TU LÀ CỐT ĐỂ BIẾT RÕ MÌNH


Phật dạy:
Dễ thay thấy lỗi người,
Lỗi mình biết mới khó,
Lỗi người, ta phanh tìm,
Như tìm thóc trong gạo.
Còn lỗi mình che đậy,
Như kẻ gian giấu bài.
Kinh Pháp cú:
Dễ thấy lỗi người việc ấy không khó, chỉ cần nhìn sơ qua là mình thấy
người đó có lỗi rồi. “Vạch lá tìm sâu, quét nhà ra rác” điều này quá rõ ràng.
Thấy lỗi người không khó. Thấy lỗi mình mới thật là khó. Vì thông thường
mình vốn thương mình, thì có bao giờ mình chịu cho mình là xấu (có lỗi thì
thành xấu), vậy nên có mấy người chịu trở lại tìm lỗi mình, mặt mình dính
lọ thì có bao giờ mình thấy, nếu không có người chỉ, không biết xem gương.
Vậy đó mà với lỗi người thì ta phanh tìm không bỏ sót.
Người ta có giấu mình cũng phải tìm bươi móc cho ra. Việc này giống
như việc lượm thóc trong gạo. Gầm đầu lượm từng hạt, lượm thật kỹ. Cái
tật này gần như muôn đời ở một con người. Đó là gần như bản chất, một thứ
bản chất xấu xa tồi bại. Nó được coi là rất trái với thánh đạo.
Ngược lại, với lỗi mình thì bưng bít, che đậy giống như người cờ gian bạc
lận, giấu đi con bài của mình v.v… để phòng thủ thắng kẻ khác. Một sự giấu
giếm thật khéo léo thật tinh vi. Cái tật chúng sanh là như vậy. Mấy ai chịu
gan dạ phơi bày lỗi mình.
Đức Phật đã nói như vậy, là trước chỉ cho con người thấy rõ sự lầm lẫn
của mình, thấy rõ ngõ ngách của tâm hồn mình. Thấy rồi để mà khéo chừa
đi. Là một Sa Môn, một người tu chớ có thấy lệch lạc như vậy. Mà lúc nào
người Sa Môn cũng phải biết rõ lỗi của mình đẻ phát lồ sám hối.
Phát lồ tức là phơi bày lỗi lầm, không giấu giếm, mà đưa ra trình lên trước
đại chúng, nhận khuyết, nhận lỗi cầu xin sám hối.
Ngài Huệ Năng đã dạy:
Thường biết lỗi mình, chớ biết lỗi thế gian.
Tu là cốt để biết rõ mình. Muốn biết rõ mình phải “biết lỗi” mình. Tu mà
không biết lỗi mình thì không bao giờ tu tiến được. Những lỗi hiện đời và
lỗi từ vô thủy, biết bao lỗi, thế mà không biết, thì sao gọi là tu?
Tu là sửa. Sửa là sửa lỗi. Sửa lỗi thành không còn lỗi nữa gọi là tu. Không
như vậy, gọi tu là tu làm sao?
Vậy chớ có biết lỗi người. Phải thường biết lỗi mình. Được vậy trong
tương quan cuộc sống mình không bị thiên hạ ghét. Mình không nói lỗi
người thì ai ghét mình. Và trong việc tu hành, ngày càng tiêu được tội lỗi,
nghiệp chướng vơi đi, tâm trí ngày càng sáng thêm. Niềm an vui ngày càng
rộng mở. Cuộc sống ngay đó được hạnh phúc. Không cầu mà được.
(HT. Thích Thanh Từ)

TU PHÁP GÌ ĐỂ ĐƯỢC AN VUI LÂU DÀI


Chư thiên là những chúng sinh thuộc loài trời, có nhiều phước báo hơn
người. Tuy vậy, nếu chư thiên không biết nương vào Chánh pháp để tu tập
giải thoát thì vẫn chịu khổ đau sinh tử trong tam giới, thậm chí không duy
trì được phước báo của cõi trời. Vì thế, các vị trời cũng thường học hỏi Phật
pháp nơi Thế Tôn.
Hai vị thiên nữ trong pháp thoại dưới đây đã ngộ ra điều thiết yếu là cần
nương tựa Chánh pháp để được an vui lâu dài. Cốt tủy của sự nương tựa
Phật pháp là ‘chánh niệm’ và ‘đủ luật nghi’. Nếu vì ác kiến hay vô minh
không thấy được giá trị của Phật pháp để quay về nương tựa thì ‘ắt sẽ rơi
đường ác’.
“Một thời, Đức Phật ở bên ao Di-hầu, trong giảng đường Trùng Các, nước
Tỳ-xá-ly. Bấy giờ, có Thiên nữ Câu-ca-na-sa, Thiên nữ Châu-lô-đà dung sắc
tuyệt diệu, vào lúc cuối đêm, đến chỗ Phật, đảnh lễ chân Phật, rồi ngồi lui
qua một bên; từ thân tỏa ra ánh sáng chiếu khắp cạnh bờ ao Di-hầu. Lúc này,
Thiên nữ Châu-lô-đà nói kệ bạch Phật:
Đại sư Đẳng Chánh Giác
Ở nước Tỳ-xá-ly
Câu-ca-na, Châu-lô
Xin cung kính đảnh lễ.
Xưa con chưa từng nghe
Chánh pháp luật Mâu-ni
Nay đích thân được gặp
Hiện tiền nói Chánh pháp.
Nếu đối pháp luật Thánh
Ác tuệ sanh chán ghét
Ắt sẽ rơi đường ác
Chịu các khổ lâu dài.
Nếu đối pháp luật Thánh
Chánh niệm, đủ luật nghi
Người kia sanh lên Trời
Được an vui lâu dài.
Thiên nữ Câu-ca-na-sa lại nói kệ:
Tâm kia không tạo ác
Và thân, miệng; trong đời
Năm dục đều hư vọng
Chánh trí, chánh buộc niệm
Không tập cận các khổ
Cùng hòa hợp phi nghĩa.
Thế Tôn bảo Thiên nữ:
Đúng vậy! Đúng vậy! Như những gì các ngươi đã nói:
Tâm kia không tạo ác
Và thân, miệng; trong đời
Năm dục đều hư vọng
Chánh trí, chánh buộc niệm
Không tập cận các khổ
Cùng hòa hợp phi nghĩa.
Các Thiên nữ kia nghe những gì Phật dạy hoan hỷ, tùy hỷ, rồi biến mất”.
(Kinh Tạp A-hàm, trích kinh số 1274)
Hàng đệ tử Phật hằng ngày đều nguyện ‘Con về nương tựa Pháp’. Căn
bản của nương tựa Pháp của Phật tử là chánh niệm và đủ luật nghi. Chánh
niệm là nhớ nghĩ chơn chánh, là tập thấy rõ tâm niệm của mình để kiểm soát
và chuyển hóa thân miệng ý của mình. Vì lâu nay chúng ta thường mất
chánh niệm, đánh mất sự thường biết về tâm, nên mọi chuyện đều làm theo
nghiệp vọng động, dấy khởi. Khi đã làm quen với tâm, nhận biết rõ tâm ý
của mình – chúng sinh khởi thế nào, hình thành và đoạn diệt ra sao, niệm
niệm tiếp nối không ngừng – thì chánh niệm ngày càng vững vàng, có thể tự
chủ trong mọi tình huống. Phải thấy rõ tâm mới có thể chuyển hóa và làm
chủ tâm.
Song hành với thực tập chánh niệm là cố gắng giữ giới, tức ‘đủ luật nghi’.
Thánh giới quý báu mà Đức Phật trao cho chúng ta chỉ nhằm mục đích duy
nhất là để ‘Không tập cận các khổ, Được an vui lâu dài’. Tùy nhận thức và
nỗ lực giữ giới của mỗi người để kiến tạo hạnh phúc và an vui cho mình.
Nên cần phải nương tựa Pháp bằng sự thực tập chánh niệm và giữ giới để
được an vui.
Phật pháp thì bao la nhưng cốt tủy vẫn là sự thực hành những điều thật
dễ hiểu, gần gũi và đơn giản. Phát huy chánh niệm để biết rõ về tâm ý mà
dừng lại và chuyển hóa những mầm mống bất thiện. Giữ vững giới pháp để
luôn sống trong môi trường thiện lành. Làm được như vậy thì ngay trong
hiện tại và cả tương lai đều được an vui.
QUẢNG TÁNH

CHÚNG SINH CÓ HIẾU ÍT NHƯ ĐẤT DÍNH TRÊN MÓNG TAY


Hình ảnh chút đất tí tẹo trong móng tay đem so với đất trên địa cầu mà
Thế Tôn dùng để minh họa cho vấn đề người thực sự có hiếu ở trên đời rất
ít, thật hiếm, khiến chúng ta chợt chạnh lòng. Ít và hiếm như vậy thì rất có
thể mình sẽ ở ngoài số đó, trở thành người bất hiếu hay chưa tròn đạo làm
con. Vậy mà lâu nay mình vẫn nghĩ rằng ta đã là hiếu tử đích thực. Ngài có
quá lời chăng khi người có hiếu ở đời chiếm một tỉ lệ thấp như vậy?
Ai suy ngẫm kỹ, tường tận vấn đề sẽ tự nhận ra rằng hầu hết chúng ta
đều có tâm hiếu, đều thương kính cha mẹ, mong được đáp đền thâm ân sinh
dưỡng nhưng vì vô vàn lý do và nhân duyên khác nhau, để rồi cái tâm hiếu
ấy tuy vẫn còn đó mà chưa biến thành hạnh hiếu, hoặc có chăng thì cũng chỉ
thể hiện được phần nào. Để rồi khi cơ hội đi qua, lá vàng kia một mai sớm
vội lìa cành, áng mây thu tím biếc chợt tan biến, đọng lại trong lòng vấn
vương lắm nỗi, hối tiếc nhiều điều. Bấy giờ, chúng ta mới ngộ ra lời dạy
thậm thâm của Thế Tôn, thầm chấp nhận rằng con vốn không bất hiếu
nhưng thực sự thì chữ hiếu chưa tròn.
*

  • *
    “Một thời, Phật ở tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ.
    Bấy giờ, Đức Thế Tôn lấy trong móng tay một ít đất, rồi nói với các Tỳ-
    kheo:
  • Các ông nghĩ thế nào, đất trên móng tay Ta nhiều, hay đất ở đại địa
    này nhiều?
    Các Tỳ-kheo bạch Phật:
  • Bạch Thế Tôn, đất trong móng tay của Thế Tôn là rất ít, ít lắm, còn
    đất ở đại địa thì nhiều vô lượng, cho đến không thể dùng toán số,
    hay thí dụ để so sánh được.
    Phật bảo các Tỳ-kheo:
  • Những chúng sanh biết có cha mẹ thì cũng như đất dính trên móng
    tay; Số chúng sanh không biết đến có mẹ cha cũng như đất ở đại địa.
  • Những chúng sanh biết có bậc tôn trưởng của dòng Sa-môn, Bà-lamôn
    và làm những điều cần làm phước đời này, đời khác, sợ tội thường
    bố thí, ăn chay giữ giới thì cũng như đất dính trên đầu móng tay; Số
    chúng sanh không biết có bậc tôn trưởng của dòng Sa-môn, Bà-la-môn,
    làm những điều phước cần ở đời này, đời khác, sợ tọâi lỗi thường bố thí,
    ăn chay, giữ giới thì cũng như đất ở đại địa.
  • Những chúng sanh không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm,
    không vọng ngữ, không nói hai lưỡi, không ác khẩu, không nói thêu dệt
    thì cũng như đất trên móng tay; Số chúng sanh không giữ gìn giới luật
    thì cũng như đất ở đại địa…
    Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy,
    hoan hỷ phụng hành”.
    (Kinh Tạp A-hàm, kinh số 442 )
    *
  • *
    Mới hay, tâm hiếu và hạnh hiếu song hành quả không phải dễ. Nhiều, rất
    nhiều trong chúng ta đã nghĩ rằng mình có hiếu nhưng kỳ thật thì chưa. Nếu
    chưa thì hãy nhanh tay lẹ chân mà chạy đua với thời gian vì vẫn còn kịp.
    Đừng để một mai kia ta phải hối tiếc vì sự lần lữa, hứa hẹn của mình. ‘Chúng
    sinh biết có cha mẹ cũng như đất dính trong móng tay’ chính là một công án
    nhắc ta rằng phải nỗ lực thật nhiều, tranh thủ hết mức để làm tất cả những
    gì có thể cho cha mẹ khi chưa quá muộn.
    Song hành với hiếu kính cha mẹ là biết tôn kính các bậc sư trưởng, làm
    phước, sợ tội, bố thí, ăn chay cho đến biết vâng giữ năm nhân cách cao
    thượng của người Phật tử (không sát sinh, không trộm cướp, không tà hạnh,
    không nói dối, không say nghiện), những hạnh lành này tuy dễ biết mà cũng rất
    khó làm. Dẫu khó nhưng nếu làm được thì thật quý hóa, có thiện căn sâu
    dày. Vì thế, khi suy ngẫm và đối chiếu với thực tiễn cuộc sống, nếu ai từng
    biết ơn và đền ơn cha mẹ, biết tôn kính bậc thầy, biết bố thí cúng dường, biết
    vâng giữ giới luật cao thượng thì đó là một phước báo lớn, hãy trân quý và
    giữ gìn.
    Mùa hiếu về, lời Phật dạy ‘những chúng sanh biết có cha mẹ thì cũng như
    đất dính trên móng tay’ luôn đồng vọng quanh ta, như làn roi lạnh buốt quất
    vào những tâm hồn lãng quên khiến giật mình thức tỉnh. Thế nên không hứa
    hẹn nữa, chẳng chần chừ nữa, những người con Phật hiếu thảo hãy làm ngay
    và luôn những gì trong khả năng có thể cho cha mẹ, những ân nhân đáng
    kính và thập phương bằng hữu huynh đệ trong cuộc đời tạm bợ vô thường
    này.
    Quảng Tánh

BÁN CHO TÔI $20 NGÀN NIỀM VUI


Ba ngày nay mệt và ho nhiều nên giờ trưa, tôi dạo bộ ra tiệm thuốc tây
gần bệnh viện để mua thuốc ho ngậm cho đỡ rát họng.
Khi đang soạn tiền chuẩn bị trả cho 2 hộp tyrotab, tôi nghe giọng một
người phụ nữ: ”Chị ơi, con em nó sốt quá, chị bán cho em 2 ngày thuốc sốt”.
Tôi giật mình và hy vọng chị bán thuốc sẽ từ chối bán thuốc và khuyên vào
bệnh viện để khám. Nhưng…
“Có ho không ?” – Dạ có
“Có sổ mũi không ?” – Dạ có
“Có tiêu chảy không ?” – “Hôm nay đi ra bọt 4 lần rồi. ”
“Còn gì nữa không ?”- Dạ bé mệt nhiều nên chị cho thuốc gì mạnh mạnh
chút nha chị “
Cứ mỗi câu trả lời của người mẹ bán vé số là một loại thuốc được lấy ra
bỏ vào bịch. Tôi ngó sang toàn là kháng sinh, kháng viêm và có cả Smecta
cầm tiêu chảy… Thực sự tôi kinh hãi quá. Không một động tác khám, cũng
không vạch khăn ra xem đứa bé thế nào. Chỉ hỏi, hỏi và lấy thuốc. Mấy
chuyện này nó làm mình khó chịu, ráng đứng lại vờ như nhắn tin điện thoại,
tôi thấy đứa bé đừ nhiều, vẻ mặt mệt mỏi lắm.
Tổng cộng gói thuốc cho bé là 117 ngàn đồng. Tôi đợi chị xách bịch thuốc
ra một góc vỉa hè đang ngồi soạn thuốc cho bé uống. Mình lại gần. Chị thấy
mình, dơ bọc vé số lên: ”Mua giúp chị tờ vé số đi em trai”.
Tôi cười và nói: ”Em sẽ mua cho chị. Em có ông anh là bác sĩ ở bên kia.
Giờ chị qua đó đi, em nói anh em chụp cho bé một tấm phim phổi rồi chị trả
em một tờ vé số chịu không ?”
Chị thoáng lúng túng. Tôi biết rõ chị không phải vì tôi xa lạ, từ sâu trong
mắt chị, tôi thấy chị lúng túng như kiểu lần đầu tiên gặp việc như vậy.
“Ở đâu em ?”
“Bên kia đường, chị thấy chữ Khu Khám Bệnh không ? Qua đó chụp 1
phát cho chắc chứ em sợ bé chị nó bệnh đó. Đừng cho uống gói thuốc này
vội. Lát anh em xem phim rồi kê toa cho.”
Quay lại, tôi vốn quen thân với ông anh cử nhân chụp phim phổi, 2 anh
em hay cà phê sáng nên anh rất cởi mở giúp tôi chụp cho bé 3 phim ngực
thẳng, ngực nghiêng và cột sống. Sau đó nhờ anh điều dưỡng lấy một ống
máu xét nghiệm dịch vụ trả kết quả ngay.
Xong tôi dẫn chị qua nơi tôi khám. Khi tôi mặc áo blause vào, tôi thấy chị
lúng túng thật sự, trưng trưng mắt nhìn tôi, còn cô bé cứ ngủ ngon trên đôi
vai chị. Tôi chẳng biết vì sao mình lại nói dối chị, nhưng lúc đó, tôi nói tôi là
bác sĩ sợ chị không tin. Bác sĩ gì lại đi mua thuốc tây?
Khám hết toàn diện cho bé, kết hợp với xét nghiệm máu, phim XQ, bé
hoàn toàn bình thường. May mắn chỉ là sốt và tiêu chảy do siêu vi. Tôi giải
thích và đề nghị chị đổi bịch thuốc chị đang giữ cho bé uống bằng thuốc của
tôi. Và chị đồng ý. Tất cả kháng sinh tôi bỏ ra vì tôi nghĩ chúng chưa cần
thiết. Thêm một ít thuốc bổ dạng siro cho con.
Xong xuôi. Chị đứng dậy cảm ơn tôi rối rít mà mặt thì chăm chăm xuống
sàn nhà, không ngẩng lên. Tôi nói: ”Giờ trả tôi 1 vé số tiền công.“
Chị nói: ”Em đưa bác 2 tờ luôn”. Chưa kịp từ chối chị đã bỏ đi. Để lại 2
tờ vé số trên bàn.
Anh cử nhân X quang nhìn tôi cười
Anh điều dưỡng cũng nhìn tôi cười
Còn tôi nhìn 2 mẹ con chị đi tất tả mà tôi cười
Cảm ơn chị đã bán tôi 20 ngàn niềm vui.
Sưu tầm

THIỀN QUÁN VỀ VÔ THƯỜNG


Sự thực hành thông thường nhất liên quan đến cái chết trong Phật giáo là
thiền quán về vô thường. Đó là nền tảng.
Nhưng chỉ với sự suy tư về vô thường – chưa kể đến thiền quán – cũng là
chất xúc tác trên hành trình tâm linh. Hãy ngưỡng vọng Đức Phật và cuộc
đời của Ngài. Chỉ sau khi nhìn thấy một người bệnh, Ngài đã bắt đầu cuộc
hành trình tâm linh của mình. Nếu không có một sự hiểu biết về vô thường,
thì không có cách gì có được sự phát triển tâm linh kỳ diệu như thế.
Đôi khi nhìn lại những tấm ảnh tôi đã chụp nhiều năm trước, tôi thường
nghĩ đã có bao nhiêu người trong ảnh đã ra đi. Có người giàu, người nghèo,
người là các vị thầy cao cả, nhưng tất cả đều giống nhau. Tất cả đều phải ra
đi. Bạn cũng có thể đọc các sách lịch sử để nhận ra sự thật này. Hoặc bạn có
thể tưởng tượng ra 100 năm sau, kể từ hôm nay và tự hỏi, “Ai là người còn
sống sót?”. Có lẽ không ai. Những sự quán niệm này có thể khơi dậy ý nghĩ
về vô thường.
Có nhiều cách khác nhau để thiền quán về vô thường. Như quán hơi thở.
Mỗi lần bạn thở vào, mỗi lần bạn thở ra, cuộc sống của bạn ngắn dần đi. Bạn
có thể trải nghiệm một cảm giác sợ hãi, nhưng như thế là bạn đã hiểu về vô
thường. Bạn cũng có thể nghĩ về cuộc đời của mình thay đổi thế nào khi từ
khi là em bé, thiếu niên, rồi trưởng thành. Đó là vô thường. Với mỗi đổi thay,
cuộc sống của bạn ngắn đi. Sự rút ngắn của cuộc đời trong từng giây phút
thực là một phương pháp thiền quán sống động về vô thường. Giờ bạn biết
khoảng thời gian dài lâu đó không là một khối thời gian đông cứng. Nó thay
đổi. Nó không ở cùng một chỗ hay cùng trong một trạng thái.
Tính chất vô thường cần được cảm nhận, chứ không chỉ là một sự hiểu
biết sách vở. Có một câu chuyện nổi tiếng ở Tây Tạng rằng, có một thiền sư
sống trong một hang động. Mỗi lần cần lấy nước, ông phải đi qua một lối
nhỏ hẹp nơi có nhiều cây gai móc vào áo quần. Ông rất muốn cắt các cây đó
xuống, nhưng mỗi lần, ông lại nghĩ, “Thôi, để ta hành thiền trước đã”. Đó là
vì ông không biết mình có còn đủ thời gian để giác ngộ. Vì thế cuối cùng ông
không cắt cành cây nào cả, nhưng ông đã tìm được chân lý cho tâm mình.
Trungram Gyalwa Rinpoche (Diệu Liên Lý Thu Linh lược dịch)

LỜI KINH TRONG LÒNG BÀN TAY


“Kẻ nông nổi theo đuổi những thứ phù hoa cũng giống như loài bướm
đêm bị cuốn hút bởi ánh sáng rực rỡ ngọn đèn dầu, lao vào đó, không chút
e ngại, đâu biết đang lao mình vào lửa, đâu biết phía sau những rực rỡ đó,
cuối cùng, chẳng có gì vui”. (Chư Kinh Yếu Tập)
Có những lời nói đẹp như hoa, chỉ một ngày mưa đã rơi rụng mất.
Có những hạnh phúc rất rực rỡ, chỉ một ngày nắng đã phai màu.
Có những điều đẹp như sương, không mang qua nổi một ngày gió.
Khi đã quên hết những vực sâu đã xảy chân rơi vào từ tiền kiếp, khi đã
quên hết những vui buồn từ tiền thân, thì trong kiếp sống hiện tại, ai cũng
như lần đầu tiên đi qua nơi đó, như đang dò dẫm bàn chân bước qua dòng
nước lạ.
Một kẻ trở lại nơi đã không còn nhớ gì nữa, và một người đứng trước nơi
xa lạ, cũng như nhau thôi.
Không ai dò độ nông sâu của dòng nước lạ bằng cả hai chân. Nhưng có
kẻ vẫn luôn dò cuộc đời nông sâu bằng cả hai chân của mình, và dò lòng
người nông sâu bằng cả trái tim. Rồi ngã nghiêng, điêu đứng, như người
mất trắng.
Nếu sớm biết phía sau những rực rỡ kia là lửa, lũ bướm đêm đã không
háo hức lao vào.
Nếu sớm biết phía sau phù hoa không rực rỡ như điều họ vẫn thấy, người
đời đã không phải buồn nhiều đến vậy.
Tôi luôn thích nhìn những người từ thế giới phù hoa quay về ngồi dưới
hiên chùa, nghe một thời kinh; khi đã trở về từ nơi đó, nơi ấy sẽ không còn
cơ hội xô ngã họ thêm một lần nào nữa. Tôi thích nhìn những vết thương đã
lành trong mắt của họ, xanh và bình thản như ngọn núi ngàn năm.
Có người lại vừa gom hết dũng khí của mình, để đôi chân ngược dòng
phù hoa quay trở về.
VT