BIẾT VÀ HÀNH PHẢI HỢP NHẤT


Dù tại gia hay xuất gia, chúng ta đến với đạo Phật nhưng chỉ biết những
hình thức cúng kiến, lễ lạy, cầu nguyện mà thôi, không chịu tìm hiểu xem
Ðức Phật dạy những gì để áp dụng trong cuộc sống hằng ngày, tìm hiểu xem
đâu là chánh pháp, điều gì là Chánh kiến thì khổ đau vẫn hoàn đau khổ,
theo đạo Phật như thế thì không lợi lạc gì bao nhiêu và … có khác chi bao
người không biết đến Phật Pháp?
Một người Tu còn cần phải có ít nhất những đức tính

  1. Biết làm phước, bố thí
    Có những người học (đọc) nhiều Kinh sách, hiểu biết Giáo lý, nói Đạo rất
    hay, nhưng không biết làm phước, bố thí mà lại keo kiệt, bỏn sẻn, bo bo bám
    chặt vào tài sản, tiền bạc của mình.
  2. Nói lời ái ngữ
    Có người theo học Đạo lâu năm mà không giữ gìn Khẩu nghiệp, ăn nói
    xả láng, chê bai, chỉ trích, vu khống, bịa đặt, phỉ báng kẻ khác.
  3. Từ, Bi, Hỷ, Xả
    Thiếu 4 đức tính này thì chưa phải là kẻ Tu hành
  4. Khiêm cung và lễ độ
    Càng Tu thì cái Ngã phải nhỏ dần và biết cung kính tôn trọng kẻ khác,
    nhất là các bậc Trưởng thượng.
  5. Rõ biết rằng mục đích của đường đời là thoả mãn sáu căn
    Mục tiêu của đường Tu là thu thúc sáu Căn, đặc biệt là Ý căn.
    Hạnh phúc của đường đời là tận hưởng sáu trần. Còn hạnh phúc của
    đường Tu là vô nhiễm và ung dung trước sáu trần.
    Nếu chưa có những đức tính và tâm hạnh kể trên thì có thể nói là chưa
    biết Tu hoặc Tu chưa đủ để chuyển hóa Tâm tánh. Hãy tự xét lại, nhìn lại
    mình xem, mình đã Tu tập đến đâu để dừng lại sửa ngay sơ sót, nếu chỉ Tu
    trên hình thức suông, không quan xét lại mình, có khi uổng phí một kiếp
    người may mắn biết Phật Pháp.
    Phật Pháp thì bao la nhưng hãy bắt đầu thực tập từ những gì căn bản nhất.
    Điều căn bản mà chưa làm được thì dẫu biết những Triết lý cao siêu cũng
    chỉ là đang diễn tả về những chiếc bánh vẽ thật hay mà không nếm được
    hương vị thật của chiếc bánh :
  • Trì giới cho ta một Tâm thức an lành.
  • Nhẫn nhục cho ta sự Khiêm tốn, nhẫn nại
  • Tinh tấn để từ bỏ mọi dính mắc, biếng lười
  • Bố thí để buông xả sự bo bo, tham luyến.
  • Thiền định để thấy rõ bản ngã, cái tôi là gốc rễ của mọi buộc ràng, đau
    khổ.
  • Trí tuệ để chiếu rọi và xua tan bóng tối si mê.
    Mừng cho ai biết trở về Từ nơi Chánh Niệm Bồ-đề nở hoa..
    Kính chúc tất cả một ngày mới trong Chánh Niệm An Lành…
    Như Nhiên- Thich Tánh Tuệ

LẮNG NGHE CŨNG LÀ CHIA XẺ

Có những người Bạn mà tôi có thể lắng nghe họ nói chuyện nhiều tiếng đồng hồ nhưng không hề bực tức mà cảm thấy thật nhẹ nhàng và an nhiên.

Tôi chưa từng nghe ai đó nói nhiều giờ đồng hồ như vậy hoặc là tôi sẽ thay phiên nói trong một quảng nhất định. Đã nhiều lần, tôi lắng nghe, trong nhiều tiếng đồng hồ mà thời gian như không hề tồn tại.

Tôi dần nhận ra đôi khi bản thân không có nhu cầu chia sẻ bằng lời nói, bởi lắng nghe cũng là một kiểu chia sẻ khác, đặc biệt hơn nữa, việc lắng nghe ấy luôn khiến đôi bên nhẹ lòng và cảm thấy được thấu hiểu.

Điều đó cũng có nghĩa rằng ta không có nhu cầu phải thể hiện mình thông qua những tri thức cá nhân hay đời sống riêng tư. Ta vui dù không có điều kiện chia sẻ ra những điều đó với Bạn.

Đôi khi không có khái niệm thời gian trong một cuộc trò chuyện là điều tuyệt vời định nghĩa nên một tình Bạn thật sự. Dù đôi Bạn ấy không có vẻ thực sự hiểu nhau, không có vẻ đồng điệu cho lắm, nhưng khi họ ở bên nhau, không còn khái niệm thời gian, đó là một điều đáng trân quý. Và khi trò chuyện với Bạn, ta cũng hoàn toàn vứt bỏ điện thoại sang một bên. Ta cảm thấy thật an lành khi không cầm trên tay chiếc điện thoại, vô thức hay cố ý kiểm tra cái nọ cái kia. Và trước khi gặp Bạn, ta đã hoàn thành tất cả mọi công việc để khỏi phải nghĩ ngợi điều gì.

Ta muốn có sự hiện diện trọn vẹn với Bạn và lắng nghe Bạn, dù đôi lúc, ta không quá hiểu những điều Bạn nói. Có thể, Bạn đang phiêu trong thế giới riêng của mình và diễn giải theo phong cách riêng ấy.

Khi ta lắng nghe trọn vẹn, cái tôi của chúng ta được lược bỏ và đó là một trải nghiệm thật sự tuyệt vời. Có những người Bạn mà ta lắng nghe, nhưng ta không có được sự yêu thích, có thể vì tần sóng giữa đôi bên không đồng điệu, nhưng ta vẫn chú tâm lắng nghe, đó là thái độ sống của ta trước Bạn, như trước bao người.

Một người Bạn chia sẻ với tôi rằng cô ấy rất hay nổi nóng và là một người dễ dàng nổi nóng. Lúc nổi nóng, cô như biến thành một con quỷ dữ. Không còn là cô nữa. Trong một lần, vì tức giận quá, cô ấy thậm chí không chào tạm biệt người chồng của mình mà cứ thế tắt điện thoại, rồi lẳng lặng về nhà mẹ. Cho đến khi chồng đến đón thì mới nguôi nguôi cơn giận.

Có lần cô hỏi tôi:

– Nhìn Trang điềm tĩnh thế thì có lúc nào nổi điên không?

Tôi đáp:

– Có chứ! Trong quá khứ,Trang đã nổi nóng không ít lần, đặc biệt lúc còn nhỏ. Còn bây giờ thì không.Vì mình có chánh niệm – tỉnh giác để không còn phản ứng vô thức như hồi kia nữa.

Cô hỏi tôi bí quyết, tôi bèn đáp:

– Lắng nghe trọn vẹn là một trong những điều quan trọng để chúng ta có được sự bình tĩnh. Khi ai đó nói điều không hay với ta, nhưng ta biết lắng nghe trong khi thận trọng – chú tâm – quan sát bên trong mình, tự dưng ta sẽ có ngay thái độ sáng suốt. Quá trình lắng nghe trong sáng, không phán xét, không phân tích đúng sai này giúp ta trở về thực tại và nhận biết mọi thứ như nó đang là. Điều quan trọng không phải là thái độ của người kia mà là thái độ của ta đối với sự việc. Quá trình lắng nghe có chánh niệm này giúp ta có sự bình tĩnh cần thiết, không kêu gào, bực tức, nóng nảy một cách vô thức hay theo thói quen nữa.

Vì tất cả những phản ứng chỉ xảy ra khi trong ta thiếu bình tĩnh và sáng suốt. Điều đó bắt nguồn từ việc ta nghe để đối đáp hoặc thậm chí ta chả buồn nghe mà chỉ muốn nói toạc ra ý cái tôi đang muốn thét gào hay muốn thanh minh. Lúc này, Bạn sẽ bị đồng hóa vào cơn giận dữ ấy mà thôi.

– Bình tĩnh và sáng suốt rất khó, dường như ta dễ bị cảm xúc dẫn dắt?

– Đúng thế. Đi qua những lần nổi nóng, mình mới biết nguyên do đến từ đâu. Đó là một phản ứng dựa trên cái tôi và thói quen, bản năng.

Khi Bạn nổi điên nhiều lần mà không có chánh niệm – tỉnh giác, nó sẽ tạo thành một thói quen, như hút thuốc lá hay nghiện ma túy vậy.

Ta dễ nổi điên khi bắt gặp chuyện gì đó khiến ta không hài lòng.

Từ bỏ một thói quen là khó vì nó đã ngấm và lập trình sâu vào tâm thức. Bây giờ, chỉ có một cách là hãy biết quay về bên trong, thận trọng – chú tâm – quan sát. Chúng ta gần như phải học cách lắng nghe, lắng nghe mọi người và lắng nghe nội tại của mình.

Lắng nghe trọn vẹn ắt sẽ có được sự bình tĩnh.

Khi có bình tĩnh và sáng suốt, nghĩa là ta giải thoát chính mình, chứ không phải lắng nghe để chịu đựng.

Trang Ps

QUẢ BÁO HỦY BÁNG PHẬT THÁNH

Cuộc đời vốn đục trong, đen trắng, Thánh phàm, vàng thau lẫn lộn, nói chung các cung bậc đều đủ. Nếu ta nói về ai, việc gì với thật ngữ, không hư vọng, đúng sự thật mắt thấy tai nghe, thiết nghĩ cũng chẳng có gì phải sợ. Chỉ sợ là ta nói không đúng với sự thật, nghe theo số đông mà dèm pha đàm tiếu, hùa với kẻ mạnh mà kích bác phỉ báng người thiện lương. Quan ngại nhất là đối với Phật Thánh, Phật thì ta đã biết còn chư Thánh (Tu-đà-hoàn đến A-la-hán) thì hiển hiện cũng có mà ẩn dật cũng nhiều nên vô tình hay cố ý vu cáo, phỉ báng các vị Thánh tăng sẽ bị tổn phước, chịu quả báo nặng nề.

“Một thời, Đức Phật ở trong vườn Trúc, khu Ca-lan-đà, thành Vương xá. Bấy giờ, có Tỳ-kheo Cù-ca-lê là bè đảng Đề-bà-đạt-đa, đến chỗ Phật, đảnh lễ sát chân Phật, ngồi lui qua một bên. Bấy giờ, Thế Tôn bảo Tỳ-kheo Cù-ca-lê:

  • Này Cù-ca-lê, vì sao đối với phạm hạnh thanh tịnh của Xá-lợi-phất và Mục-kiền-liên, ngươi khởi tâm không thanh tịnh, để sẽ phải chịu khổ não lâu dài, không lợi ích.

Tỳ-kheo Cù-ca-lê bạch Phật:

  • Bạch Thế Tôn, nay con tin lời Thế Tôn, những điều đó là đúng. Nhưng tâm Xá-lợi-phất và Mục-kiền-liên có ác dục.

Nói như vậy lần thứ hai, lần thứ ba. Tỳ-kheo Cù-ca-lê thuộc bè đảng Đề-bà-đạt-đa ở chỗ Thế Tôn, trong khi nói lại lần thứ ba, chống đối, không nhận chịu, liền từ chỗ ngồi đứng dậy bỏ đi. Sau khi đứng dậy bỏ đi, khắp người ông nổi đầy mụt nhọt giống như trái lật, dần dần to lên như trái đào. Khi ấy Tỳ-kheo Cù-ca-lê đau đớn thống khổ, miệng kêu lên: Nóng quá! Nóng quá! Máu mủ chảy ra, thân hoại mạng chung, sanh vào địa ngục lớn Bát-đàm-ma.

Bấy giờ, có ba vị Thiên tử dung mạo tuyệt vời, vào lúc cuối đêm, đến chỗ Phật, cúi đầu lễ sát chân Phật, ngồi lui qua một bên. Lúc ấy, một Thiên tử bạch Phật:

  • Tỳ-kheo Cù-ca-lê thuộc bè đảng Đề-bà-đạt-đa nay mạng chung.

Thiên tử thứ hai thưa:

  • Chư tôn nên biết, Tỳ-kheo Cù-ca-lê mạng chung rơi vào địa ngục.

Thiên tử thứ ba liền nói kệ:

Con người sanh ở đời

Búa sanh từ trong miệng

Trở lại chém thân mình

Đó do lời nói ác.

Đáng chê lại khen ngợi

Đáng khen ngợi lại chê

Tội này sanh nơi miệng

Chết rơi vào đường ác.

Cờ bạc mất hết của

Phải quấy là lỗi lớn

Hủy Phật cùng Thanh văn

Thì đó là tội lớn.

Ba vị Thiên tử kia nói kệ này rồi liền biến mất.

(Kinh Tạp A-hàm, kinh số 1278)

Tỳ-kheo Cù-ca-lê trong pháp thoại là một điển hình về quả báo phỉ báng Thánh tăng. Cù-ca-lê tin theo lời Đề-bà-đạt-đa phỉ báng hai vị Thánh tăng thượng thủ là Xá-lợi-phất và Mục-kiền-liên tâm còn ác dục. Đức Phật đã thương xót ba lần khuyên can thôi phỉ báng, thành tâm hối lỗi để tránh hậu quả đau khổ lâu dài mà Tỳ-kheo Cù-ca-lê chẳng nghe, rốt cuộc chịu quả báo nặng nề.

Dĩ nhiên không phải do các ngài quở trách hay trừng phạt bởi các ngài vốn dĩ từ bi. Nguyên do chủ yếu vì người xúc phạm, vu khống, phỉ báng các bậc Thánh nên suy giảm công đức, mất hết phước báu mà bị đọa. Trong bối cảnh thế giới mà chúng ta đang sống là phàm thánh đồng cư, các bậc Thánh ít xuất hiện nhưng chẳng phải là không có, nên chăng cẩn trọng khi nhận xét, bình phẩm về ai đó mà ta chỉ nghe nói thôi chứ kỳ thực chưa thấy biết tỏ tường.

Hình ảnh lời nói ác (nói dối, nói ác, nói chia rẻ, nói xu nịnh) như búa sinh từ trong miệng có thể làm hại đến bản thân mình thật đáng cho người học Phật lưu tâm. Chỉ nói lời chân thật (với tâm chân thật, sự kiện chân thật), không nói lời hư vọng là một trong những pháp tu căn bản, phước báo vô lượng, nhất là trong bối cảnh khẩu nghiệp đang tung hoành trên mọi lĩnh vực của đạo pháp cũng như đời sống xã hội hiện nay.

QUẢNG TÁNH

CẬU BÉ ĂN XIN

Một ngày, sau khi hết tiết giảng và trở về văn phòng, bảo vệ đưa đến cho tôi một số tiền cùng hóa đơn thanh toán. Cả chục triệu đồng tiền nợ. Tôi thấy rất kỳ lạ, không nhớ nổi là đã cho ai mượn số tiền này. Nhìn vào cột người gửi, tôi thấy viết “Cậu bé ăn xin của 20 năm trước”… mọi kỷ niệm chợt ùa về. Tôi tự hỏi, chẳng lẽ là cậu bé đó sao?

20 năm trước, hồi đó mẹ tôi còn làm nghề bán hàng cơm cho học sinh ở cổng trường học. Bà thấy nhiều đứa trẻ rất khổ và đáng thương nên luôn làm những hộp cơm ngon hơn mà chỉ bán với giá rẻ. Vì thế học sinh đến mua cơm rất đông.

Tôi vừa tốt nghiệp đại học, đang chờ được phân công tác, nên đã ra phụ mẹ bán cơm. Trong một lần bận rộn phục vụ những em học sinh vừa tan học, tôi bỗng nhiên cảm thấy ai đó đi qua quệt phải lưng mình. Đó là một cậu bé chừng 10 tuổi, mặc một bộ quần áo mỏng, rách tả tơi, trong khi trời đã bắt đầu vào đông.

Khi đó, như đã rất quen thuộc, mẹ tôi liền mỉm cười rồi đưa cho cậu bé một hộp cơm. Không đợi tôi cầm hộ, cậu bé vội giật lấy cơm, ném tiền vào hộp rồi chạy mất. Một học sinh bên cạnh tức giận nói:

“Thằng ăn mày này toàn lừa tiền cơm, rất nhiều lần đều như vậy, nếu lần sau còn thế thì phải dạy cho nó một trận!”

Tôi ngạc nhiên kiểm tra lại hộp tiền, thì thấy quả thực là cậu bé chỉ đưa có 1 tờ 200 đồng.

Khi tôi trách mẹ quá sơ ý, bà nói:

“Mẹ biết mỗi lần thằng bé chỉ bỏ vào đó 1 tờ 200 đồng. Chỉ có điều ta cũng nên giữ đạo nghĩa. Đứa trẻ này đã mất cả cha lẫn mẹ, rất đáng thương, mẹ cũng chỉ có thể giúp nó đến như vậy.”

Tôi không đồng ý nói:

“Mẹ thật quá hồ đồ, đây mà là giúp cậu ta sao?”

Nhưng tôi chưa kịp nói xong thì đã bị mẹ la mắng. Tôi biết rõ là dù có nói gì cũng vô dụng, mẹ suốt ngày niệm Phật, chỉ một lòng muốn giúp người khác, nhưng lại không nghĩ sâu hơn. Thế là tôi đột nhiên muốn xử lý thật tốt chuyện này.

Ngày hôm sau, cậu bé ăn xin lại tới. Cậu ta vẫn giành lấy cơm như những lần trước, ra vẻ rất vội vàng và chuẩn bị ném tiền vào hộp. Lúc đó tôi thình lình nắm lấy tay cậu… tờ tiền ít ỏi rơi ra ngoài. Mọi người đều quay lại nhìn, làm cậu bé rất bối rối, xấu hổ, và chực khóc.

Lúc đó tôi cười nói: “Mua như vậy thì không đủ ăn đâu! Em cứ lấy cơm đi, phần còn thiếu sau này hãy trả”. Nói xong tôi thả tay cậu ra.

Cậu bé sợ hãi cầm hộp cơm, ánh mắt tràn đầy nghi hoặc.

Tôi lại bảo: “Đi đi, anh biết rõ em nhất định sẽ trả! Nhớ nhé! Sau này phải trả cả vốn lẫn lãi!”

Cậu bé suy nghĩ mất một lúc, rồi sau đó im lặng quay người, đi thẳng từng bước một, chứ không còn chạy như trước kia nữa.

Kể từ đó, cậu vẫn thường đến ăn, và trả 200 đồng…

Đang suy nghĩ miên man thì anh Trương lại vội vã quay lại nói với tôi: “Tôi quên! Còn một phong thư nữa!”

Nhận lấy phong thư, tôi vội vàng mở ra đọc. Trong thư viết:

“Tôi cuối cùng đã tìm được địa chỉ của anh. Suốt bao năm tìm kiếm, tôi mới có thể đem tiền trả lại, mới có thể hoàn lại ân tình 20 năm về trước. Lúc đó tôi đã lang thang khắp nơi, thường xuyên chịu đói rét. Một lần tôi tới cổng trường học giả vờ mua một hộp cơm. Tôi ném thử tờ 200 đồng vào hộp rồi nói xin mua cơm. Lúc đó tôi nghĩ, dù có bị phát hiện đi nữa thì dì bán cơm cũng rất hiền lành, sẽ không trừng phạt tôi. Nhưng dì cũng không phát hiện ra, tủm tỉm cười rồi đưa tôi một hộp.

Sau đó tôi bắt đầu dựa vào thủ đoạn và mánh khóe để có được bữa ăn. Tôi cảm thấy người tốt trong xã hội rất dễ bị lừa. Tôi thường xuyên nói dối, và trộm đồ trong hành lang, còn định trộm cả trong cửa hàng nữa. Lần đó khi bị anh tóm lấy, tôi đã nghĩ mình vậy là xong rồi, bị đánh rồi. Nhưng tôi đã không phải chịu trận đòn nào, mà lại còn được anh thả đi. Những lời nói của anh đã bảo vệ danh dự cho tôi, khơi dậy trong tôi mong muốn làm người tốt thực sự. Trong những năm sau này, mỗi khi nhớ đến ánh mắt của anh, tôi lại có thể tránh xa những điều xấu. Và dù phải tìm kiếm khắp nơi, dù phải đi bao xa, mất bao nhiêu thời gian, tôi vẫn muốn hoàn thành lời hẹn ước cũ.”

Và sự thành thật của cậu bé ăn xin cuối cùng đã được đền đáp…

“Một ngày nọ, khi nhìn thấy tôi ngồi co ro vì giá rét, một phụ nữ đã trở về nhà mang cho tôi mấy chiếc áo. Sau đó tôi phát hiện trong túi áo có rất nhiều tiền. Lúc đó tôi rất đói, rất muốn giữ lại số tiền này, nhưng ánh mắt của anh lại hiện lên làm tôi thay đổi ý nghĩ. Tôi phải mất cả ngày mới tìm được nhà người phụ nữ nọ. Hai vợ chồng họ đã rất ngạc nhiên khi nhìn thấy tôi tới trả lại tiền. Họ khóc nức nở ôm tôi vào lòng, rồi liên tục nói tôi là đứa trẻ tốt. Khi đó con gái hai vợ chồng vừa bị bệnh mà qua đời, tôi may mắn trở thành con nuôi của họ. Cuộc sống từ đó trở nên tốt hơn, tôi được cha mẹ nuôi thương yêu hết mực, được đi học. Giờ tôi đã trở thành giáo viên…”

Đúng là cậu ta! Quả là một niềm vui ấm áp. Tôi thầm cảm thấy may mắn vì đã không vô tình hủy hoại một con người. Cậu bé ăn xin học được đức tính thành thật ngay thẳng, vì vậy mà đã gặp một gia đình tốt.

Giờ đây đứng trên bục giảng, chắc chắn cậu bé ăn xin năm xưa sẽ nói với học sinh của mình rằng: “Chỉ có thành thật mới mang lại hạnh phúc!”

Nguồn TINH HOA

TRỞ VỀ VỚI CHÍNH MÌNH

 Mục đích sau cùng của những khó khăn và thử thách trong cuộc đời này dạy cho ta về một bài học quan trọng, ấy là hãy trở lại với chính mình để thấy mình. Những người mà ta nghĩ rằng họ mang khổ đau cho ta đơn thuần đóng vai trò là Nhân duyên. Về bản chất, họ không thể mang đến khổ não cho ta. Họ tương tác với ta và thông qua trải nghiệm tương tác ấy với họ, thái độ của ta được biểu hiện như thế nào. Và thấy nội tâm như nó đang là tức là Buông xả hay Chánh niệm.

Có thể trong quá khứ hay chính trong hiện tại này, Bạn vẫn đang thầm trách móc hay thậm chí sân hận một ai đó vì tin rằng họ đã gieo rắc tổn thương và đau khổ cho Bạn. Khổ não ấy cứ âm ỉ trong bạn như một vết dao cứa thật sâu vào tim, để mỗi khi nghĩ về, nó lại rỉ máu. Nhưng về bản chất, không một ai trong cuộc đời này là lý do chính yếu cho sự tổn thương của chúng ta. Họ đến với ta đơn thuần là Nhân duyên, vì một sợi dây gắn kết nào đó từ những đời trước, nay cả hai gặp lại để tiếp tục trải nghiệm và học hỏi cùng nhau. Tất cả Nhân duyên đã và đang có mặt với ta chỉ để ta nhận ra một sự thật tối hậu rằng thái độ của chúng ta trước mọi sự việc mới là nguyên nhân cốt lõi cho mọi trạng thái mà ta đã và đang trải qua.

Có một người phụ nữ góa chồng, dù đã đầu hai thứ tóc nhưng trên khuôn mặt Bà tỏa ra nguồn năng lượng thanh thản và tự tại thật khó lý giải. Nhưng, người ta kể rằng trong một thời gian dài, Bà sống cùng cậu con trai cả suốt ngày phàn nàn và hay nổi giận. Anh có thể mắng nhiếc Bà và đập đồ bất cứ lúc nào mà không mảy may một chút nghĩ suy. Bởi anh ta luôn đổ lỗi cho Bà vì Bà đã sinh ra anh với đôi chân tật nguyền, vì Bà mà cuộc đời của anh thật khốn khổ.

Nhưng đổi lại, người phụ nữ ấy vẫn suốt ngày chăm lo và quan tâm anh hết mực. Không một ai từng chứng kiến người phụ nữ than vãn, kêu ca. Người ta thán phục trước thái độ bình tĩnh và bao dung của Bà. Rồi một vị khách đi ngang qua làng biết chuyện, ghé thăm nhà Bà và hỏi tại sao Bà có thể chịu đựng giỏi đến thế, Bà đáp:

Con trai và tôi có nhân duyên từ nhiều kiếp trước và kiếp này gặp gỡ để tiếp tục trải nghiệm và học hỏi cùng nhau. Người ta thường nghĩ rằng tôi bất hạnh, nhưng tôi lại cảm thấy vô cùng may mắn. Nhờ gặp gỡ con trai, tôi biết nhẫn nại, biết bao dung, biết quan tâm, chăm lo, cho đi với một thái độ hoàn toàn sáng suốt. Nếu không có cuộc gặp gỡ này, làm sao tôi có thể học sâu sắc bài học ấy. Làm sao tôi có thể ung dung tự tại giữa những khổ đau mà người đời gán cho.

Cuộc đời luôn có sóng gió và hãy là người lướt trên sóng gió ấy, cậu sẽ cảm thấy đau khổ cũng như hạnh phúc, chúng hoàn toàn giống nhau. Chúng luân phiên nhau trong cuộc đời ta để dạy cho ta bài học rằng tất cả chỉ là một sự ảo tưởng. Chỉ có cái tâm rỗng lặng, thanh tịnh mới hoàn toàn chân thật mà thôi.

Có lẽ trong cuộc đời, Bạn đã từng nhìn vào một ai đó sung sướng hạnh phúc để rồi ghen tỵ và quay ra chán ghét cuộc đời mình. Thế nhưng, Bạn có biết rằng đau khổ mới là bài học hoàn hảo cho sự Giác ngộ. Và chính vậy, đau khổ là món quà tuyệt vời hơn hạnh phúc nhiều lần.

Nói vậy không phải để ám chỉ hay khuyến khích ta hãy tìm đến đau khổ mà để ta nhận ra một thông điệp quý giá rằng đau khổ thực sự mới là chất xúc tác hiệu quả để mỗi người tìm về chính mình và nhận ra chân lý.

Tìm về chính mình có nghĩa là biết sống trong thực tại, biết nhận diện những cảm xúc của chính mình mà không một oán trách hay phê phán. Chỉ đơn thuần là có mặt với trạng thái ấy mà thôi, dù trạng thái có khó chịu đến đâu đi chăng nữa.

Như người phụ nữ già trên, Bà luôn hiện diện với chính mình trong khi chăm sóc cậu con trai. Bà hiện diện với chính mình để không đánh mất chính mình và Bà có mặt với thực tại để không trốn tránh những trách nhiệm và nghĩa vụ của một người Mẹ. Bà không chịu đựng bất cứ điều gì như ai đó nghĩ, Bà đơn thuần làm mọi thứ tự nhiên với cái tâm trong sáng.

Cuộc đời là hoàn hảo. Hạnh phúc cũng hoàn hảo. Mà khổ đau cũng hoàn hảo. Chỉ bản ngã là luôn thích phán xét đúng sai, so sánh được hơn, hay yêu cái này ghét cái kia… Bản ngã tự chính nó tạo ra đau khổ, chứ không phải một ai mang đến đau khổ cho ta.

Khi bản ngã được tháo gỡ, thì không một đau khổ nào có thể phát sinh, không một phiền não nào trong tâm nữa. Lúc này, đơn thuần chỉ có một cái tâm rỗng lặng mà thôi. Nó vượt qua tất cả mọi cặp nhị nguyên của cuộc đời rộng lớn này.

Trang PS

ĐỪNG ĐỂ MẤT PHƯỚC BÁU LỚN NHẤT


Từ Châu Âu, tôi sang Mỹ. Hình như là năm 1988. Lúc đó chị gái tôi đang
sống ở San Bernadino, California. Chị tôi đang bị ung thư giai đoạn cuối. Rất
yếu rồi nhưng chị luôn mỉm cười. Tôi sang ở với chị và chăm sóc chị cho đến
lúc chị qua đời. Sau đó, tôi đi thăm các chùa khắp California và Mỹ. Hồi đó
không có nhiều chùa lắm. Khắp California chỉ có vài chùa lớn.
Vòng quanh châu Âu rồi sang Mỹ, tôi thấy rõ con người các quốc gia, các
châu lục là nhóm tập khí, nhóm nghiệp khác nhau.
Họ biểu hiện ra khác nhau nhưng họ giống nhau là đều bị nghiệp lực lôi
kéo vào khổ.
Cái khổ của họ giống nhau.
Cái tham, sân, và luyến ái của họ giống nhau.
Sự dính mắc giống nhau. Họ theo đuổi tiền bạc, tình yêu – và khổ nhiều
vì chúng.
Nếu họ bỏ thế gian để theo đuổi tôn giáo, tâm linh thì lại cũng có tham
và dính mắc trong tâm linh. Vẫn là khổ.
Chân pháp, tức sự thật, thì vượt lên cả hai – cả đường lối tâm linh, tôn
giáo. Thế nên chân Pháp có thể giúp con người thuộc mọi văn hoá, mọi đất
nước, mọi tôn giáo một cách không phân biệt. Chân pháp thì không phụ
thuộc vào văn hoá, quốc gia.
Đi qua các văn hoá khác nhau giúp tôi hiểu cách sống của con người để
có thể giúp đỡ họ tuỳ theo nghiệp của họ, tức là tuỳ chỗ mà họ mắc kẹt. Sống
ở Mỹ giúp tôi trở nên linh động hơn nhiều so với hồi ở Thái. Người Mỹ thích
ôm hôn khi chào hỏi người thân. Họ ôm hôn cả nhà sư hay linh mục mà họ
thân thiết. Bà hàng xóm của tôi, Barbara, mỗi khi gặp tôi đều ôm lấy tôi. Các
Phật tử Mỹ cũng thế. Ở Thái thì Phật tử không được phép chạm vào nhà sư.
Phật tử nữ thì không được ngồi gần chư Tăng. Ở Mỹ, có lúc tôi còn đá bóng
cho khoẻ người ( cười ). Ở Thái thì chư Tăng không được đá bóng.
Sau khi chị tôi qua đời, tôi rời Mỹ trở lại châu Á nhưng chưa về Thái. Tôi
đi thăm Singapore, Malaysia và Indonesia. Ở những nơi này, mỗi lần tôi
giảng pháp đều có cả ngàn người tới nghe. Tôi không rõ làm sao họ biết. Lúc
đó không có Internet nhưng họ vẫn biết.
Ở những nơi này, người dân theo nhiều tôn giáo. Đạo Phật, đạo Thiên
Chúa, đạo Hồi, đạo địa phương. Tôi không nói pháp gì cao siêu. Tôi nói
những điều đơn giản trong cuộc sống. Tôi nói bản chất cuộc sống thế gian là
gì. Tại sao chúng ta không nên ảo tưởng và dính mắc vào đời sống thế gian,
từ cái ăn, cái mặc, cái ở, các mối quan hệ, rồi tiền bạc, danh tiếng.
Đời sống này thực sự liên tục biến đổi theo duyên và đi qua rất nhanh,
nó không bao giờ mang lại sự toại nguyện hay hạnh phúc đích thực. Cuộc
đời ta có thể đang rất ổn thỏa nhưng khi đủ duyên thì nó lập tức biến đổi.
Sự ổn thoả đột ngột biến mất và rắc rối ập xuống, chồng chất. Hôm nay khoẻ,
mai ốm quỵ. Hôm nay có mọi thứ, mai mất mọi thứ. Nếu ta không chuẩn bị
để tâm an ổn trong mọi biến cố lên xuống thịnh suy của đời sống thì ta sẽ
luôn vật vã trong các cơn sóng khổ đau. Nếu ta không tìm Pháp, không tìm
sự thật để có bình an nội tâm thì ta đang để mất phước báu lớn nhất khi
được sinh ra làm người. Hãy dùng đời sống làm người này để tìm ra hạnh
phúc đích thực. Hạnh phúc đích thực sẽ đến khi thấu pháp. Khi thấy sự thật.
Một đời sống không có pháp làm nền tảng sẽ đau khổ rất nhiều.
Trích Chương 13 – Châu Mỹ và Châu Á
Tác Phẩm: Trái Tim Không
Thiền Sư: Yantra Amaro