DỄ ƯỚC LƯỢNG, KHÓ ƯỚC LƯỢNG và Không Thể Ước Lượng

Một thời Thế Tôn trú ở Sàvatthi, tại vườn ông Anàthapindika. Lúc bấy
giờ, Thế Tôn gọi các Tỷ-kheo:
Này các Tỷ-kheo, có ba hạng người này có mặt, xuất hiện ở đời. Thế nào
là ba? Dễ ước lượng, khó ước lượng và không thể ước lượng.
Thế nào là hạng người dễ ước lượng?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người tháo động, kiêu căng, lắm mồm
lắm miệng, thất niệm, không tỉnh giác, tâm tán loạn, các căn buông thả. Này
các Tỷ-kheo, đây gọi là người dễ ước lượng.
Thế nào là hạng người khó ước lượng?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người không tháo động, không kiêu
căng, không lắm mồm lắm miệng, trú niệm, tỉnh giác, nhất tâm, các căn được
bảo vệ. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là người khó ước lượng.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là hạng người không thể ước lượng?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, bậc A-la-hán các lậu hoặc đã được đoạn tận. Này
các Tỷ-kheo, đây gọi là hạng người không thể ước lượng.
(ĐTKVN, Tăng Chi Bộ I, chương 3, phẩm Đọa xứ, phần Không thể ước lượng)
LỜI BÀN:
Tất cả mọi biểu hiện qua hành vi, ngôn ngữ trong đời sống của con người
đều được điều động, sắp xếp và chi phối từ trong tâm ý. Đức Phật từng chỉ
rõ “Ý dẫn đầu các pháp” (Pháp Cú) hay “Tất cả do tâm tạo” (Hoa Nghiêm)
để nói lên hoạt dụng vô cùng tận của tâm ý.
Khi một người chưa thiết lập được chánh niệm thì tâm ý họ luôn rong
ruổi theo trần, vọng động không ngừng khi đối duyên xúc cảnh. Với một
đời sống hướng ngoại hoàn toàn, những người này rất dễ dàng bị ngoại cảnh
cuốn hút, chi phối, vui buồn với những điều mắt thấy, tai nghe. Cũng vì
thiếu hướng nội nên đời sống của họ dần dần trở nên hời hợt, đánh mất sự
vững chãi, sâu lắng và nhất là đánh mất cơ hội quán sát sâu sắc vào bên
trong những biểu hiện bình thường của cuộc sống để hiểu nhau hơn. Do vậy,
Thế Tôn gọi những người này là dễ ước lượng, dễ đo lường vì tâm họ theo
cảnh mà phơi bày hết ra ngoài qua tham vọng, tật đố, si mê và tất cả phiền
não nói chung.
Đối với người biết trú niệm, luôn chánh niệm tỉnh giác và hộ trì các căn
thì họ không giao động theo hoàn cảnh bên ngoài. Mặc dù tiếp xúc đầy đủ
với mọi biến động của ngoại cảnh nhưng tâm họ vẫn bình an, bất động.
Hạng người này luôn sống trong ung dung, tỉnh lặng mà sáng suốt tinh
tường mọi sự. Không biểu hiện cảm xúc thái quá, an nhiên với mọi biến động
nên khó mà biết được tâm ý của hạng người này.
Hạng người thứ ba, bậc A-la-hán đã diệt tận mọi lậu hoặc an trụ tâm siêu
thế của các bậc Thánh nên không thể lấy suy xét phàm tình để đo lường,
đánh giá hay “hiểu” được các ngài. Không chỉ loài người mà tất cả các loài
khác như chư thiên, quỷ thần cũng không tìm ra dấu vết của những bậc đã
an trụ tâm nơi vô sở trụ, thể nhập tánh Không, tuệ giác vô ngã. Do vậy, Thế
Tôn mới gọi các bậc Thánh là không thể ước lượng.
QUẢNG TÁNH

NGƯỜI CÓ PHƯỚC ĐỨC THẬT SỰ LÀ NGƯỜI NHƯ THẾ NÀO ?


Người có phước đức thường được hiểu là những người có dung mạo
đoan chánh, xinh đẹp. Những người này có sự giàu sang, quyền quý và sở
hữu nhiều tài sản, cuộc sống ấm no, hạnh phúc và ít tai nạn, bệnh tật. Một
số lại có địa vị xã hội cao quý và được mọi người quý trọng.
Thật ra, đây chỉ là một chuỗi nhân – quả của nhiều sự việc, hành vi, suy
nghĩ và việc làm của người đó trong nhiều đời.
Nếu xem đây là người có phước đức thì cũng chưa thật sự toàn diện và
đúng đắn. Có lần, Đức Phật cùng các vị tỳ kheo ngang qua một khu trang
trại rộng lớn, thấy ông chủ trại giàu có khổ não, đau buồn vì bị mất những
con bò.
Đức phật dạy:
“Các ông có phước đức hơn ông chủ trại giàu có kia, bởi vì các ông chẳng
sở hữu gì cả, chẳng có gì trói buộc cả. Còn ông nhà giàu kia luôn có đủ thứ
để lo lắng, phiền muộn”.
Người có phước đức, bồ tát trợ giúp, chư thiên hộ vệ và chư phật hộ niệm
không phải là người không bao giờ gặp các tai nạn, khổ não và phiền muộn.
Mà những người này vẫn gặp các rắc rối, khổ não và đau buồn ở cuộc đời
như những người bình thường khác, nhưng có một cái khác biệt là thông
qua những cái khổ như vậy, những người có phước đức thì họ giác ngộ, họ
vượt qua được và có được sự hiểu biết đúng đắn, tức là có được chánh kiến.
Những người không có đủ phước đức, trí tuệ thì họ đắm chìm trong khổ
đau và đọa lạc trong cảnh giới bất thiện, họ chẳng giác ngộ mà ngày càng
chìm đắm sâu hơn trong cảnh khổ.
Đây thực sự là điều khác biệt giữa người có phước đức và người không
có đủ phước đức. Như thế, Phước đức ở đây chính là Phước Trí vậy!!
Bề ngoài tuy có sự khác biệt về tài sản, về vật chất, về địa vị xã hội nhưng
những thứ đó đều không thật sự quan trọng, điều cốt yếu ở đây là tùy mỗi
hoàn cảnh mà người sống, người có phước đức thì mỗi mỗi đều là có được
sự giác ngộ về hoàn cảnh, cuộc sống của chính mình.
Phước đức ở đây chính là trí tuệ để có thể thấu cảm và nhìn ra được sự
thật ở trong chính cuộc đời của mình và từ đó mà tăng trưởng thiện căn,
phước lành và trí tuệ.
Hướng đến sự giải thoát khỏi khổ đau, phiền muộn, hạnh phúc và sướng
vui.
Giới Đinh Tuệ
Namo Buddhaya

TÊN CƯỚP VÀ VỊ BÁC SĨ

Một tên cướp lẻn được vào nhà vị bác sĩ duy nhất trong vùng, người mà hắn tin rằng rất giàu có, dự định chờ ông ngủ sẽ khống chế, bắt ông đưa của cải cho hắn, rồi sẽ giết ông để giữ bí mật.

Tên cướp đợi mãi mà vẫn thấy ông làm việc, chưa đi ngủ. Trời đã 1 giờ khuya, đột nhiên có điện thoại gọi báo một đứa trẻ làng bên kia núi đang bệnh rất nặng, nhờ ông cứu giúp.

Lúc bấy giờ là mùa đông, bão tuyết vần vũ, làng đứa trẻ bị bệnh lại cách xa một quả núi, đi đến đó rất nguy hiểm, đêm tối, trượt chân xuống khe núi thiệt mạng là điều rất có thể xảy ra, mà ông đã có một ngày quá mệt mỏi.

Gác điện thoại, vị bác sĩ thở dài đi đến giường nghỉ. Nhưng rồi ông lẩm bẩm, nếu mình không đi ngay bây giờ lỡ đứa trẻ có thể chết thì sao?

Ông mặc thêm áo, cầm theo cây đèn bão, ông mở cửa, ra đi. Dáng liêu xiêu trong đêm gió tuyết …

Sáng hôm sau khi ông bác sĩ trở về, tên cướp đón ông ngay trước cửa nhà, sụp xuống dưới chân ông: “Ông có biết tôi chờ ông suốt từ đêm qua tới giờ không?”

“Anh hãy vào nhà ngồi đi, để tôi khám cho anh!”, bác sĩ nói.

Tên cướp trả lời:

“Không! Tôi không phải là bệnh nhân của ông. Tôi là một tên cướp. Đêm qua tôi đã ẩn nấp trong nhà ông. Tôi muốn bắt ông khai ra chỗ giấu của cải và sẽ giết ông. Nhưng đêm qua giữa trời gió tuyết, ông đã bất chấp nguy hiểm và cái chết để đi chữa bệnh cho một đứa bé. Tôi đã rất hổ thẹn.

Ngay khi ông ra đi trong đêm, ông không chỉ cứu đứa trẻ làng bên kia, mà còn cứu chính bản thân ông. Và ông biết không?

Ông còn cứu cả tôi nữa.”

Sưu tầm

THẤY “TÁNH GIÀ NẰM TRONG TUỔI TRẺ” THÌ KHÔNG SỢ TUỔI GIÀ

Một thời Thế Tôn trú ở Sàvatthi, tại Pubbàràma, trong lâu đài của mẹ Migàra. Lúc bấy giờ vào buổi chiều, Thế Tôn từ chỗ độc cư đứng dậy, ngồi sưởi ấm lưng trong ánh nắng phương Tây. Rồi Tôn giả Ananda đi đến, sau khi đảnh lễ, xoa bóp chân tay cho Thế Tôn, thưa rằng:

Bạch Thế Tôn, thật kinh hoàng thay, thật kỳ dị thay, màu da Thế Tôn nay không còn trong sáng; chân tay rả rời, nhăn nheo; thân được thấy còm về phía trước; các căn đang bị đổi khác, nhãn căn, nhĩ căn, tỷ căn, thiệt căn và thân căn.

Sự thể là như vậy, này Ananda, tánh già nằm trong tuổi trẻ; tánh bệnh ở trong sức khỏe; tánh chết nằm trong sự sống. Như vậy, màu da nay không còn trong sáng; chân tay rả rời, nhăn nheo; thân được thấy còm về phía trước; các căn đang bị đổi khác, nhãn căn, nhĩ căn, tỷ căn, thiệt căn và thân căn.

Thế Tôn lại nói thêm:

Bất hạnh thay tuổi già! Đáng sợ thay cuộc sống! Tuổi già làm phai nhạt sắc diện của màu da. Hình bóng ngày xưa khả ý, nay già đã phá tan! Ai sống được trăm tuổi, cuối cùng cũng phải chết, không bỏ sót một ai, tất cả bị phá sập.

(ĐTKVN, Tương Ưng Bộ V, chương 4, phẩm Về già, phần Già)

LỜI BÀN:

Sanh già bệnh chết là một quy luật của tạo hóa, là thân phận của kiếp người. Dù thành công hay thất bại trong cuộc nhân sinh ba vạn sáu ngàn ngày, ai cũng chợt đượm buồn khi tuổi đời xế bóng. Hoàng hôn và màu tím hiu hắt không còn thơ mộng mà bao trùm nổi buồn man mác khi cuộc đời đã về chiều.

Tuổi già, có lẽ không ai muốn mình già nhưng mà cái gì đến ắt phải đến. Con người có thể chạy trốn được nhiều thứ nhưng không thể chạy trốn thân phận. Tuổi già là tuổi của kinh nghiệm, hoài niệm và tiếc nuối. Giàu kinh nghiệm làm cho người già luôn hoài nghi và thận trọng, nhiều hoài niệm vì đã qua rồi một thời vang bóng và tiếc nuối vì còn nhiều việc chưa làm được khi lực bất tòng tâm. Nhưng ưu tư lớn nhất của người già sức khỏe. Đâu rồi mái tóc xanh, làn da trơn láng mịn màng và những bước chân thoăn thoắt của một thời xẻ núi ngăn sông. Chỉ còn lại đây những bước chân run dưới tấm thân còng theo năm tháng, đôi mắt xanh mơ màng nay đã mờ đục, má hồng lỗ chỗ đồi mồi, mái đầu bạc phất phơ như những lằn vôi trắng xóa dần đi cả một đời người. Đa phần những người già đều lạc quan vì họ đã hoàn thành nhiệm vụ, đã tạo dựng nên những thế hệ kế thừa. Song chẳng có gì ngạc nhiên khi người già thường bệnh, hay buồn và có phần khó tính vì đó vốn dĩ là những thuộc tính của tuổi già.

Điều thú vị ở đây là Thế Tôn đã nhìn thấy được sự già nua ẩn tàng trong tuổi trẻ, mầm mống của bệnh tật len lỏi trong sức khỏe và cả cái chết tiềm tàng trong sự sống. Chính nhận thức về con người và thân phận với tuệ giác như vậy nên Thế Tôn cùng hàng đệ tử của Ngài an nhiên, tự tại. Không tự hào, kiêu căng và ỷ lại khi trẻ trung, khỏe mạnh đồng thời cũng không bi quan, chán nản và khổ đau khi tuổi xế chiều.

Tuổi già thì thường đau yếu và bệnh tật, già nua tàn phá ý chí và dung nhan, tuổi già là đèn xanh của thần chết. Vì vậy, những người con Phật phải biết trân quý tuổi trẻ và sức khỏe. Ai cũng sẽ già và phải chết nên cần làm ngay tất cả những gì cần thiết trong khi còn có thể.

QUẢNG TÁNH

HÃY TRÁNH XA LỬA DỮ

Một người mang vác đầy cỏ khô luôn phải tìm mọi cách tránh xa ngọn lửa; gần lửa, cỏ khô sẽ bắt lửa, cháy rụi.

Một người chọn cho mình sự lương thiện để mang theo đi qua thế gian, cũng giống như người mang vác đầy cỏ khô bên mình, phải luôn tìm mọi cách tránh xa những phù phiếm của người đời”.

(Trích Kinh 42 Chương)

Gom góp bao nhiêu niềm tin, chỉ cần một lần người ném trả lại ngọn lửa phụ-bạc là cháy hết. Gom góp bao nhiêu yêu thương, chỉ cần một lần người ném trả lại ngọn lửa hận-thù là cháy rụi. Góm góp bao nhiêu lời ái ngữ, chỉ cần một lần người ném trả lại ngọn lửa ác khẩu là cháy tan…

Có những điều thiện lành mong manh như cỏ khô, mà lòng người đời lại như lửa dữ.

Thế gian này đang cháy. Cháy lên bởi lòng hận thù va vào nhau. Cháy lên bởi lòng tham không cùng tận. Cháy lên bởi những toan tính cho riêng mình.

Thế gian này đang cháy, cháy lên để tồn tại, vì cuộc đời này tồn tại theo cách đó. Như những thanh củi chất lên nhau để duy trì ngọn lửa, những vui buồn hận thù thứ tha phụ bạc… đan vào nhau làm nên cuộc đời.

Lòng người như ngọn lửa.

Lòng Từ như ngọn lửa, ấm trong những ngày bất an.

Lòng Tham cũng như ngọn lửa, thiêu rụi hết mọi thứ, không bao nhiêu củi cho đủ với ngọn lửa tham, cả khu rừng không đủ, cả thế gian cũng không đủ.

Nước biển ngoài kia cũng mặn như nước mắt người.

Thế gian này đang cháy, cháy để ấm và cháy lên để mà hoại diệt.

Mong thế gian đừng là lửa dữ?

Hay mong những thiện lành trong lòng đừng mong manh như cỏ khô?

Chỉ mong một ngày, những thiện lành trong lòng không còn mong manh như cỏ khô.

Vô Thường.

Chùa Bé Bé. Phan Thiết. 17.11.2016.

Om Mani Padme Hum

P/s: Này Người! Đi đâu làm gì cũng nghĩ mình là con của Phật…

HÃY LUÔN KHIÊM TỐN, NHÃ NHẶN, YÊU THƯƠNG VÀ TÔN TRỌNG

Một nữ công nhân làm việc tại nhà máy chế biến đông lạnh. Ngày hôm ấy, sau khi hoàn thành công việc, như thường lệ cô đi vào kho đông lạnh để kiểm tra một chút. Đột nhiên, cửa phòng lại bị đóng và khóa lại, cô bị nhốt ở bên trong mà không một ai biết.

Cô vừa hét khản cổ họng vừa đập cửa với hy vọng có người nghe được tiếng mình mà đến cứu nhưng vẫn không có ai nghe thấy. Lúc này tất cả công nhân đã tan ca, toàn bộ nhà máy đều yên tĩnh.

Sau 6 giờ chiều hôm ấy, nữ công nhân lạnh cóng người, tuyệt vọng và đau khổ… Đang lúc cô tưởng như không chịu đựng được nữa thì bất ngờ được người bảo vệ đến mở cửa cứu ra ngoài.

Hôm sau, cô gái hỏi người bảo vệ tại sao lại biết mình ở trong đó để đến mở cửa, mặc dù đây không phải khu vực mà ông ấy quản lý.

Người bảo vệ trả lời: “Tôi làm việc ở nhà máy này đã 35 năm rồi. Mỗi ngày đều có mấy trăm công nhân ra ra vào vào. Nhưng cô là người duy nhất mà ngày nào sáng sớm đi làm cũng chào hỏi tôi và buổi tối tan làm lại chào tạm biệt tôi trong khi có rất nhiều người xem như không nhìn thấy tôi vậy!

Hôm nay, tôi biết rõ ràng buổi sáng cô có đi làm bởi vì sáng sớm cô còn nói “cháu chào bác!”

Nhưng sau khi tan làm buổi chiều, tôi lại không nghe thấy tiếng cô chào: “Tạm biệt bác, hẹn ngày mai gặp lại!”

Thế là tôi quyết định đi vào trong nhà xưởng tìm xem xem thế nào.

Tôi đi đến những chỗ góc hẻo lánh tìm cô và cuối cùng lại nghe thấy tiếng khóc và tìm thấy cô ở trong kho đông lạnh…“

Hãy luôn khiêm tốn nhã nhặn, yêu thương và tôn trọng những người xung quanh mình bởi vì bạn không thể biết được sự tình gì sẽ xuất hiện vào ngày mai!

( Sưu tầm )

ĐỪNG VÌ CÁI SAI CỦA NGƯỜI Mà Đánh Mất Đi Cái Thiện Của Mình

Phàm sanh ra làm kiếp con người không ai có thể tránh khỏi những thị phi khen chê, những phỉ báng vu khống, những hàm oan cay nghiệt. Cho nên Cổ Đức thường nói rằng:

“Không có ai chẳng bị người khác chỉ trích, chê bai sau lưng, nhưng ở trước mặt người ta không nói ra mà thôi”.

Đối với những thị phi, vu oan, phỉ báng này nếu chúng ta không sáng suốt bình tĩnh, không có tu dưỡng đàng hoàng thì rất dễ dàng xao động mà phát sanh phiền não, gây chướng ngại trên đường tu hành. Cho nên, khi đứng trước những thị phi, vu oan, phỉ báng, hãm hại này ta nên an nhẫn mà vượt qua, không nên đi đôi co tranh chấp hơn thua cùng người. Vì sao?

Vì người cố tình vu oan, phỉ báng, lôi kéo thị phi với ta là người đã sai, nay ta chỉ vì cái sai này của người mà đánh mất đi cái thiện, cái thanh tịnh của ta, vậy có đáng hay không?

Tranh cải hơn thua cùng người chỉ thoả mãn cái bản Ngã của ta lúc đó mà thôi, nhưng hậu quả thì sao?

Phật tại trong Kinh nói cho chúng ta biết:

“Một niệm sân tâm khởi, ngàn vạn chướng môn khai”.

Chỉ vì một niệm sân hận nổi lên, ta liền muốn cùng người đôi co, tranh luận hơn thua để rồi các cửa chướng ngại đều mở ra, công phu Thiền-Định trong phút chốt đều mất sạch, tâm thanh tịnh theo đó cũng tiêu tan, bản tánh lương thiện của ta chỉ vì cái sai của người mà đành đánh mất đi. Vậy thì cái được không đủ để bù vào cái mất, quả thật là không đáng không đáng.

Hễ là con người ai cũng thích lời khen, ghét tiếng chê, rất ưa thích bới móc chuyện của người nhưng lại không dè chính bản thân mình cũng đầy những tội lỗi, không có chi là tốt đẹp.

Cho nên chúng ta là những người tu hành chân chánh cần phải giữ vững lập trường của chính mình, càng nên tin sâu lý Nhân-Quả, đừng để chính mình bị xao động bởi những tiếng hay, dở bên ngoài.

Kinh Pháp Cú nói rằng:

“Ngọn núi cao đứng vững giữa cơn giông tố.

Người chân chánh an nhiên giữa tiếng thị phi”.

Chúng ta phải hiểu rằng, tất cả những tiếng khen chê bên ngoài không thể làm cho ta tốt hoặc xấu, siêu hay đọa, mà tốt hay xấu, siêu hay đọa là do ở chính ta. Nếu ta biết đọan ác tu thiện, chuyên gây tạo cái nhân thiện lành, thì dù người có khinh khi là xấu xa tội ác, đến cuối cùng ta vẫn được siêu thăng. Trái lại, ta gây nhân ác, tuy được người quý trọng ngợi khen, nhưng đến cuối cùng ta vẫn phải chịu đọa lạc.

Ví như tờ giấy trắng bị vết mực làm lem, nếu cứ để yên thì nó chỉ bị dơ một chỗ đó thôi, rồi lần lần theo thời gian sẽ dần phai nhạt đi. Nếu lấy đồ lau chùi tất sẽ hoen ố cả toàn diện.

Hãy để tất cả những thị phi khinh báng đó trôi theo dòng thời gian, rồi lần lần tan biến vào hư không.

Hãy biết trân trọng khoảng thời gian quý báo của mình mà quyết tâm tu học cho thật tốt, đừng để thời gian của chính mình trôi qua một cách vô ích trên những phiền não thị phi, để rồi một ngày kia thảng thốt nhìn lại mà giật mình sợ hãi tự hỏi rằng:

“Đã bao mùa xuân đã trôi qua, sao ta còn chưa tu tập?”

A Di Đà Phật!