BUÔNG BỎ CHỨ KHÔNG PHẢI TỪ BỎ


Buông bỏ những thứ không thuộc về mình, Buông bỏ những Phiền não là
điều ai cũng nên làm để Tâm tịnh, Lòng an.
“Buông bỏ” không phải là “Từ bỏ”, bản chất của hai chữ này không giống
nhau, kết quả cũng khác nhau.
Chọn ‘Buông bỏ’ hay ‘Từ bỏ’ là cách Bạn quyết định cuộc đời mình Hạnh phúc
hay Lụi tàn…
Buông bỏ chính là khi bản thân ta thực sự không Buông bỏ được mà phải tìm
đến sự trốn tránh.
Người khôn biết phải Buông bỏ, kẻ dại chỉ có Từ bỏ.
Sống trên đời này, nhắc đến chuyện Buông hay không buông, tất cả đều xuất
phát từ những Dục vọng, Ham muốn chiếm dụng điều gì đó trong cuộc sống mà
đa phần là Tình cảm và Hạnh phúc.
Hạnh phúc y như khói bay đi chỉ trong đôi ba tiếng đồng hồ.
Rồi ta lại khát khao đi tìm và dễ dãi tin rằng một đối tượng nào đó trong
tương lai sẽ mang lại Hạnh phúc lâu bền hơn. Hạnh phúc luôn là những khao
khát lớn nhất của con người, tùy vào hiểu biết của mỗi người qua từng xã hội và
từng thời đại mà Hạnh phúc được quan niệm một cách khác nhau.
Có người họ gặp xui rủi triền miên nên họ quả quyết rằng trên đời này làm
gì có Hạnh phúc. Còn những người trẻ thì cứ mơ mộng Hạnh phúc chắc ở cuối
con đường mình đang đi. Và hằng bao lớp người đi gần hết kiếp nhân sinh này
mà vẫn không tìm thấy Hạnh phúc và đuổi theo nó như mót trò chơi cút bắt.
Con người vốn dĩ không cảm thấy Hạnh phúc là bởi họ mưu cầu quá cao,
không bao giờ biết đủ. Và khi không cảm thấy Hạnh phúc, nhiều người lại cảm
thấy bất hạnh, đau khổ, từ làm khổ mình.
Trên đời này, những gì thuộc về Tình cảm là thứ dễ thay đổi nhất. Có những
người chấp nhận Buông bỏ, mỉm cười, quên đi mà sống, nhưng lại có những
người không cam tâm, sống chết vẫn khư khư để rồi tự làm khổ mình. Cho đến
cuối cùng vẫn không thể giữ được, mới đau khổ “Từ bỏ” và chạy trốn, nhưng có
điều làm cách này, suốt đời Bạn sẽ chẳng quên được và sẽ vô cùng đau khổ.
Vui vẻ không phải là một loại tính cách, mà là một loại năng lực Trí tuệ. Muốn
giải quyết buồn phiền là phải quên đi buồn phiền. Không loạn trong Tâm, không
kẹt trong Tình, không sợ Tương lai, không nghĩ Quá khứ.
Cười ngắm gió mây tan, ngồi yên khi mây lên.
Con người sống trên đời, làm người không cần đòi hỏi, làm việc không cần
hoàn hảo, hưởng lạc không được hưởng đến hết. Làm người phải biết dừng lại
đúng lúc, đối với người khác là một sự khoan dung, đối với chính mình là một
con đường để lui.
Sở dĩ con người sống không vui vẻ không Hạnh phúc, nguyên nhân chủ yếu
nằm ở 3 thói quen.
Bạn đã quen với những thói quen này, xin bỏ ngay:

  • Quen phóng đại Hạnh phúc của người khác.
  • Quen phóng đại Đau khổ của bản thân.
  • Quen lấy đau khổ của bản thân ra so với Hạnh phúc của người khác.
  • Lấy Khuyết điểm của bản thân ra so với Ưu điểm của người khác.
    Lý của Đại Đạo thì vô cùng đơn giản, đơn giản đến nỗi chỉ cần một hai câu là
    có thể nói rõ ràng. Những chuyện nhỏ trên đời khó là khó ở chỗ đơn giản.
    Đơn giản không phải là phớt lờ cho xong chuyện, cũng không phải đơn thuần
    ấu trĩ mà là Trí tuệ ở cấp bậc cao nhất, là biểu hiện của duệ trí thành thục.
    Cái hoàn hảo luôn luôn là cái đơn giản.
    Học được sự đơn giản, thật ra không đơn giản chút nào.
    QH

BẠN CÓ TIN CÂU NÓI: KHẨU XÀ TÂM PHẬT


Theo đạo Phật thì trong 10 nghiệp lớn của con người, có 4 nghiệp từ miệng
gây ra đó là nói dối; nói lời hung ác; nói lưỡi đôi chiều và nói lời thêu dệt.
Không khó để nhận thấy, đây là 4 lỗi khá dễ gặp trong những cuộc sống đời
thường của mỗi người.
Chuyện “không nói có”, chuyện “có nói không” thường chung một lý do là
hòng đổ lỗi cho người khác, che giấu lỗi của mình. Loại khẩu nghiệp này thường
dễ bắt gặp ở những môi trường hay va chạm về quyền lợi, trách nhiệm.
Ngay ở môi trường công sở, chắc không khó để bạn thấy những câu chuyện
vòng vo đổ trách nhiệm lên người khác , tránh bị phạt hay nhận “hộ” thành quả
người khác. Tương tự, những lời thêu dệt hay những lời hung ác có mặt ở mọi
nơi trong đời sống, đối tượng của nó có thể là bất cứ ai và có lẽ bất cứ ai trong
chúng ta đều có thể trở thành nạn nhân hoặc trở thành thủ phạm vào những khi
chính mình không ngờ đấy.
Có bao giờ, những câu chuyện “trà dư tửu hậu”, bạn bàn về chuyện người
khác nhưng thêm bớt vài tình tiết, phóng đại tí chút cho câu chuyện thêm kịch
tính, cuốn hút? Cứ nghĩ tán dóc cho vui nhưng chính như câu thêm thắt ấy lại có
thể làm sai lệch hẳn vấn đề, khiến người nghe chuyện hiểu nhầm về người khác.
“Có cái đơn giản thế mà cũng không làm được, tao không có đứa con ngu như
mày!” – ” Đi đứng như thế à, có mắt như mù!”…
Có rất nhiều câu mà khi phát ngôn, chúng ta không ý thức được hoàn toàn
mà chỉ nghĩ nó như phương tiện để giải tỏa bức xúc trong lòng mình.
Chính những lúc cáu giận, sân hận, tâm trí bị giận hờn mê mờ, người ta dễ
nói ra những điều hung ác làm buồn lòng người khác, đặc biệt là những người
thân yêu của mình.
Trong xã hội hiện nay, khẩu nghiệp không chỉ dừng ở lời nói trực tiếp như
ngày xưa mà còn là những chia sẻ, bình luận bạn viết trên mạng xã hội.
Sử dụng những lời độc ác, bịa chuyện, thô tục, xúc phạm đến người khác cũng
có thể được xem là một dạng khẩu nghiệp.
Thậm chí chỉ cần nhấp chuột tán thành, ủng hộ những lời ác ngữ đều nguy
hiểm cả, vì nhiều lần làm như vậy, không ai kiểm soát, không ai khuyên nhủ nên
lâu ngày sẽ trở thành một thói quen.
Ai cũng biết rằng vết thương trên thân thể dễ lành hơn vết thương gây ra bởi
lời nói. Và hậu quả của lời nói đôi khi còn nặng nề hơn rất nhiều so với những
vết thương trên thân thể.
Khẩu nghiệp từ các lời nói tạo ra những hậu quả xấu, làm hại cho chính người
nói ra và những người liên quan. Khẩu nghiệp còn ảnh hưởng đến cả cộng đồng,
cả xã hội.
Có người cho rằng khẩu nghiệp đơn giản là một cách giải tỏa stress, có người
bao biện rằng họ “khẩu xà, tâm Phật”, họ chỉ nói như vậy chứ chẳng có ý hại ai.
Nhưng thực ra, nếu có tâm Phật thật, có lẽ họ sẽ cần cân nhắc kỹ càng hơn về lời
ăn tiếng nói của mình.
Trên thực tế, từ xưa đến nay đã có không ít những vụ việc thương tâm bắt
đầu chỉ bằng những lời bông đùa đi quá giới hạn hay những lời ác ý. Hậu quả từ
phía người nghe đã rõ, nhưng người nói ra lời khẩu nghiệp, liệu có hại gì mình
không mà Phật giáo lại nhấn mạnh rằng đó là nghiệp báo lớn nhất?
Theo như luật nhân quả của đạo Phật, đã gieo nhân thì ắt phải gặt quả, đã có
nghiệp ắt phải trả. Quả từ khẩu nghiệp đưa đến thường đến rất nhanh và sẽ chi
phối đối với đời sống của tự thân người đó.
Vì thế, một lời buông ra có tính chất khẩu nghiệp, người nói cũng sẽ chịu
nhiều hậu quả, chứ không thể vô can, hoặc chẳng sao cả như người ta tự an ủi
mình.
Khi ai đó nói lời ác độc, nói cho sướng miệng, toàn dùng những lời cay cú
chửi bới nhục mạ người khác, bạo hành tinh thần người khác, trước hết, chính
bản thân của người ấy đã thể hiện lối sống thiếu phẩm chất, sống kém đạo đức,
văn minh trong lời nói, trong giao tiếp và dẫn đến hạ thấp uy tín tự thân. Lâu
dần, những người xung quanh sẽ dần dần xa lánh họ. Bạn có muốn ở gần ai đó
mà luôn khiến bạn căng thẳng bởi năng lượng xấu từ những lời cay nghiệt
không?
Những lời thêu dệt, dối trá cũng rất dễ gặp phản ứng.
Những câu nói dối, dù chỉ để vui đùa hay trục lợi, khi bị phát hiện chân tướng
cũng khiến bạn bị mọi người dè chừng, xa lánh, không còn tin tưởng vào bạn.
Lời nói dối có là tâm ý hay là ác ý thì đều là nghiệp xấu, làm tổn hại danh dự của
chính bản thân bạn.
Những người nói hai lời, lời khiêu khích châm chọc người khác, gợi lên tính
tình đố kỵ của người khác luôn gây ra xích mích trong các mối quan hệ, cũng có
thể bị trả thù hoặc bị ghét bỏ, lâu dần sẽ mất hết những mối quan hệ chân
thành…
Trên hết, những người hay tạo khẩu nghiệp trong đời sống thường ngày cũng
khó được người khác thương mến, thậm chí là bị đánh giá xấu bởi cách ứng xử
thiếu tinh tế, thiếu văn hóa của mình.
Đừng dương dương tự đắc cho rằng mình “an toàn” vì khẩu nghiệp chỉ để
cho vui, vì nghe lời khó ưa vậy thôi chứ bạn là người tử tế.
Bởi trong xã hội bận rộn này, không phải ai cũng kiên nhẫn dành cho ta thời
gian để tìm hiểu về “tâm Phật” của ta khi vấp phải “khẩu xà” khi mới tiếp xúc.
Nếu thật sự có tâm Phật hiện diện bên trong bạn, hãy bộc lộ ra bằng lời nói
cũng đẹp đẽ và tỏa hào quang ấm áp như thế, không phải vì ai khác, mà vì chính
mình.
Thả rông con rắn xảo ngôn ngoe nguẩy trong miệng mình, phun nọc vào cuộc
đời (và gây họa cho chính mình), ai tin nổi vào tâm Phật của bạn đây?
Ít nói cho lòng được tịnh thanh
Cho tâm hoa nở đóa sen lành.
Nhiều lời, lắm lỗi, đa phiền não
Bao nhiêu rối rắm mãi vây quanh.
Ít nói quay về với tự tâm
Nương theo hơi thở niệm Phật thầm.
Sáu cửa cài then, phòng hộ ý
Tỉnh thức từng giây, dứt lỗi lầm.
Như Nhiên- TTT
Namo Buddhaya

NĂM CẤP ĐỘ TỰ THẤY LỖI MÌNH


Có năm trình độ “Tự Thấy Lỗi Mình” để chúng ta đối chiếu với sự tu tập
của chính mình:

  1. Trình độ tu khá: Thấy được lỗi khi nó còn trong thầm kín, chưa phát
    khởi ra mình đã thấy.
    Đây là những lỗi dạng tiềm ẩn, rất khó thấy, phải là người rất có trí tuệ
    mới đạt được trình độ này.
  2. Trình độ tu trung bình: Khi lỗi khởi ra tâm rồi mình mới thấy.
    Ví dụ, mình giận ai đó, cái giận vừa xuất hiện trong tâm thì lập tức thấy
    được ngay. Người tu trung bình thì cái giận khởi ra trong tâm mới nhìn thấy.
    Còn người tu khá thì cái giận chưa khởi, chưa thấy giận người nhưng đã biết
    có cái giận đang ở thầm kín trong tâm.
  3. Trình độ tu kém: Khi lỗi lầm phát khởi ra ngoài bằng thái độ, lời nói,
    việc làm thì mới nhận ra.
    Ví dụ, mình đi chùa cùng nhóm bạn, trong lúc mình đi dạo quanh chùa
    thì đến giờ ăn trưa mà mình không biết. Đến khi mình về thấy mọi người đã
    ăn xong hết cả, chẳng ai nhớ tới mình nên mình giận, trách móc, khó chịu.
    Sau khi trách móc, vùng vằng và khó chịu xong thì mới thấy là mình vừa
    giận thì đó là trình độ tu kém.
  4. Trình độ thứ tư: Lỗi của mình đã khởi ra ngoài bằng thái độ nhưng
    vẫn không tự thấy được, phải nhờ người xung quanh chỉ cho thì mới
    biết.
  5. Tệ hơn nữa là trình độ thứ năm: Tối ngày đi “”rình”” lỗi của người khác,
    ai làm gì mình cũng biết, người này ốm đi mấy ký, mập lên mấy ký,
    người kia sân si ra sao, tham lam thế nào mình đều biết hết.
    Luôn thấy lỗi người nhưng đối với bản thân thì lúc nào cũng thấy mình
    hiền lành, tốt bụng, không có lỗi lầm gì hết. Nếu người khác có thương tình
    chỉ lỗi cho thì mình cũng không bao giờ nhận, không thấy đó là lỗi…”
    Trích sách : Tương Đồng & Dị Biệt

LỜI PHÁT NGUYỆN VĨ ĐẠI CỦA NGÀI XÁ LỢI PHẤT

Kính bạch Thế Tôn: lúc nào con cũng xem mình như là đất, đất bình an
hoan hỷ khi bị người khác dẫm đạp đi lên. Con cũng vậy, con xin được bình
an hoan hỷ khi có người xem thường dẫm đạp. Đất sẽ đón nhận những rác
rưởi bẩn thỉu mà người vất bỏ lên nó. Con cũng xin rộng lòng đón nhận
những ý nghĩ xấu cho con hay những lời nhục mạ nặng nề.

Bạch Thế Tôn! Cũng như đất chịu đựng sự cày xới để mọc lên những
vườn cây trái ngọt hay ruộng lúa thơm ngon. Con cũng xin chịu đựng sự tổn
thương để vững bước mang cho đời những niềm vui hạnh phúc.

Bạch Thế Tôn! Cũng như đất nâng niu đỡ đần cuộc sống mọi loài trên đất.
Con cũng xin tôn trọng đỡ đần bất cứ ai cần đến con trong cuộc sống này.

Bạch Thế Tôn! Con xem mình như thanh niên chiên-đà-la làm những việc
hèn mọn nhất trên đời là đổ rác hay ghánh phân vui vẻ chịu người sai bảo.
Con cũng xin làm những việc hèn mọn nhất để được làm vui lòng người.

Bạch Thế Tôn! Con xin xem mình như cái giẻ lau xoá đi dơ bẩn của đời
và lấy sự dơ bẩn đó về mình. Con cũng xin nhận lấy mọi đều xấu xa bẩn thỉu
để cho đời được thêm sạch mát lành.

Bạch Thế Tôn! Con xem mình như nước để rửa sạch cho đời rồi phần
mình chảy ra cống rãnh. Con xin được phụng sự cho đời và còn mình trôi
vào quên lãng mà thôi.

Bạch Thế Tôn! Con xem mình như củi lửa thắp lên ánh sáng và đun nấu
thức ăn giúp ích cho đời rồi phần mình xin trở về tro bụi bay xa.

Bạch Thế Tôn! Con xem mình như gió thổi mát lòng người những buổi
trưa hè đem đến cho đời những cơn mưa phơi phới rồi phần mình tan vào
cõi vắng hư vô.

Bạch Thế Tôn! Con xem thân này là vô thường ngày nào thành đất bụi
bên đường. Từng ngày sống là sự đòi hỏi của ăn uống thở và đủ mọi thứ
cung phụng vất vả.

Bạch Thế Tôn! Với suy nghĩ như vậy lòng con không xem thường hay ác
ý với bất cứ ai. Với bất cứ chúng sanh nào lòng con chỉ có tình thương tràn
ngập đến muôn loài. Mong cho muôn loài thương yêu nhau và tu theo thánh
đạo giải thoát.

HÃY TỰ CHO MÌNH THÊM CƠ HỘI NỮA

Mỗi khi bạn buồn bực, thay vì kiếm cớ đổ lỗi cho một ai, tại sao chúng ta
không tự kiểm điểm bản thân, hoặc thử tìm hiểu xem lý do thật sự nào khiến
mọi chuyện diễn ra không theo ý muốn.
Nếu chẳng may bạn gặp thất bại, thay vì tỏ ra chán nản, hãy tự động viên
bản thân, vì ngay cả tỷ phú thế giới cũng từng thất bại rất nhiều lần trước
khi chạm tới thành công. Hãy tự cho mình thêm cơ hội nữa.
Nếu bạn bị mọi người cô lập, đừng buồn. Hãy thử cởi mở bản thân và
chủ động trò chuyện với mọi người xung quanh. Nếu chưa thể kết bạn tập
thể, hãy thử tiếp cận, làm quen và chơi thân với từng người một, chắc chắn
bạn sẽ tìm thấy một người nào đó có cùng tính cách và phù hợp với bạn.
Khi bạn buồn chán vì phải một mình, nếu tất cả bạn bè của bạn đều bận
công việc riêng, bạn vẫn có thể thư giãn ngồi đọc báo, xem phim và nấu
những món ăn mình thích. Hãy biến một ngày nhàm chán của bạn trở nên
thú vị và hữu ích.
Khi bạn đánh mất một vật gì đấy tìm mãi không thấy, hãy bình tĩnh ngồi
yên một chỗ và nghĩ lại những nơi bạn đã đi qua, những việc bạn đã làm từ
thời điểm gần nhất khi bạn còn thấy nó. Nếu quả thật mất rồi thì làm lại cái
khác thôi có gì to tát lắm đâu, cùng lắm tốn thêm một vài ngày và một khoản
chi phí.
Khi bạn làm mãi vẫn chưa xong việc dù trời đã tối và mai đã tới deadline,
hãy tự nhủ phải hoàn thành những gì trọng tâm nhất thôi rồi mai làm tiếp.
Đừng nên ôm đồm và đòi hỏi bản thân phải hoàn hảo hết từ A đến Z. Đã gọi
là đi làm thì không bao giờ hết việc, mà bạn cũng phải làm việc thông minh
hơn thay vì làm việc chăm chỉ hơn.
Khi thấy người nghèo khổ kém hơn bạn, thay vì xua đuổi xa lánh và khinh
miệt người ta như một số người giàu vẫn thường tỏ vẻ, hãy tỏ ra cảm thông,
trò chuyện và giúp đỡ nếu có thể. Một số người hiện tại có thể đang gặp
nhiều khó khăn, nhưng biết đâu sau này con cháu họ làm được nhiều điều
có ích và trở nên rất thành công, được nhiều người kính trọng.
Khi bạn thấy bản thân không giàu có bằng người khác, không nhà cao
cửa rộng, quần áo không hàng hiệu, ăn uống bình dị không nhà hàng sang
trọng, không ô tô hay những chuyến du lịch nước ngoài dài ngày, hãy tâm
niệm rằng còn nhiều người khốn khổ hơn bạn, rằng bạn vẫn còn thời gian
để kiếm tiền xây dựng tương lai.
Hãy tự bằng lòng với những gì bạn có, ít nhất bạn không phải lo lắng bữa
đói bữa no mỗi ngày là tốt lắm rồi. Những người giàu có, biết đâu họ không
có một cuộc sống tinh thần hạnh phúc như bạn!
Nếu bạn cứ khăng khăng không cho mọi người cơ hội để hoàn thiện bản
thân, làm sao bạn biết người ấy có những khả năng gì?
Đi đường vấp phải cục đá, hay nghiêm trọng hơn xảy ra tai nạn, hãy tự
mình đứng lên và chiến đấu với sự sống của bản thân. Mọi suy nghĩ tiêu cực
chỉ khiến bạn đi từ thất bại này tới thất bại khác.
Bạn đối xử tốt với người khác, dù chỉ là một việc nhỏ thôi, không phải vì
bạn muốn người ta biết ơn mình mà đơn giản chỉ để họ cũng cảm nhận được
hơi ấm tình người. Bạn đối xử với mọi người như thế nào, thì cuộc đời cũng
sẽ đối xử với bạn như thế.
Dẫu cuộc đời có nhiều lần khiến bạn tủi thân, thất vọng, lòng tốt của bạn
cho đi nhưng thứ bạn nhận lại chỉ là sự lợi dụng, lừa dối, tôi mong bạn vẫn
sẽ kiên định với sự tử tế, tin vào những điều tốt đẹp đang chờ đón ở tương
lai.
Sự viên mãn mà bạn tìm kiếm nằm ở chính sự ấm áp mà bạn đang lan tỏa
với mọi người xung quanh đấy.
Sưu tầm

ĐƯỢC MẤT

Cái quán nhỏ, nằm ngay đầu hẻm bán mỗi món hủ tiếu chay, nhìn thấy toàn rau củ vậy chớ mà ngon đậm đà. Mỗi ngày, cô Trâm chỉ bán tới trời trưa đứng bóng là dẹp nghỉ. Còn dư thì cô nhanh lẹ đóng bịch biếu mấy cô chú vé số, nhặt ve chai. Nhiều lúc tui còn thắc mắc, hỏng biết bán vậy thì lời lỗ cô tính làm sao.

– Sao gì mà sao, bán cho vui mà chú. Mấy ngày chay, bán không kịp thở thì ngày thường mình bán vậy thôi. Tiền làm được để dành đi chùa đi chiền làm chi mà có tô hủ tíu hỏng cho người ta được? – cô nói.

– Mà tháng có bốn ngày người ta ăn chay, mấy ngày còn lại ế nên cô đem cho chứ gì. – Tui cười giả lả ghẹo cô chủ quán.

– Ý chời, ế gì chú. Buổi sáng tui bán hơn trăm tô đó nha.- cô cười cười, tay không quên múc nước lèo thoăn thoắt.

– Chứ vậy sao ngày nào cũng ế, rồi đem cho đó còn gì. – tui đâu chịu thua vậy được.

– Thì quán tui bán, tui thích ế vậy đó. Bữa sau chú ra trễ chút nữa là tới giờ ế, xách một bọc mang dìa, khỏi nấu cơm trưa hen. – cô nháy mắt, lấp lánh ý cười.

Hơn mười năm tui sống ở đất Sài Gòn này gặp không biết bao nhiêu dạng người. Xấu có, tốt có mà giả đò, giả bộ cũng hỏng thiếu. Nhưng người hiền lương, thích giả bộ ế như cô Trâm thì hỏng được mấy.

Đẩy đưa câu truyện một hồi, cô kể sau nhà có ang đất trống trồng mớ cây thuốc lấy lá xông. Dịch bệnh vầy, cô ươm thứ rộng ra một chút, bón phân đất thúc cây phát triển rồi lại hái chia cho bà con trong xóm cho có của để dành. “Thời này, cây cỏ coi vậy chứ quý dữ lắm.” – cô nói.

Có hôm nhà anh Bảy cuối xóm, nửa đêm tự nhiên mệt mỏi, chóng mặt, nhứt đầu. Đang độ Sài gòn bít hết cửa ngõ, chị bảy đành lầm lũi sang nhà cô Trâm xin ít lá. Cách nhau có mấy bước chân mà vừa đi vừa nghĩ đủ thứ, sợ chồng trúng gió độc mà chết, lại sợ cô Trâm ngán mấy con bệnh rồi hất hủi đuổi đi nên chị Bảy làm liều lủi ra sau nhà hái đại. Con Mực nó nghe động sửa um xùm, vang vọng hết cả xóm. Cô Trâm nghe tiếng chó nhanh nhảu chạy ra soi đèn, thấy chị Bảy đứng ngẩn tò te thì hỏng nói nhiều, ra phụ hái cho lẹ đặng còn về lo cho anh Bảy.

Cả xóm thương cô hỏng phải ở cái đám lá mà ở cái chữ tình. Dịch bệnh, ai cũng chỉ biết lo cho cái phận mình. Còn cô hả? thương người trước đã, còn mình tính sau.

Vậy đó, mà hồi hôm nghe đâu cả nhà lớn bé con cái, với dâu rể ra chửi lộn vì cái đám lá, gió thốc lúc nữa đêm ngã qua hàng xóm. Chuyện chẳng có gì mà ồn ào huyên náo, giọng to giọng nhỏ chỉ chực xé nhau ra.

– Chú coi, nhà tui có hai chị em hà. Ngày xưa còn nhỏ, hễ ai ăn hiếp là tui nắm tay nhỏ em kéo chạy về mét ba má. Sau này lớn lên, lấy chồng, sanh con. Tui sanh ba đứa, nhỏ em thì sanh hai. Mỗi lần nhà có chuyện là con cái, dâu, rể tụi nó kéo ra làm dữ. Sợ muốn chết. – cô chủ tay thoăn thoắt trụng hủ tíu, gắp thêm miếng rau không quên kể chuyện nhà mình.

– Hổm qua, con nghe rần rần tưởng đâu công an họ vô dẹp không đó chứ. Rồi cuối cùng có ai bị gì không cô? – Tui hỏi.

– Bị gì đâu, tui ra ngăn lại, sẵn tiện hớt luôn đám lá. Bên người ta cũng hỏng phải làm khó gì mà đôi bên to tiếng, ai cũng cho mình đúng. Lời qua, tiếng lại, đụng chạm hồi nào hỏng hay.

– Vậy rồi mấy đứa con cô có chịu bỏ qua không? – tui nôn nóng, hỏi luôn.

– Mình ăn ở hiền lành nhiều khi cũng bị ăn hiếp. Tui biết chứ sao không. Nhưng nghĩ chuyện gì cũng qua thôi, thiệt một chút cũng đâu mất mát gì. Mấy đứa nhỏ nó hỏng chịu vậy, nói chứ “sao má cứ để người ta ăn hiếp hoài”. Tụi nó không chịu vậy được, nên te rẹt, túm tụm đi xựt lại người ta. – cô kể tiếp giọng đều đều.

Ừ, đời này tiền của cuối cùng cũng chỉ là vật ngoài thân. Biết bao nhiêu người tranh nhau từng đồng bạc cắt mà quánh nhau đổ máu, lỗ đầu. Hiền lành vốn đâu phải là nhu nhược mà là hiểu đạo lý, lẽ đời.

Tui chăm chú ăn tô hủ tíu có cái bánh hoành thánh chiên giòn mà nghe từng cọng béo ngọt thơm mềm. Lại nghe cô Trâm thao thao kể chuyện thời sự trong xóm mà ngậm lòng nhớ má, nhớ quê. Má tui hồi còn ở quê cũng y vậy, đi đâu, làm gì cũng thương người ta trước rồi mới đến phận mình. Lúc tui gom quần áo đi Sài Gòn, má dặn đi dặn lại hoài “Mình cứ sống hiền lành còn chuyện khác, cứ để trời ổng lo”

Bỗng, con bé Hoa nhà hàng xóm sát nách cô Trâm (vừa cãi nhau hôm qua) đi đâu ngang về, dựng chống cái phịch nói:

– Cô Trâm ơi, má con nói ngoài chợ có mấy nhà dặn mua lá. Cô hái đủ loại bó thành bó đặng má đem giao cho người ta nghen cô. Tiền chiều má con đem về đưa cô sau nha. – nhỏ nói, giọng dỗi hờn vì còn giận cái dụ cãi lộn ngày hôm qua. Nói xong, nó te rẹt bỏ đi.

Cô Trâm cười, nói với theo:

– Nói má bay tí trưa cô hái nghen, còn hủ tíu nữa nè, trưa nay mấy bay đi chơi hết thì khỏi nấu, cô mang qua cho.

Sài Gòn mấy hôm nay trời se se lạnh, miệng nhai cọng hủ tíu mà thấy ấm lòng. Người với người, hơn nhau không phải chỗ tui được anh mất hay miệng thằng nào lớn mà là người nào đủ lòng rộng lượng để bao dung.

Tự nhiên trong tui vang vọng lời má nói: “Mình cứ lo sống hiền lành, chuyện của ông trời, cứ để ổng lo”.

2.12.2021

BẬC CAO NHÂN


Cao nhân chân chính, chính là có thể thắng nhưng không nhất định phải
thắng, có thể đánh bại kẻ khác nhưng không nhất định phải đánh bại.
Thế nào gọi là cao nhân?
Tương truyền, Tả Tông Đường rất thích chơi cờ vây, hơn nữa còn là một
cao thủ, gần như không có ai là đối thủ của ông.
Có một lần, Tả Tông Đường cải trang trước khi xuất chinh đánh trận,
trên đường bỗng nhìn thấy một ngôi nhà tranh, trên xà nhà có treo tấm biển
“Thiên hạ đệ nhất kỳ thủ”. Tả Tông Đường thấy thế thì trong lòng không
phục, liền đi vào trong để cùng chủ nhân ngôi nhà đánh ba ván cờ.
Vị chủ nhà đánh ba ván đều thua, Tả Tông Đường cười nói: “Ông nên
tháo tấm biển kia xuống đi!”
Nói xong, Tả Tông Đường tràn đầy tự tin, cao hứng bừng bừng mà rời
đi.
Không lâu sau, Tả Tông Đường thắng trận trở về, lại đi ngang qua ngôi
nhà ấy, thấy tấm biển “Thiên hạ đệ nhất kỳ thủ” vẫn chưa được gỡ xuống,
Tả Tông Đường tức giận đi vào trong nhà để cùng vị chủ nhân tỷ thí ba ván
cờ nữa. Lần này, Tả Tông Đường thua cả ba ván.
Tả Tông Đường vô cùng kinh ngạc, liền hỏi vị chủ nhân tại sao lại như
vậy?
Vị chủ nhân đáp: “Lần trước, ngài tuy mặc thường phục nhưng ta đã
sớm biết ngài là Tả Công, ngài mang trên mình nhiệm vụ đánh giặc, ta không
thể dập tắt nhuệ khí chiến đấu của ngài. Lần này, ngài đã chiến thắng trở về,
ta đương nhiên toàn lực ứng phó, việc đáng làm thì ắt phải làm, không thể
nhượng bộ!”
Cao thủ chân chính trên thế gian, chính là có thể thắng nhưng không nhất
định phải thắng, có thể đánh bại kẻ khác nhưng không nhất định phải đánh
bại, ấy là vì có tấm lòng khiêm nhượng, thiện tâm với người.
Cuộc sống chẳng phải là như vậy sao?
Thông minh không nhất định là có trí tuệ, thế nhưng trí tuệ thì nhất định
bao quát thông minh.
Người thông minh tâm nặng chuyện được mất, người trí tuệ có thể dũng
cảm xả bỏ.
Tai thính thật sự thì có thể nghe được tiếng lòng, mắt sáng thật sự thì có
thể nhìn thấu tâm linh.
Chứng kiến, không có nghĩa là nhìn thấy.
Nhìn thấy, không có nghĩa là nhìn rõ.
Nhìn rõ, không có nghĩa là hiểu được.
Hiểu được, không có nghĩa là hiểu rõ.
Hiểu rõ, không có nghĩa là đã thông suốt.
Chúng ta vẫn thường nghe nói: “Không có văn hóa thì thật đáng sợ!”. Thế
nhưng “văn hóa” ấy rốt cuộc là cái gì vậy? Là bằng cấp? Là kinh nghiệm?
Hay là sự từng trải?
Đáp án: Tất cả đều không phải!
Ngày hôm nay, coi như chúng ta đã được thấy một lời giải thích thuyết
phục, “văn hóa” ấy chính là biểu đạt bởi bốn điều sau đây:

  1. Đào sâu vào tu dưỡng nội tâm.
  2. Tự giác không cần nhắc nhở.
  3. Lấy ước thúc làm tiền đề cho tự do.
  4. Suy nghĩ lương thiện vì người khác.
    (Sưu tầm)