BƯỚC LẠI QUÁ GẦN . . . Ắt Sẽ Làm Nhau Đau


Có người ví von rằng, người với người chung sống với nhau là một loại
học vấn, thật không hề dễ dàng. Xa rời nhau quá sẽ nhạt phai, nhưng gần
nhau quá thì ân ân oán oán lại tìm đến.
Bất kể là người nhà, bạn bè, bạn học hay đồng nghiệp, khi tốt với nhau
thì hai người có thể cùng chung manh áo tấm chăn, lúc trở mặt thì sống chết
cũng không qua lại.
Đời người như cái thước, cần phải có mức độ. Tình cảm như thể diện, chớ
vượt quá ranh giới. Chung sống giữa người với người, nhất định phải kiểm
soát được mức độ, quan hệ dẫu tốt thế nào cũng không nên bước lại quá gần,
nếu không cuối cùng rồi sẽ dần dần xa nhau.
Bước lại gần ai quá đều sẽ gây tổn thương
Giữa bạn bè với nhau, gần gũi quá thì nói năng không chú ý, tiền bạc
không có phép tắc, hành động không được tôn trọng, thời gian lâu dần thì
đường ai nấy đi.
Giữa người nhà với nhau, chớ quá can dự vào việc gia đình riêng của đôi
bên, ngày ngày cứ dính chặt với chuyện con cháu thì không còn bản thân
mình, cuối cùng tình cảm cũng trở nên xa cách.
Do đó muốn chung sống hòa thuận với người nhà, bạn bè thân thiết thì
phải giữ một khoảng cách nhất định.

  1. Giữa vợ chồng, hãy giữ một chút không gian
    Vợ chồng với nhau, quan hệ rất thân mật, nhưng điều đó không có nghĩa
    là giữa hai người không có chút bí mật nhỏ nào.
    Nhất là khi vợ hoặc chồng có sở thích hứng thú khác biệt, không nên
    cưỡng ép người kia cùng sở thích giống với mình. Cần phải giữ một khoảng
    cách nhất định, tán thành sở thích của người kia, sau đó ai nấy có nhóm bạn
    riêng của mình, chung sống hòa thuận vui vẻ.
  2. Với con cái, giữ khoảng cách “một bát canh”
    Trong xã hội ngày nay, có nhiều bậc Cha Mẹ vì quá bận rộn, không còn
    giành được nhiều thời gian để ở bên cạnh chăm sóc con cái. Lại cũng có
    nhiều bậc Cha Mẹ gần gũi và chăm sóc con cái quá nhiệt tình, không chuyện
    gì không tham gia vào.
    Giữa Cha Mẹ và Con cái là cần có khoảng cách. Tuy nhiên, khoảng cách
    ấy không được xa quá hoặc gần quá, như vậy hai bên mới đều có thể chăm
    sóc cho nhau, lại còn có thể tránh được một số mâu thuẫn và phiền phức
    không đáng có.
    Có giới hạn, có khoảng cách, có liên lạc, có trông nom, khoảng cách tốt
    nhất chính là “khoảng cách một bát canh”.
    Con cái có bát canh ngon thì ân cần mang đến cho Cha Mẹ, Cha Mẹ có bát
    canh ngon thì có thể đem cho Con cái.
    Chính là như vậy !
    Trong cuộc sống giữ khoảng cách “một bát canh” với con cái, có thể
    thường xuyên ghé thăm, cho con cái bát canh ngon. Về tâm lý cũng cần giữ
    khoảng cách “một bát canh” với con cái, sẽ không vì nóng quá mà làm con
    bị bỏng, cũng không vì lạnh quá mà thờ ơ bận bịu chẳng quan tâm.
  3. Giữa người thân không thể không có cái tâm cung kính
    Tình thân là tình cảm khó mà chia cắt được. Tuy nhiên sống với người
    thân, chớ nên tùy ý quá, nhất định phải có lòng cung kính. Được người thân
    giúp đỡ phải cảm tạ, người thân có khó khăn thì phải kịp thời giúp đỡ.
    Sự tình của người thân trong nhà, người nhà nguyện ý nghe thì hãy nói,
    không muốn nghe thì nói ít thôi, chớ can thiệp, càng không nên không e dè
    gì.
    Trong Tâm mỗi người đều có một góc riêng không muốn người khác đặt
    chân tới, vậy nên tôn trọng họ chính là tôn trọng tình thân của mình.
  4. Giữa bạn bè luôn luôn ghi nhớ kỹ ‘không cầu xin mong muốn gì’
    Một số người hễ có quan hệ với Bạn bè thân cận một chút là bắt đầu có
    đủ loại yêu cầu, nếu Bạn bè không đáp ứng được thì bắt đầu oán trách. Bạn
    bè như vậy sống với nhau sẽ khiến người ta cảm thấy mệt mỏi.
    Tình Bạn chân chính thì thuần khiết chân thành, không nhuốm màu công
    danh lợi lộc. Bạn bè giúp nhau được thì chính là duyên phận tình bạn, không
    nên dùng đạo đức để cưỡng ép họ, yêu cầu họ đáp ứng nhu cầu vô hạn của
    mình.
  5. Giữa những người xa lạ, gặp người nên nói dăm câu ba điều
    Cổ nhân có câu: “Quân tử chi giao đạm nhược thủy, tiểu nhân chi giao
    cam nhược lễ; quân tử đạm dĩ thân, tiểu nhân cam dĩ tuyệt”. Ý nói rằng, tình
    cảm giao hảo của người quân tử nhạt nhẽo như nước lã, tình cảm giao hảo
    của kẻ tiểu nhân lại ngọt ngào như rượu ngọt. Tình cảm của người quân tử
    tuy nhạt nhẽo nhưng lâu dài thân thiết, tình cảm của kẻ tiểu nhân tuy ngọt
    ngào, vồ vập nhưng lại dễ dàng dẫn đến tuyệt giao.
    Có người lần đầu tiên gặp nhau một hai lần mà đã tỏ ra vồ vập, thân thiết
    lắm. Với người lạ, dù ấn tượng tốt mấy cũng nên giữ chừng mực.
    Chớ có ý thăm dò đời tư của họ, nói chuyện cần phải giữ lại đường lùi,
    không nên bắt bí gây khó xử cho người.
    Người ta khi càng có tuổi, càng trải nghiệm cuộc sống sẽ thấy rằng, tình
    yêu, tình thân, tình bạn… tình cảm nào cũng đáng nâng niu, trân quý.
    Do vậy, để giữ được sự trân quý ấy mới có lời khuyên rằng “không nên
    bước lại quá gần”. Giữ lại cho mình một khoảng thời gian hòa hoãn đủ để
    suy tư suy ngẫm, giữ lại cho người khác một không gian riêng, đó mới là
    khoảng cách tốt nhất.
    Không cần phải gần gũi quá, bởi ai cũng có cuộc sống riêng của mình.
    Không cần phải xa nhau quá, bởi cuộc sống này chúng ta còn cần gặp gỡ.
    Một khoảng cách thích hợp vừa phải sẽ sinh sôi nảy nở điều tốt đẹp.
    Kỳ thực cũng chính là tôn trọng và trân quý lẫn nhau.
    Theo Vision Times

CỦA CHO Không Bằng Cách Cho


Ngày ấy anh chị còn nghèo lắm. Hai vợ chồng với 2 đứa con, nhà rách
đến độ chẳng mua nổi cái khóa cửa.
Tờ mờ sớm chị chổng mông đạp 1 xe thồ nặng rau muống suốt từ điếm
31 dưới Tứ Hiệp vào phố bán. Anh thì ốm đau suốt, chỉ quanh quẩn ở nhà.
Bữa ấy mưa rét, chị lại hâm hấp sốt nên đạp tới ngang cái chùa nhỏ ở
Thanh Trì thì sa sẩm mặt mày, đành tựa xe vào tường chùa đứng thở cho đỡ
choáng.
Nghe tiếng kẹt cửa, rồi có bà sư ở trong thò đầu ra xem. Ngó thấy chị ăn
vận phong phanh rét run, thương tình mang ra ly trà đường gừng nóng và
mấy bộ quần áo cũ, chắc của khách thập phương bố thí.
Tối về, chị giở ra soạn, bỗng phát hiện ra trong túi 1 cái quần cũ có tờ …
100 đô la. Số tiền không nhiều, nhưng với chị nó là khoản vốn đủ để thực
hiện ước mơ ấp ủ bấy lâu: đó là mở một hàng bún đậu mắm tôm vỉa hè.
Chừng tuần sau thì anh chị mò lên phố, chọn tạm đoạn phố vắng ở Hàng
Trống làm điểm mở hàng.
Thiên hạ bán 2.000 đồng một suất bún đậu, thì anh chị chỉ bán 1.200 đồng,
lại chăm chút nên chả mấy mà khách đông nườm nượp. Chị ngồi rán đậu
mỏi tay, anh tíu tít bưng bê lau dọn, cô con gái nhỏ thì cắm mặt ngồi rửa bát
trong cái xô nhựa.
Bán hàng được bao tiền, anh chị tích cóp mua hết đất để trồng rau muống.
Tư duy của kẻ bán rau thì chỉ ước có thật nhiều đất để trồng rau, chứ có ai
nghĩ đến lúc giá đất lên ào ào, anh chị nghiễm nhiên thành người giàu có.
Rồi cứ mua đi bán lại, chả mấy mà tài sản đã vào hàng cự phú, lưng vốn
phải đến trăm tỉ.
Tròn 20 năm thì anh chị tổ chức quay lại báo ơn ngôi chùa nhỏ ngày xưa.
Theo sau xe Lexus 570 của anh chị là 3 xe tải to chở đầy gạo, thực phẩm chay,
cùng mâm cúng lợn quay, gà , xôi, trái cây ê hề… làm xôn xao ngôi chùa nhỏ.
Bà sư già năm xưa ra tiếp, ngỡ ngàng.
Chị kể lại câu chuyện cũ, đồng thời xin phép bà cho chị tổ chức một
chương trình từ thiện, chia quà phát lộc cho người nghèo ngay tại chùa trong
vòng 1 tháng. Sẽ làm rất lớn, mọi chi phí chị xin trang trải tất.
Nghe đến đó, bà sư già lắc đầu, xua xua tay:

  • Cái người đã bỏ tiền vào trong mấy bộ quần áo đó, nhà chùa cũng chẳng
    biết là ai. Và có lẽ họ cũng không muốn thiên hạ biết mình là ai. Của cho
    không bằng cách cho. Nhà chùa xin cảm ơn.
    Đoạn, bà tiễn khách và kêu người đóng cửa chùa.
    Chị đứng chết trân trước 2 cánh cửa gỗ nhà chùa đóng chặt, lớp sơn nâu
    đã bạc phếch. Đành gạt nước mắt, quay về. Nhưng chị đã hiểu mình phải
    làm gì rồi.
    Nhà chùa vẫn đem cho quần áo cũ cho người cần nó. Có 1 khách vô danh
    nào đó vẫn gửi về quần áo đều lắm. Lạ nhất là trong mỗi bọc quần áo ấy,
    kiểu gì cũng sót 1 tờ 100 đô la trong túi áo hay túi quần cũ ấy. Kẻ nghèo khó
    vớ được thì mừng húm tạ ơn Trời Phật.
    Ở Chánh điện, có bà sư già vẫn thường ngày chú tâm tụng kinh với khuôn
    mặt và nụ cười vô thường của Đức Phật.

BÓNG CHA


Nhà tôi nằm trên một ngã ba sông. Bạn có thể thấy thật lạ khi nhà bỗng
như mọc lên giữa sông, nhưng đó là câu chuyện của hai mươi năm về trước.
Thực chất đây chỉ là nhánh sông cụt sâu chưa tới 2m.
Ngày ba đi hỏi cưới mẹ, ông ngoại chỉ tay ra ngã ba sông, thách thức:
“Mày dựng được căn nhà hỏi vợ ngay ngã ba sông này, tao gả liền”.
Ông ngoại tôi, hay bất kỳ một ông cụ nào khác trong làng này, dĩ nhiên
không hề muốn gả con gái cho ba tôi, một tay khét tiếng cờ bạc đã ăn trong
máu, nhà cửa chẳng có. Lời thách ấy, thực chất là lời từ chối của ngoại.
Lời thách không tưởng ấy ai dè là động lực cho ba. Ông chọn ngay thời
điểm mùa sông cạn nước nhất để đóng cọc, đổ đất, đắp đập, be bờ. Hàng
chục thanh niên trai tráng trong làng, nhiều người không thân quen, nhưng
khi biết chuyện vẫn nhiệt tình đánh trần giúp ba đắp đất xây nhà.
Ba tôi cưới được vợ, người con gái có tiếng đảm đang, ngoan ngoãn,
cũng vì thế.
Ngày con gái đi lấy chồng, mặt ông ngoại tôi buồn thiu. Dù là nông dân
cả đời lam lũ, nhưng ông vẫn luôn nói:
“Quân tử nhất ngôn thì nông dân cũng nhất ngôn”.
Ông chỉ yên tâm hơn một tẹo khi ba tôi lầm rầm khấn trước bàn thờ tổ
tiên lời thề chẳng giống ai: “Con xin thề sẽ bỏ cờ bạc, chí thú làm ăn để lo
cho gia đình”.
Trong suy nghĩ của mấy anh em chúng tôi, ba là người quyết đoán. Quyết
đoán đến mức nhiều khi tưởng như khắc nghiệt. Đó là lý do anh em tôi ra
trường, lập nghiệp ở Sài Gòn, ba ở Bình Dương, chỉ cách chưa tới 20km,
nhưng chỉ những ngày lễ, tết mới về nhà.
Có lần, trước giao thừa vài tiếng, mấy anh bạn công nhân quanh nhà rủ
đánh bài thử vận đỏ đen. Tôi gặp vận đỏ, thắng hơn năm triệu đồng. Về đến
nhà, nhìn vẻ mặt tươi rói của tôi, ông già rót nước trà gọi lại uống và nói
chuyện.

  • Con vừa đi đâu về vậy Linh?
  • Con đi chơi.
  • Chơi đâu?
    Tôi lúng túng thực sự. Kể từ khi lấy vợ, ba tôi đã thề đoạn tuyệt và chưa
    bao giờ ủng hộ trò đỏ đen. Nhưng với tôi, đó chỉ là trò chơi may rủi. Ở khu
    trọ toàn công nhân nhập cư này, mỗi mùa lễ tết phải có tới 3/4 thanh niên
    trai tráng trong số đó ở lại “vui vầy” trên chiếu bạc.
    Ba ngay lập tức nắm bắt được suy nghĩ của tôi. Ông nhìn với ánh mắt dò
    xét:
  • Con thắng hay thua?
  • Dĩ nhiên con thắng. Nhiều lắm ba, hơn năm triệu bạc.
    Bất ngờ, ông vung cánh tay săn chắc, đen bóng, bổ mạnh xuống mặt bàn:
  • Đặt lên đây!
    Tôi lúi húi đặt lên.
  • Mày nghĩ sao vậy con? Hầu hết những thằng ngồi chung chiếu bạc với
    mày hôm nay, chúng nó là công nhân tỉnh lẻ, không có tiền, có được ít tiền
    công tiền thưởng chỉ đủ gửi về cho mẹ cho vợ, cạn kiệt không còn cả tiền
    tàu xe để về. Chúng nó muốn bỏ con tép bắt con tôm, có thêm chút đỉnh để
    có mấy ngày tết xôm tụ hơn một chút. Thế mà mày ăn hết tiền của tụi nó với
    vẻ mặt hớn hở thế kia? Khốn nạn!
    Tôi nóng mặt khi nghe ông dằn hai từ chửi nặng nề ấy. Lần đầu tiên tôi
    thấy các cơ trên khuôn mặt ông rần rật rung lên, xô lại vì giận dữ.
  • Bây giờ ba muốn sao?
  • Đồ ngu. Ra quán trả ngay tiền cho tụi nó.
  • Mọi người về hết rồi.
  • Vậy mày gõ cửa từng nhà trọ mà trả.
    Giao thừa năm ấy, tôi như một thằng ngu (cũng có thể có người coi là
    đạo đức, nhưng tôi vẫn nghĩ người ta nhìn mình giống thằng ngu hơn) khi đi
    khắp khu trọ, gõ cửa những người thua bạc để trả tiền cho họ. Trong lòng
    tôi lúc ấy tràn ngập sự cay cú với ba. Tôi chấp nhận đi không phải vì phục
    lời ba mà vì ánh mắt má tôi lúc đó như van nài, như cầu xin.
    Cũng từ đó, chẳng thề nguyền với ai, nhưng tôi không bao giờ ngồi lại
    chiếu bạc. Tôi nhớ như in đêm ba mươi thắng đậm ở quê và mất sạch hứng
    thú đỏ đen.

Mùa hè năm ấy, ba tôi trở bệnh. Căn bệnh ung thư phổi khiến ông xuống
sức nhanh chóng. Những năm cuối cùng, ông trồng quanh vườn nhà từng
gốc măng cụt, sầu riêng, trước nhà là một dãy dài xoài, bưởi. Hàng xóm thắc
mắc, ông cười rất hiền:
“Tui trồng cho tụi cháu tui ăn, lũ trẻ trong xóm ăn”.
“Cháu ông đâu?”.
“Thằng Linh sắp ra trường rồi, lại cả mấy thằng em nó nữa. Mai mốt thể
nào chả con đàn cháu đống. Chưa chắc tui gặp hết cháu chắt tui, nhưng
chắc chắn tụi nó sẽ được ăn những trái cây tui trồng”.
Ngày ba vào bệnh viện, nằm chung phòng cấp cứu với ba có khá nhiều
cụ ông, cụ bà sàn sàn cùng tuổi. Trong khi nhiều ông bà hay dành một thời
gian đáng kể trong ngày ra để ngồi thở dài, ngẫm nghĩ về cái chết, thì ba
vẫn thường lạc quan tếu:
“Cái chết có gì đâu, lúc nào tới số, trên gọi thì mình đi thôi”.
Được vài hôm, lần đầu ông tỏ ra ưu tư khiến chúng tôi nhầm tưởng ông
bắt đầu giống các cụ kia, sợ cái chết đang gần kề…
Ba gọi tôi ra góc sân bệnh viện. Bàn tay gầy guộc, đen sạm của ông nắm
tay tôi:

  • Linh, con thấy cụ già cuối phòng cấp cứu không?
  • Dạ có.
  • Ông cụ ấy, là một nghệ nhân mộc. Ba tôi chầm chậm kể. Nhà cụ cũng
    có ba đứa con trai như ba. Nhưng khác với ba, lũ con ấy, mỗi đứa một
    phương, coi ba mẹ như người thừa trong xã hội. Hoặc có khi, chúng coi ba
    mẹ không còn có mặt trên đời từ lâu rồi. Cụ nằm viện gần hai tháng, nhưng
    chưa bao giờ thấy một đứa con nào vác mặt thăm nom. Sáng nay, bác sĩ
    nói nếu không có giác mạc hay cái gì mạc ấy, sẽ không thể cứu được đôi
    mắt ông cụ ấy nữa. Mà nghề mộc của ông cụ, mai mốt ra viện nếu không có
    đôi mắt thì chắc chẳng làm được gì.
    Ba tôi lặng đi một lúc.
  • Linh, ba tính thế này được không? Mày lên gặp giám đốc bệnh viện, hỏi
    xin cho ba tờ đơn xin hiến giác mạc hay cái mạc mạc gì đó, để cứu được
    đôi mắt ông cụ. Mai mốt tao chết cũng chẳng cần đôi mắt mang theo làm gì.
    Ba tôi rành rẽ, dù ông nói “ba tính” như dò ý tôi, nhưng kỳ thực, giọng ông
    vang vang nói như ra lệnh.
    Tôi muốn nói với ba rằng, ba ơi, chi mà cực vậy, ruột gan phèo phổi ba
    đã không lành rồi, còn đôi mắt lành, chân tay lành…, chí ít có được hình hài
    lành lặn cũng cần giữ lấy để còn đi gặp ông bà chứ. Nhưng họng tôi nghẹn
    đắng, không cất tiếng nổi.
    Mà cần gì tôi nói, mắt ba tôi long lanh nhìn trực diện như thấu tim gan tôi.
    Ông lắc lắc cánh tay tôi:
    “Nha con, giúp ba, nếu không có khi không kịp”.
    Như có linh tính, ngay sau khi tôi vừa hoàn tất thủ tục theo ý nguyện cuối
    cùng của ba thì bệnh viện trả ba về cho gia đình. Trước khi rời bệnh viện,
    ba tôi vẫn nhìn về phía những người bạn già với một ánh mắt nhẹ nhõm
    niềm vui.
    Ngày chúng tôi đưa ba về lại căn nhà cũ, mảnh vườn cũ mà ba đã vắng
    bóng gần nửa năm nay, lứa ổi đầu tiên vừa chín tới. Ba khẽ à lên một tiếng,
    nói với tôi:
    “Con nhớ hái ổi cho lũ trẻ trong xóm, để rụng phí quá”.
    Vài ngày sau ba ra đi rất đỗi nhẹ nhàng.
    Thú thực, trước khi ba mất, tôi chưa từng nghĩ tới chuyện có thế giới bên
    kia hay không. Nhưng sau đó, mỗi khi thắp nhang lên bàn thờ, tôi vẫn dọn
    hai đĩa trái cây, một đĩa nhỏ cúng ba, một đĩa lớn hơn để ông mời những
    người khác, nhất là những đứa nhỏ xung quanh. Bởi tôi biết, ông chưa bao
    giờ ăn miếng ngon một mình.
    Và ngoài khu vườn ba tôi nâng niu từng mầm cây mà ông không đợi ngày
    ăn trái, tôi luôn thấy bóng ông đi về trong tiếng chim hót, lá reo…
    Truyện: Khôi Nguyên Thảo

IM LẶNG LÀ MỘT LOẠI BAO DUNG


Người ta vẫn thường cho rằng kẻ giỏi hùng biện mới là thông minh.
Thường cho rằng một người có thể nói năng lưu loát trước đám đông thường
là những người được mọi người yêu mến, cho dù có đi tới đâu cũng sẽ giống
như cá gặp nước.
Kỳ thực, bậc trí giả lại cho rằng nói là một loại năng lực, còn im lặng là
một loại trí huệ.
Người trí tuệ, đối với sự thay đổi không ngừng nghỉ của vạn sự vạn vật,
đều giữ trong tâm một thái độ trầm tĩnh, độ lượng, như vậy mới có thể dung
nạp được nhiều hơn, xử lý mọi chuyện dễ dàng hơn.
Im lặng đôi khi là lúc mà con người ta đang lao động trí óc. Nhờ đó mà
có những kiệt tác, sự cao thượng, hiểu biết, trưởng thành, hồi tâm, giác ngộ…
Văn hào W. Goethe từng nói: “Tài năng được nuôi dưỡng trong cô tịch,
còn chí khí được tạo bởi những cơn sóng dữ của giông tố cuộc đời”.
Trên mặt nước cho dù gió có thổi làm sóng trào dâng cuồn cuộn nhưng
những dòng nước ở bên dưới sâu vẫn luôn duy trì tốc độ chảy chậm rãi,
thong dong.
Làm người cũng như thế, gặp phải chuyện lo lắng, việc khó khăn thì đều
phải bảo trì một tâm thái bình tĩnh và tường hòa.
Nước sâu thì dòng chảy chậm, người tôn quý thì ăn nói từ tốn. Muốn suy
nghĩ điều gì muốn nói điều gì hãy giống như cổ nhân dạy “uốn lưỡi bảy lần
trước khi nói”, suy nghĩ kỹ rồi mới có thể đưa ra quyết định lời nào nên nói
lời nào không.
Im lặng cũng là một loại bao dung, thật hay giả của sự việc hãy để thời
gian là câu trả lời tốt nhất.
Bởi vậy bạn chỉ cần cố gắng học cách làm người tốt, làm người lương
thiện, học cách im lặng một cách thích hợp thì cuộc sống sẽ được thoải mái
bình an.
Sưu Tầm

LẶNG IM NHƯ HOA CÚC


Ta ngồi với một sơ tâm trong sáng, những gì xảy ra thì xảy ra. Vì thiền
tập không phải để ta “quán chiếu” một vấn đề nào, mà là để yên và thấy rõ
được sự đến và đi tự nhiên của những gì đang có mặt.
Thầy Ajahn Brahm có lần chia sẻ khi ông mới đến ở tu viện Wat Pah Pong
của ngài Ajahn Chah, ông thường được nghe Ngài Ajahn Chah kể một câu
truyện về làm thế nào để hái một trái xoài.
Tu viện Wat Pah Pong là một vườn xoài. Và theo người ta kể thì những
cây xoài ở đây được lấy hạt giống từ chính cây xoài được trồng bởi đức Phật.
Vườn xoài lúc nào cũng đầy trái thơm chín chỉ chờ người hái. Nhưng theo
lời Phật dạy thì chúng ta không nên leo lên cây hái trái. Và ta cũng không
cần phải lấy cây sào vói hái, hay là rung lắc cho trái rụng xuống. Chúng ta
chỉ cần ngồi yên dưới cây, với hai bàn tay mở rộng, và rồi trái xoài chín sẽ
rơi vào trong lòng bàn tay mình. Ajahn Chah nói đó là một lời dạy đầy tuệ
giác và tình thương của đức Phật.
Và ngài Ajahn Chah cứ kể đi kể lại câu truyện ấy rất nhiều lần cho các
thiền sinh. Thầy Ajahn Brahm nói là ông không thể nào chấp nhận được câu
truyện ấy, ông cho rằng lời dạy ấy rất là vô lý và không thực tế. Nếu như ta
cứ ngồi yên dưới một cây xoài chín trái, thì có lẽ ta phải chờ rất lâu mới có
trái rụng, Có thể những con chim cũng sẽ ăn hết trước ta. Và nếu như có trái
chín nào rụng xuống đi chăng nữa, thì dễ gì mà nó sẽ rơi đúng vào trong tay
mình.
Nhưng sau một thời gian dài tu tập, thầy Ajahn Brahm chợt nhận ra rằng
câu truyện ấy là một ví dụ rất chính xác và sâu sắc về vấn đề giải thoát, giác
ngộ. Ông hiểu được rằng bấy lâu nay ông mới chính là kẻ ngu khờ, không
hiểu được lời dạy ấy. Trên con đường tu học, ta sẽ không bao giờ đạt được
bất cứ một điều gì bằng những sự cố gắng “công phu” hay “rèn luyện” theo
một ý đồ nào đó. Ta không thể nào “trèo lên cây” hay “lấy cây sào vói hái”
hay “rung lắc cây”, để khiến cho một việc gì đó xảy ra theo ý mình muốn.
Nhưng khi ta biết ngồi yên, bỏ hết sự mong cầu, và mở rộng lòng ra tiếp
nhận những gì đang xảy ra với một tình thương, thì quả trái giác ngộ sẽ nhẹ
nhàng rơi vào trong bàn tay ta.
TRỌN VẸN VỚI NƠI NÀY
Tôi nghĩ, câu truyện ấy muốn nhắc nhở chúng ta rằng quả trái của tu tập
chỉ đến với một tâm không mong cầu. Nếu như ta đừng tìm kiếm và tạo tác
thêm, biết có mặt trọn vẹn với những gì đang xảy ra, thì ta sẽ thấy rõ được
những gì mình cần làm mà không bị ảnh hưởng bởi một sự mong muốn nào
hết.
Vì thật ra những gì đang có mặt, mưa hay nắng, thành công hay thất bại,
an vui hay khổ đau… chúng đều cần thiết cho một hành trình chuyển hóa
của ta. Nếu như ta thấy rõ được sư thực ấy, và hiểu rằng tất cả đều là những
giai đoạn khác nhau cho sự chín tới của hoa trái tuệ giác, thay vì cứ lăng
xăng tìm cầu một cái gì khác…
Tại nhà thờ Chartres Cathedral ở Pháp, được xây vào khoảng thế kỷ 12,
có một kiến trúc gọi là labyrinth. Labyrinth là một kiến trúc cổ trong huyền
thoại Hy Lạp, nó gồm có một con đường vòng vo như một mê đồ. Nhưng
trong labyrinth thì chúng ta chỉ đi trên một con đường duy nhất, tuy lối đi
vòng vo và quanh co, nhưng cuối cùng con đường ấy sẽ dẫn ta vào đến trung
tâm của kiến trúc.
Khi đi, có nhiều lúc ta tưởng như mình sắp sửa vào đến trung tâm, thì
con đường ấy lại dẫn ta đi ra tận ngoài bìa, như là mình đã lạc lối. Rồi có khi
đang ở bên ngoài, qua một khúc quanh, nó lại dẫn ta vào ngay bên trong. Và
cuối cùng thì ta cũng bước vào được ở nơi trung tâm. Con đường ấy tượng
trưng cho một hành trình tâm linh, mà bất cứ nơi nào ta đang có mặt cũng
là một giai đoạn hoàn hảo và cần thiết. Nó nhắc nhở ta hãy có mặt trọn vẹn
và tiếp nhận những gì xảy ra với một tâm rộng mở.
CÓ THỂ BAO DUNG ĐƯỢC
Trong kinh có ví dụ về một chén nước nhỏ. Nếu trong một chén nước mà
người ta thả vào một nắm muối thì nước sẽ trở thành mặn và không uống
được. Nhưng nếu có một người đứng trên thuyền mà đổ một bát muối
xuống dưới sông, thì nước sông ấy vẫn không hề bị mặn. Nước sông không
mặn, không phải tại vì trong ấy không có muối, nhưng tại vì lòng sông quá
lớn, nó có thể bao dung được tất cả.
Cũng vậy, khi ta tiếp xúc với những điều bất như ý với một tâm rộng mở,
trong sáng, thì chúng sẽ không đủ sức để trở thành nỗi khổ niềm đau cho ta.
Ta cũng không cần tránh né hay mong cầu cho nó được khác hơn. Giữa một
đại dương bao la sóng gió, có những chiếc tàu chở hàng nặng cả trăm ngàn
tấn, nhưng vẫn nhẹ nhàng nổi được trên mặt nước, đó là nhờ ở cái rỗng
không trong lòng tàu.
Thật ra thái độ ấy không phải là một sự tiêu cực, mà nó chỉ có nghĩa là ta
cho phép ngày nắng được nắng, ngày mưa được mưa, và không bắt sự việc
phải xảy ra theo ý riêng của mình. Sóng gió có đó chứ không phải là không
có, nhưng như một chiếc thuyền lớn giữa đại dương, ta vẫn có thể an ổn đi
tới. Sự rộng mở và có mặt trọn vẹn là một thái độ rất tích cực, nó giúp ta thấy
rõ được những gì ta cần làm và có thể làm được, chứ không phải chỉ nỗ lực
cho một sự thành đạt nào đó.
HÃY BUÔNG XẢ TỰ NHIÊN
Thiền sư Suzuki có lời dạy như vầy cho các thiền sinh của ông, “Đôi khi
phương pháp hữu hiệu nhất để điều khiển một việc gì là để cho nó được tự
nhiên. Và lúc ấy sự việc sẽ nằm dưới sự kiểm soát của ta, theo một nghĩa
rộng. Cũng như muốn kiểm soát một con cừu hay một con bò, bạn hãy thả
nó vào một cánh đồng cỏ rộng bao la. Làm ngơ không biết đến là một
phương pháp tệ hại nhất, và kế đến là cố gắng điều khiển chúng. Chỉ có
phương cách hữu hiệu nhất là thấy biết chúng, ta chỉ cần thấy biết thôi, và
không cần phải điều khiển một việc gì hết.”
Và thiền sư Suzuki cũng khuyên chúng ta nên áp dụng thái độ ấy vào
việc ngồi thiền của mình. Nếu lần tới trong giờ thiền tập, thay vì cố gắng
công phu “làm” một cái gì đó, hoặc “điều khiển” tâm ý theo một phương
cách nào đó, bạn hãy thử ngồi yên thư giãn và buông xả. Hãy ngồi trọn vẹn
tỉnh thức và cảm nhận rõ hết tất cả, toàn thân như thế nào thì thấy như vậy.
Cảm nhận một cách tự nhiên, không cố gắng, không mong cầu gì khác.
Ta cũng không cần tìm kiếm một phương cách nhất định nào, chỉ trở về
với sự thấy biết tự nhiên của mình. Ta ngồi với một sơ tâm trong sáng, những
gì xảy ra thì xảy ra. Vì thiền tập không phải để ta “quán chiếu” một vấn đề
nào, mà là để yên và thấy rõ được sự đến và đi tự nhiên của những gì đang
có mặt.
LẶNG IM NHƯ HOA CÚC
Tôi thấy, trong cuộc sống hằng ngày, nếu muốn thành tựu một việc gì đó,
thì người ta cảm thấy cần phải toan tính, tìm phương án, lập kế hoạch, để
đạt đến những gì mình mong muốn. Và nhiều khi ta đạt được những gì mình
muốn, nhưng trong quá trình ấy ta lại đánh mất đi chính mình.
Trên con đường tu học thì như thầy Ajahn Brahm chia sẻ, thật ra ta không
cần phải “trèo lên cây” hay “lấy cây sào vói hái” hay “rung lắc cây” cho được
trái chín rụng. Ta chỉ cần trở về với sự tĩnh lặng trong sáng sẵn có, buông bỏ
những mong cầu của mình, và mở rộng lòng ra tiếp nhận những gì xảy ra
với một tình thương. Rồi thì một ngày quả trái giác ngộ sẽ nhẹ nhàng rơi
xuống trong tay.
Buổi sớm mai này trên con đường đi đến sở làm tôi thấy một vầng trăng
tròn sáng trên cao, tĩnh lặng giữa một bầu trời vắng không, chợt nhớ đến
tách trà của Thiền sư Basho.
Uống trà sáng
Lặng im như hoa cúc.
Basho (Thái Bá Tân dịch)
Tác giả: Nguyễn Duy Nhiên