trời rộng lớn ạ!”
    Vị thiền sư lại nói:
  • “Bầu trời rất rộng lớn phải không? Nhưng ta lại có thể dùng một bàn tay
    mà che khuất được cả bầu trời đấy!”
    Người đệ tử nghe xong, tỏ vẻ không tin. Vị thiền sư liền dùng một bàn tay
    và che lên hai mắt của đệ tử rồi hỏi:
  • “Con bây giờ có còn trông thấy bầu trời nữa không?”
    Thiền sư lại nói tiếp:
  • “Trong cuộc sống, một chút thống khổ, một chút phiền não, một chút trở
    ngại cũng giống như bàn tay này. Chúng ta nhìn thì thấy nó rất nhỏ, nhưng
    nếu không bỏ nó xuống mà cứ đặt nó ở trước mắt mình, đặt nó ở trong lòng
    mình thì nó sẽ che khuất bầu trời quang đãng của chúng ta. Thế là, chúng
    ta sẽ bỏ lỡ mất ánh mặt trời, bỏ lỡ mất bầu trời trong xanh và những áng
    mây sắc màu đẹp đẽ.”
    Người đệ tử sau khi nghe xong đã hiểu rõ nguyên do nỗi thống khổ của
    mình.
  • Đau khổ hay vui vẻ đều là sự lựa chọn của chính bản thân mỗi người.
    Nếu như chúng ta cứ giữ những đau khổ ấy lại bên mình thì chỉ khiến khoảng
    không gian của chúng ta bị tối tăm và nhỏ hẹp đi mà thôi.
    ” Mưa rồi nắng, nắng mưa đời vẫn vậy
    Bởi lòng mình sóng dậy mới đau thương
    Nhìn vạn sự cuốn theo dòng xuôi chảy
    Kìa, Vô Ưu nở đẹp giữa vô thường!..
    Như Nhiên

LÀM CHỦ CHÍNH MÌNH


Những chồi non nảy lộc thành lá xanh, rồi lại đổi màu trước khi rơi rụng,
ánh sáng từng thời khắc cũng đổi thay và suy nghĩ cũng theo dòng chảy vô
thường miên viễn.
Kể từ khoảnh khắc chào đời, chúng ta liên tục già đi theo mỗi phút giây
nhịp thở. Và cũng giống như bất cứ ai, tôi không muốn già nhưng không có
lựa chọn nào khác – vạn pháp đều vô thường, chẳng có gì vĩnh viễn.
Đừng vấn vương quá khứ
Và vọng tưởng tương lai
Quá khứ đã qua rồi
Ngày mai còn chưa tới
Hãy an trú nơi đây,
Ngay phút giây hiện tại
Tâm hành giả an trụ
Tĩnh lặng và tự do
Tinh tấn ngay lúc này
Đợi ngày mai quá muộn
Khi vô thường ập đến
Làm sao tránh được đây?
Bạn có biết khi ngồi đọc những dòng này, thế giới xung quanh ta đang
liên tục đổi thay biến dịch?
Những chồi non nảy lộc thành lá xanh, rồi lại đổi màu trước khi rơi rụng,
ánh sáng từng thời khắc cũng đổi thay và suy nghĩ cũng theo dòng chảy vô
thường miên viễn.
Kể từ khoảnh khắc chào đời, chúng ta liên tục già đi theo mỗi phút giây
nhịp thở. Và cũng giống như bất cứ ai, tôi không muốn già nhưng không có
lựa chọn nào khác – vạn pháp đều vô thường, chẳng có gì vĩnh viễn. Chẳng
có gì cứ nguyên xi như thế và mỗi người chúng ta cũng đang thay đổi.
Ví dụ như thuở bé chúng ta nhút nhát rụt rè nhưng không có nghĩa tính
cách chúng ta sẽ mãi như vậy.
Tôi của ngày hôm nay không còn là “tôi” của ngày hôm qua và cũng
không phải là “tôi” khi còn nhỏ, nhưng ngược lại, tôi cũng không phải là
một người khác. Chúng ta vẫn sẽ là chính mình, một người luôn phát triển,
trưởng thành và thay đổi trong từng phút giây, đặc biệt là khi ta cho phép
mình lớn lên và thay đổi.
Khi cho phép mình thoát khỏi những giới hạn và lo lắng về thời gian, bạn
sẽ trải nghiệm sự giải phóng đích thực. Và tôi biết đó là một vấn đề không
nhỏ đối với những người luôn vội vã, luôn cảm thấy mỗi ngày đều quá ngắn.
Chúng ta mất quá nhiều thời gian để lo lắng về những việc đã hoặc chưa
làm trong cuộc đời mình và quên đi việc tận hưởng trải nghiệm đang diễn
ra trong hiện tại; chúng ta rượt đuổi, lo nghĩ để đạt được mục tiêu này, ước
muốn nọ, lúc nào cũng đẩy mình tới những cái đích mới mà không hề nhìn
lại xem mình đang ở đâu, ngay chính lúc này?
Không để ý đến thời gian nghe có vẻ như một sự lười nhác. Tất nhiên,
chúng ta vẫn cần nghĩ đến tương lai để có sự chuẩn bị hợp lý. Thông điệp
tôi muốn gửi đến các bạn là hãy biết từ bỏ những điều phù phiếm thường
chiếm hết thời gian quý báu… Khi không có cả thời gian để ăn sáng hoặc ăn
trưa thì cách sử dụng thời gian của bạn dường như không còn khôn ngoan
nữa. Hãy kiểm tra xem mình có đang hoàn toàn tỉnh thức hay vẫn đang mải
lo cho điều đã xảy ra từ hôm trước hoặc có thể xảy tới vào ngày mai?
Việc giải phóng khỏi những giới hạn của thời gian sẽ giúp bạn trở lại với
hành động thiết thực. Hành động thực sự chứ không phải là nằm dài ra và
chẳng làm gì cả.
Bạn không chối bỏ cuộc sống mà chỉ từ bỏ những điều phù phiếm không
có nhiều lợi ích ý nghĩa.
Bạn có tự do để tìm kiếm những điều mình hứng thú, những điều bạn
thực sự muốn làm với cuộc đời của mình.
Bạn sẽ có động lực để làm việc chăm chỉ với năng lực sáng tạo mạnh mẽ
hơn. Trải nghiệm quá khứ chỉ là kinh nghiệm, chỉ hiện tại mới quan trọng vì
nó là nguồn gốc của tương lai. Để tương lai có hoa thơm quả ngọt thì điều
ta cần là quan tâm đến hiện tại. Ngày hôm nay là tiền đề cho ngày mai tươi
sáng hơn!
“Nếu ngày mai phải chết, ta vẫn còn tối nay để thấu hiểu một điều gì đó”
~ Ngạn ngữ Tây Tạng
Nếu biết nhìn tích cực vào vô thường, bạn sẽ nhận ra chẳng có gì trên thế
gian này là không thể !
Mọi thứ đều đổi thay, từ khoảnh khắc trước đến khoảnh khắc sau, chẳng
có điều gì cũng như không có ai là một bản thể cố định bất biến. Tính vô
thường làm cho cuộc sống thú vị nhưng cũng thách thức hơn. Điều đó có
nghĩa chúng ta hoàn toàn quyết định hướng đi và hành động để có cuộc
sống mới đầy ý nghĩa.
Chúng ta làm chủ cuộc đời, có quyền thay đổi cũng như trách nhiệm với
số phận và hoàn cảnh của mình. Với nhận thức đó, bạn sẽ thấy cuộc sống
hiển lộ dưới muôn vàn màu sắc, tràn đầy cơ hội của hạnh phúc và trải
nghiệm. Bạn có thể loại bỏ những hỗn loạn tạp niệm, tạo cho mình một
chương mới trong trang sách cuộc đời:
“Thấy nơi một hạt cát, cả thế giới Hằng sa.
Bên trong một bông hoa, cả thiên đường Tam giới
Nơi lòng tay bé nhỏ, ta trì giữ Vô biên
Thời khắc ngắn ngủi qua, là Trường tồn miên viễn
~ William Blake, trích bài thơ “Auguries of Innocence”
Chấp nhận sự thay đổi
Tôn trọng chân lý vạn pháp vô thường sẽ giúp bạn có cái nhìn sâu sắc về
cuộc đời cũng như về mối tương duyên phụ thuộc lẫn nhau của muôn loài
hữu tình. Con người thường sợ hãi e dè những biến dịch đổi thay, nhưng
chúng ta không có lựa chọn nào khác. Chúng ta không thể bắt dòng sông
dừng chảy, đó chính lại là điều kỳ diệu ý nghĩa của cuộc đời!
Khi nhận ra mọi thứ đều có thể thay đổi, bạn sẽ thấy thoải mái hơn rồi
sau đó có thể điều chỉnh mình để thích nghi với thế giới.
Bạn vẫn yêu thích bạn bè và người thân nhưng sẽ không đòi hỏi họ phải
mãi như xưa, phải luôn đúng với quan điểm hoặc mong muốn của bạn.
Bạn cảm thấy mình sống động và nhạy bén hơn với những đổi thay,
nhưng bạn không phán xét truy đòi. Những cảm xúc tiêu cực như giận dữ
bắt đầu lùi lại khi bạn biết trân trọng từng khoảnh khắc thay vì phiền muộn
về những gì đã qua.
Bạn sẽ thấy mình không còn bám chấp khi hiểu ra bản chất vô thường
của mọi xúc tình. Ngay lúc này đây, bạn chưa thể chuyển hóa xúc tình nhưng
đã có thể bắt đầu kiểm soát lời nói, hành động.
Bạn sẽ không nói những lời nặng nề, thô tháo, sẽ không thấy mình còn là
tù nhân của xúc tình phiền não.
Như thế, bạn thầm biết không điều gì có thể khiến mình đau buồn hay
vui mừng thái quá. Mọi chuyện xảy đến tự nhiên với những cảm xúc chân
thật, có vui buồn nhưng được cân bằng một cách đầy tỉnh giác.
Bạn cũng hiểu dù tâm có chuyển biến tích cực nhưng chặng đường ngày
mai còn nhiều thử thách chông gai.
Bạn học cách buông bỏ gánh nặng lo âu để vượt qua thăng trầm cuộc đời,
trải nghiệm rằng mọi đau khổ buồn vui đều vô thường, đều sẽ qua đi nếu
mình biết chấp nhận và trân trọng chúng.
Trích ấn phẩm “Giác Ngộ Mỗi Ngày” – Gyalwang Drukpa

NỬA ĐỜI VỀ SAU


Con người đến độ tuổi nào đó, cần phải nghĩ thoáng một chút, yêu bản thân
nhiều hơn một chút, thường xuyên nuôi dưỡng một tâm hồn đẹp và một trái tim
trầm tĩnh, rộng lượng, đây có lẽ là cách sống tốt nhất nửa đời còn lại.
Nửa Đời Về Sau, Hãy Học Được Cách Trầm Tĩnh
Có đôi khi bị người khác hiểu lầm, đừng tranh luận, hãy lựa chọn giữ im lặng.
Trong cuộc sống, có rất nhiều chuyện đúng sai khó có thể nói rõ ràng, thậm chí
căn bản là không có hoàn toàn đúng hay hoàn toàn sai. Cho nên, nếu không
muốn nói, thì đừng nói. Khi mà có nói nhiều cũng vô ích, có lẽ im lặng là lời giải
thích tốt nhất.
Nửa Đời Về Sau, Hãy Trở Nên Bình Thản
Con người đến độ tuổi nào đó, tự nhiên không còn thích những gì ồn ào náo
nhiệt, tâm thái bình thản giúp cho cơ thể khỏe mạnh, kéo dài tuổi thọ. Mặc kệ là
đời sống vật chất dư dả hay bần cùng, chỉ cần nội tâm bình thản, chính là sống
một cuộc đời hạnh phúc.
Nửa Đời Về Sau, Hãy Học Cách Cúi Mình
Bạn bất đồng ý kiến với với con cái, nói chuyện mâu thuẫn với bạn bè, những
điều này cũng không sao cả. Nghĩ thoáng một chút, chấp nhận buông bỏ, cho dù
là cúi người xuống nói lời xin lỗi thì có sao? Lúc này bạn cũng có thể về lau nhà,
lấy ra một đống giẻ lau, cúi người lau sạch sàn nhà trước mặt mình. Trong lúc
lao động, bạn sẽ nhận ra tâm trạng và suy nghĩ của mình dần lắng xuống.
Nửa Đời Về Sau, Hãy Đừng Cảm Thấy Hối Hận
Cuộc đời là một con đường dài với vô số ngã rẽ và ta luôn phải lựa chọn
không ngừng. Nhưng cuộc đời không có cơ hội nào lặp lại, lựa chọn rồi thì đừng
hối hận, cũng đừng nói câu muốn làm lại từ đầu… Mỗi lựa chọn đưa ra không có
thực sự tốt hay thực sự tồi, chỉ cần biết cuộc sống là tác phẩm độc nhất vô nhị
của chúng ta thì sẽ không phải hối tiếc nếu ngày đó mình không làm như vậy.
Nửa Đời Về Sau, Hãy Tiếp Tục Học Tập
Đọc sách xem báo, thư pháp hội họa, ca hát khiêu vũ,… đều là một trong
những thứ chúng ta nên tiếp tục học! Mang theo bên mình một chiếc máy nghe
nhạc, dù là buổi sáng ở nhà hay ra ngoài tập thể dục, luyện khí công vừa nghe
nhạc vừa làm việc khác. Như vậy có thể đem đến cho cuộc sống rất nhiều niềm
vui, khiến cho tâm tình khoan khoái dễ chịu.
Nửa Đời Về Sau, Hãy Giữ Gìn Sự Đơn Thuần
Suy nghĩ quá nhiều, ngược lại càng làm cuộc sống thêm phức tạp, “đơn
thuần” thật ra chính là một ân huệ mà trời cao ban cho chúng ta. Sống đơn thuần
ở hiện tại, đơn thuần cảm nhận mùi thơm của đồ ăn, đơn thuần nhận ra niềm
vui của vận động, đơn thuần cùng bạn bè nói chuyện trên trời dưới đất. Đừng
suy nghĩ quá nhiều, cuộc sống thật ra luôn cần những niềm vui đơn giản.
Nửa Đời Về Sau, Hãy Thỉnh Thoảng Buông Thả Bản Thân
Mỗi ngày ăn trái cây rau quả, thực phẩm lành mạnh, có phải là có lúc cũng
thèm thịt cá? Vậy thì cứ ăn đi! Thực phẩm lành mạnh có lợi cho cơ thể, nhưng
thỉnh thoảng cũng nên buông thả bản thân một chút. Cuộc đời không nên gò ép
bản thân mình quá, ngẫu nhiên phóng túng thì càng bình dị, gần gũi.
Nữa Đời Về Sau, Hãy Luôn Ăn Mặc Đẹp
Yêu cái đẹp nên là điều mà chúng ta theo đuổi cả đời, tuyệt đối đừng vì suy
nghĩ mình lớn tuổi mà không muốn trưng diện nữa. Hãy nhân lúc lưng còn
thẳng, chân còn khỏe, hãy mặc thật nhiều bộ đồ xinh đẹp, đến những nơi đẹp đẽ
nhất, chụp những tấm hình rực rỡ nhất!
Nửa Đời Về Sau, Đôi Lúc Hãy Ngờ Nghệch Một Chút
Có những chuyện, cần hờ hững thì hờ hững, điều gì không làm rõ được thì
không cần làm rõ, người nào cần lướt qua thì cứ lướt qua. Nếu như chỉ biết nhớ
không biết quên, chỉ biết tính toán mà không biết cho qua, chỉ biết khôn khéo
mà lại không biết vụng về… sẽ chỉ làm cuộc sống của chúng ta luôn nặng nề,
phiền não.
Nửa Đời Về Sau, Hãy Thường Xuyên Chúc Phúc Cho Người Khác
Chúng ta đối đãi với người khác thế nào, họ cũng sẽ đối đãi với ta như vậy.
Cho nên, hãy thường xuyên khen ngợi bạn bè, con cháu của mình, thậm chí cả
người xa lạ cũng đừng tiếc một lời chúc phúc! Thời điểm bạn làm cho người
khác vui vẻ, bạn sẽ nhận ra rằng mình còn được nhân đôi niềm vui. Sống ở hiện
tại, tận hưởng cuộc sống ở hiện tại, đó chính là phương thức sống tốt đẹp nhất!
Tuệ Tâm
Theo Sound of Hope

MỘT NĂM CHỈ CÓ 3 MÙA


Một lần, học trò của Khổng Tử tiếp khách. Vị khách hỏi:
“Mỗi năm có bao nhiêu mùa?”
Người học trò nghĩ thầm: “Câu này mà cũng phải hỏi!”, nhưng
vẫn trả lời:
“Dạ, một năm có 4 mùa là xuân, hạ, thu, đông”.
Vị khách lắc đầu và nói:
“Chỉ có ba mùa”.
“Một năm có 4 mùa, sao ông lại không biết điều này chứ?”,
người học trò tỏ ra thiếu kiên nhẫn.
“Một năm có 3 mùa, cậu vốn là học trò của Khổng Tử mà cũng
không biết điều này sao?”, vị khách vừa nói, vừa cười nhạo.
Hai người tranh luận qua lại đến đỏ mặt tía tai, trong tâm vô
cùng khó chịu. Cuối cùng họ quyết định đặt cược.
Nếu là 4 mùa thì vị khách sẽ lạy cậu học trò của Khổng Tử 3 cái.
Nếu là 3 mùa thì cậu học trò sẽ phải lạy vị khách 3 cái.
Người học trò đắc ý nghĩ:
“Ông ta là một kẻ ngốc, mình sẽ chiến thắng lần này”.
Lúc này Khổng Tử từ trong nhà đi ra, cậu học trò liền tiến đến
hỏi:
“Thưa thầy, người này nói một năm có 3 mùa, xin thầy phân xử.
Vậy một năm có mấy mùa ạ?”
Khổng Tử liếc nhìn vị khách và nói:
“Một năm có 3 mùa”.
Vị khách tỏ ra vô cùng đắc ý nói:
“Dập đầu, mau dập đầu đi! Mau lạy ta 3 cái đi”.
Không còn cách nào khác, vì giữ thể diện cho thầy, cậu buộc phải
lạy vị khách 3 cái.
Sau khi vị khách rời đi, cậu học trò không thể chờ đợi thêm nữa,
ấm ức hỏi Khổng Tử:
“Thưa thầy, một năm rõ ràng có 4 mùa, sao thầy lại nói là có 3
mùa ạ?”.
Khổng Tử nói:
“Trò không nhìn thấy người lúc nãy toàn thân đều màu xanh
sao? Đó là một con châu chấu. Châu chấu sinh vào mùa xuân sống
đến mùa thu thì chết. Người này chưa bao giờ nhìn thấy mùa đông.
Do vậy, trong nhận thức của anh ta chỉ có 3 mùa”.
“Trò nói 3 mùa thì anh ta rất hài lòng. Nếu trò nói 4 mùa thì sẽ
phải tranh luận đến tối, trò muốn như vậy không?”
Cậu học trò nghe xong liền bừng tỉnh. Trước đây cậu gặp người
không nói lý thì rất tức giận, nhưng từ đó về sau, cậu không hành
động như vậy nữa. Cậu đã nhận được bài học rằng, ai cũng có lý
lẽ của riêng mình, đôi khi tranh luận cũng chẳng đi đến đâu, bởi
góc độ nhìn nhận vốn khác nhau. Giận dữ khi ấy, thật là vô lý và
vô nghĩa.
LỜI BÀN
Cũng như cậu học trò trong câu chuyện, có lẽ nhiều khi chúng
ta cho rằng chuyện thật hiển nhiên, sao người kia lại không chịu
hiểu và cảm thấy thật bực mình. Tuy nhiên, cuộc sống không chỉ
có hai màu đen và trắng, đúng sai cũng không phải điều tuyệt đối.
Hãy luôn giữ trái tim và tâm trí rộng mở để chấp nhận những điều
khác biệt, bởi chúng ta không nhất định là phải giống nhau. Cãi
nhau đến cùng thì ai cũng làm được, nhưng có mấy ai có thể nhẫn
được, có thể buông bỏ cái tôi, buông bỏ tự ngã, đặt mình vào hoàn
cảnh của người khác mà cảm thông cho người ta?
Khổng Tử thấu tỏ sự đời, kiến thức uyên thâm, vừa nhìn đã biết
người kia vốn là châu chấu, lại biết châu chấu chỉ sống 3 mùa. Ông
cũng có thể nhún mình, cho “người đúng, ta sai”, chuyện cam go
chẳng mấy chốc mà được giải quyết ổn thỏa. Bởi vậy, càng là bậc
cao nhân, lại càng không nổi nóng, cũng chẳng ham tranh luận
đúng sai. Họ đã hiểu ra cái lý rằng mỗi người có thế giới quan,
nhân sinh quan và giá trị quan khác nhau, không thể gượng ép
phải đồng quan điểm. Một khi đã hiểu ra cái lẽ này rồi, bỗng thấy
những lý do để bực mình, cáu giận bỗng chốc tan biến, tâm trí thản
đãng, chẳng mảy may giận hờn.
LỜI KẾT
Khi để cơn tức giận điều khiển, cuộc sống của bạn sẽ trở nên
ngột ngạt, căng thẳng. Bệnh tật cũng từ đó mà ra. Cuộc sống hạnh
phúc hay đau khổ không liên quan đến địa vị hay sự giàu có, mà
chính là từ tâm bạn mà thôi. Sống trong biệt thự mà tâm trí bị sự
tức giận bao phủ thì không khác gì sống trong địa ngục. Ngược lại,
mặc dù phải ở dưới mái nhà tranh nhưng trái tim luôn ấm áp thì
nơi đó chính là thiên đường.
Hãy để bản thân làm chủ cảm xúc và trái tim mình. Với những
điều tiêu cực tác động đến bạn, mắt có nhìn mà như không thấy,
tai có nghe mà như không hay. Giữ cho mình một tâm thái bình
thản, bao dung, yêu thương, bạn sẽ dễ dàng thiện giải được những
mâu thuẫn với người khác. Kiểm soát được bản thân sẽ giúp bạn
ứng phó được tốt với các tình huống bất ngờ phát sinh trong cuộc
sống. Ngược lại, sẽ khiến tâm trạng dao động theo sự việc, động
mãi không yên. “Hòa khí sinh tài vận”, con người chỉ cần có tính
khí an hòa thì mọi việc đều thông suốt.