Chúng ta thường đặt câu hỏi là làm thế nào để cho sự thực tập của mình
có nhiều hiệu quả hơn, mang lại lợi ích cho mình và người chung quanh
nhiều hơn? Câu hỏi ấy tuy cần thiết, nhưng tôi thấy tự nó chưa được chính
xác lắm. Tôi nghĩ ta nên hỏi là làm thế nào để cho sự tu tập của mình được
chân thật hơn.
Chân Thật Và Đơn Giản
Chuyện kể, thời Phật còn tại thế có một bà lão nghèo khổ ăn xin độ nhật.
Một hôm, vua A Xà Thế có cho tổ chức một lễ hội cúng dường đức Phật tại
tịnh xá Kỳ Viên. Bà lão nghĩ rằng, “Một đời mình đói khổ, lại già nua, sắp
hết tuổi trời, nếu lễ hội này không gặp Phật cúng dường thì không bao giờ
được gặp ngài”. Nghĩ vậy, bà lão vừa lần hồi xin ăn dọc đường, vừa đi đến
gần Kỳ Viên tịnh xá.
Khi đến gần Kỳ Viên, bà lão thấy một cảnh tượng huy hoàng, tráng lệ
chưa từng thấy, ngựa xe chen chúc, nhộn nhịp trên những con đường dẫn
về tịnh xá. Những ngọn đèn sơn son thếp vàng rực rỡ của hạng vua quan
đại thần, bên cạnh những ngọn đèn nhỏ hơn của hàng thứ dân, đủ mọi màu
sắc sáng choang treo hai bên đường.
Bà lão biết mình chỉ có khả năng cúng dường Phật một ngọn đèn nhỏ mà
thôi. Bà dốc hết cả gia tài chỉ được hai xu, để mua cây đèn nhỏ và chút dầu
thắp. Bà lão treo chiếc đèn nhỏ bé leo lét của mình lên một cành cây và hướng
về tịnh xá Ba ngày đêm trôi qua, những tràng hoa héo rủ, những ngọn đèn
khác lần lượt cạn dầu rồi tắt ngúm. Chỉ riêng ngọn đèn nhỏ của bà lão nghèo
ăn xin vẫn còn tiếp tục cháy sáng mãi…
Trên con đường tu học thật ra ta đâu cần dâng tặng cho cuộc đời một điều
gì lớn lao lắm. Lý thuyết tuy mênh mông nhưng con đường thực hành rất
đơn giản: tập tha thứ, bớt dính mắc, sống tự nhiên, biết thương yêu… Chỉ
cần giữ cho ngọn đèn dầu nhỏ của ta được trong và sáng mãi trong tâm, là
ta cũng đã dâng tặng hạnh phúc cho cuộc đời này rất nhiều rồi. Dẫu biết
rằng, những gì chân thật và đơn giản lại là những điều khó làm nhất.
Chiếc Áo Choàng Thanh Tịnh
Nhờ sự chân thật và đơn giản mà con đường tu học của ta cũng rất là cụ
thể. Nó phải giúp ta thấy ra những khó khăn của mình.
Bạn biết không, mỗi khi ta cảm thấy bất an hoặc lo âu, nó sẽ phát sinh lên
một sự căng thẳng trong thân. Và thường thì ta phản ứng bằng hai cách: một
là dồn nén nó lại bên trong, hai là bộc lộ nó ra bên ngoài qua lời nói và hành
động của mình. Nhưng đức Phật có dạy cho ta một phương cách thứ ba,
thiện xảo hơn, là ý thức và cảm nhận nó một cách trọn vẹn để chuyển hóa
sự căng thẳng ấy.
Chúng ta có thể mang ý thức tỉnh giác, không mong cầu, để ôm ấp một
khó khăn, hay nỗi đau nào đó, đang có mặt trong cơ thể. Có ý thức trọn vẹn
về những gì đang có mặt trong thân, buông thư và tự nhiên, có thể làm phát
khởi lên trong ta một cảm giác khinh an và toàn vẹn. Và ta có thể mang cảm
giác thanh tịnh ấy ôm ấp lấy toàn thân của mình.
Trong kinh, Phật có cho một ví dụ rất hay. Ngài nói cũng giống như khi
ta khoác lên thân mình một tấm áo choàng, không nơi nào trên cơ thể mà
không được chiếc áo ấy bao phủ. “Lại nữa, này các Thầy, hãy lấy tâm thanh
tịnh và ý thức về sự thanh tịnh ấy của mình mà bao trùm cả thân thể mình,
làm cho toàn thân thể mình không có chỗ nào mà không được bao trùm bởi
tâm thanh tịnh ấy, cũng như một người kia choàng lên một cái áo dài tới bảy
hoặc tám sải, từ đầu tới chân, không nơi nào mà thân thể không được chiếc
áo ấy bao phủ.”
Và khi thân ta được khinh an, nhẹ nhàng thì tâm ta cũng sẽ được thư thái,
an vui.
Thấy Mình Là Trăng
Tôi nghe kể rằng, nơi nào có bước chân của một người tỉnh thức thì nơi
ấy suối sẽ được trong hơn và cây lá cũng xanh tươi hơn. Như vậy thì chỉ sự
có mặt của một người có hạnh phúc thôi, cũng đã giúp ích cho sự sống chung
quanh rất nhiều rồi. Thiền sư Lâm tế có nói về địa hành thần thông, ngài nói
bước đi trên mặt đất là một phép lạ. Người ta thường nói phép lạ là đi trên
nước, đi trên mây, còn Ngài nói phép lạ là đi trên mặt đất.
Nhà văn Natalie Goldberg kể, có lần trong một lớp dạy về viết văn tại San
Francisco, bà mời mọi người cùng đi thiền hành ngoài phố. Hôm ấy nhóm
của bà đi ngang qua một công viên, nơi ấy đang có một cuộc diễn hành rất
đông người ở phía bên kia đường. Họ mặc những y phục sặc sở, vui hát,
nhảy múa trên những chiếc xe kiệu rước đầy màu sắc. Nhóm của bà thong
thả đi với nhau trong im lặng, băng ngang qua công viên.
Bỗng nhiên mọi người trong cuộc diễn hành ở bên kia đều dừng lại, luôn
cả những người đang đứng xem, và tất cả đều nhìn sang nhóm của bà.
Những bước chân chậm rãi và thinh lặng có thể làm ngưng lại cả một cuộc
diễn hành náo nhiệt.
Sự tu học không mang ta đi vào một thế giới mênh mông, xa xôi nào đó,
mà nó giúp ta thật sự có mặt với sự sống, ý thức và tiếp xúc được với những
gì đang xảy ra. Giải thoát chỉ có thể có mặt trong giờ phút hiện tại, và nó
biểu hiện ngay trong sự có mặt của ta.
Trên con đường tu học, tôi nghĩ chúng ta đâu cần thiết phải tìm hiểu hết
những giáo lý cao xa, hoặc làm một việc gì lớn lao. Trở về trọn vẹn với một
cảm giác, ý thức một bước chân tự nhiên, mỉm một nụ cười buông thư… cũng
có thể là những phép lạ giữa một cuộc sống căng thẳng, lo âu và quá bận
rộn.
Tôi nghĩ con đường tu học cũng chỉ bắt đầu bằng những bước nhỏ này,
đơn giản và chân thật, khi ta bước ra khỏi chiếc gối ngồi thiền của mình.
Hôm qua mộng thấy tụng kinh
Tỉnh ra mới biết chính mình là trăng. (Sư Giới Đức)
Minh Tánh Nguyễn Duy Nhiên
Month: February 2022
CHÚNG TA CÓ THỂ ĐO ĐƯỢC SỰ BAO DUNG CỦA MÌNH
Ví dụ, ai xúc phạm ta một câu, ta kiềm chế được, ai hiếp đáp dăm ba lượt,
ta nhẫn nhịn được nhưng tới bảy lần thì ta phản kháng.
Tức là, lòng bao dung của chúng ta chỉ tới mức bảy. Mức độ đó vẫn chưa
đủ. Vì Nhân như thế nên Quả báo trở lại, tuy ta sẽ không rơi vào các cuộc
xung đột nhỏ nhưng vẫn bị cuốn vào chiến tranh lớn của nhân loại.
Ngược lại, nếu lòng ta bao dung trước mọi sự xúc phạm, mưu hại được
thì vĩnh viễn ta không còn bị kéo vào các cuộc chiến tranh dù nhỏ hay lớn.
Sự nhẫn nhục vô hạn giúp ta đủ sức thoát ra mọi cuộc chiến mà đi về nơi
thanh bình yên ả, bỏ lại đằng sau những con người hơn thua, thù hận. Họ sẽ
lại tiếp tục quay cuồng chém giết lẫn nhau theo đúng duyên nghiệp của
mình.
Có Ba thiện hạnh (Sucarita):
- Thân thiện hạnh (Kāyasucarita):
sở hành tốt đẹp về thân, thân hành kiêng tránh sát sanh, trộm cắp, và tà
dâm. - Khẩu thiện hạnh (Vacīsucarita):
sở hành tốt đẹp về lời nói, khẩu hành kiêng tránh nói dối, nói độc ác, nói
ly gián, nói vô ích. - Ý thiện hạnh (Manosucarita):
sở hành tốt đẹp về ý, sự suy nghĩ hiền thiện, tư duy không tham ác, không
sân ác, không tà kiến ác, tức là có chánh kiến.
Trích: Ý NGHĨA CỦA HÒA BÌNH
Namo Buddhaya
CHUYỆN TỬ TẾ
Trong cuộc sống hàng ngày, đôi khi chúng ta rất cần sự quan tâm từ
người khác như : một cử chỉ thân thiện, một lời nói lịch sự, một hành động
giúp đỡ, một cử chỉ chia sẻ , một lời động viên khuyến khích , một lời an ủi
khích lệ, một lời xin lỗi chân thành …gọi chung đó là sự tử tế, mà mọi người
ai cũng cảm thấy rất hạnh phúc khi đón nhận thiện tâm từ người khác lan
tỏa đến mình.
Thật ra, tử tế không phải là điều xa xôi, khó thực hiện, mà bất kỳ ai cũng
có thể làm được. Chỉ cần có những suy nghĩ và thái độ sống tốt đẹp, chân
thành, quan tâm đến những người xung quanh để có cách ứng xử tinh tế
phù hợp, và như vậy, những hành động tử tế , dù là bé nhỏ nhất, vẫn có thể
lan tỏa đi khắp nơi.
Sau đây là những câu chuyện tử tế mà đôi lúc, chúng ta cũng có thể chợt
bắt gặp ở đâu đó trong thực tế đời thường:
1) Xe bị hư trên Freeway 101
Một buổi xế chiều mùa đông tại San Jose năm 2000, một người đàn ông
trung niên VN trên đường đi làm về bị hư xe trên xa lộ 101. Trời sụp tối rất
nhanh và trở lạnh. Anh lúng túng không biết phải xoay xở ra sao? Mới sang
Mỹ định cư vài tháng, giao tiếp tiếng Anh còn giới hạn, lại không có sẵn Cell
phone hoặc Pager để nhắn tin nhờ người trợ giúp.
Hơn một giờ loay hoay trong tuyệt vọng, không biết phải làm sao thì đàng
xa có ánh đèn của một chiếc xe chạy trờ đến. Đó là một chiếc xe Honda Civic
màu trắng , trên xe có hai bạn trẻ một nam một nữ người Mỹ độ 24-25 tuổi.
Hai bạn ấy hỏi anh có cần trợ giúp gì không? Anh trình bày sự việc .Hai bạn
đưa anh phone của họ để anh gọi về nhà.
Các người lớn đều đi làm, các cháu nhỏ thấy số phone lạ nên không tiếp
phone. Không liên lạc được với người thân, hai bạn ấy đề nghị anh cho xem
bảo hiểm xe . May mắn là bảo hiểm xe của anh có cover phần Road
Assistance (Trợ giúp trên đường).
Hai bạn trẻ giúp anh liên lạc với hãng bảo hiểm. Họ kiên nhẫn chờ đợi
cho đến khi xe trợ giúp của bảo hiểm đến, họ mới tiếp tục cuộc hành trình.
Điều đáng ngạc nhiên và cảm động là họ giúp anh xem như đó là việc
của chính họ, dù là hành trình của họ đã vì anh mà bị gián đoạn.
Không có gì có thể ngăn cản lòng tốt của người có tâm tử tế và sẵn sàng
giúp đỡ người gặp hoạn nạn vô điều kiện, không toan tính.
Sự trợ giúp của hai bạn trẻ đã để lại cho người trung niên một ấn tượng
sâu đậm và anh tự hứa sẽ áp dụng tấm gương sáng ấy để sẵn sàng giúp đỡ
tha nhân khi họ gặp hoạn nạn, xem như là cách để trả món nợ ân tình năm
xưa.
2) Vết trầy bên cửa xe.
Một buổi chiều mùa đông năm 2007 tại một trường Đại học thuộc hệ
thống U.C của California. Hai vị phụ huynh sau khi thăm con ở Dorm (Ký
túc xá), họ trở ra parking lot để lấy xe về nhà.
Hai vị thấy một bạn sinh viên Việt Nam trẻ trạc tuổi con họ đang ngồi co
ro bên cạnh xe mình.Thấy chủ xe đến, bạn sinh viên trẻ đứng dậy chào lễ
phép và nói với họ ” Cháu đã chờ hai bác hơn 2 giờ. Số là trưa nay cháu đậu
xe sát cạnh xe hai bác, vì vội vàng vào thư viện nên cháu vô tình mở cửa xe
nhanh và va chạm mạnh vào cửa xe của hai bác. Lỗi do cháu bất cẩn. Cháu
xin lỗi hai bác và xin cho biết cháu phải bồi hoàn thế nào để sửa chữa vết
trầy?
Quan sát, hai vị phụ huynh thấy quả thực xe của họ có một vết trầy xướt
phía bên ngoài cửa passenger.
Nhưng thái độ thành khẩn và trách nhiệm của bạn sinh viên đã làm họ
cảm động.
Sau khi bàn với vợ , người đàn ông chủ xe bắt tay bạn sinh viên và ôn tồn
nói: ” Cảm ơn cháu đã cho chúng tôi niềm tin là ý thức trách nhiệm và sự
trung thực vẫn còn hiện hữu, mà có lúc, chúng tôi tưởng như khó tìm được
qua những sự việc như vậy. Sự kiên nhẫn chờ đợi chúng tôi hơn 2 giờ chỉ để
nhận lỗi của cháu cũng đủ để làm cho vết trầy trên xe chúng tôi mờ nhạt đi.
Bằng tinh thần trách nhiệm và sự lương thiện, cháu đã bồi hoàn cho chúng
tôi rồi đó …”
Sự tử tế ở đây là lối sống ngay thẳng , thật thà, dám chịu trách nhiệm, biết
quan tâm đến mọi người, tử tế từ trong suy nghĩ, lời nói cho đến chững chạc
trong hành vi của bạn sinh viên trẻ.
Trên đường về nhà, hai vị phụ huynh cảm thấy buổi xế chiều mùa đông
Cali hôm nay dường như sáng đẹp và ấm áp hơn mọi khi.
3) Thăm người vô gia cư
Một sáng Chủ Nhật đẹp trời, có một phụ nữ trẻ cùng với con trai từ nhà
ở vùng Solano lái xe hơn một giờ để đi công việc tại San Jose, CA. Xong việc,
trên đường ra Parking lot lấy xe về nhà, họ trông thấy một người homeless
lớn tuổi đang ngồi co ro mệt mỏi tại một góc của khu shopping. Họ đến hỏi
thăm và nhận thấy ông ấy đang run rẩy vì lạnh và đói. Họ mua cho ông một
phần Hamburger và một ly cà phê nóng từ tiệm Mc Donald gần đó, và hẹn
có dịp sẽ thăm lại ông.
Một tháng sau, hai mẹ con lại về SJ, không phải đi công việc mà chỉ một
mục đích duy nhất là thăm lại người homeless như đã hứa. Lần này họ chuẩn
bị quần áo, chăn màn và thức ăn cho ông, kể cả những người vô gia cư gần
đó.
Người mẹ cẩn thận dặn con rằng khi đưa thức ăn và quà cho ai, phải đưa
hai tay để tỏ lòng tôn trọng phẩm giá của họ và tuyệt nhiên không được hỏi
về thông tin cá nhân của họ, nhất là nơi họ đến .Vì người sa cơ thất thế rất
dễ bị tổn thương và tủi buồn khi có ai đó hỏi về lai lịch và quê hương gốc
gác của họ .
Người mẹ giàu lòng nhân ái đã khéo léo trao truyền cho con bài học thực
tiễn về lòng từ bi và sự tinh tế trong cách ứng xử với những người có hoàn
cảnh khó khăn.
Sự tử tế và lòng yêu thương, đôi khi thật giản dị nhưng đầy ý nghĩa nhân
văn như vậy đó.
Tử tế chính là hạt mầm nhỏ nhắn mà bất cứ ai trong chúng ta cũng có thể
gieo vào cuộc sống này, mọi lúc mọi nơi, để làm đẹp cho đời bằng những
hành động thiết thực và đầy yêu thương.
Hiep Phan – SJ Feb. -2022
LÀM SAO ĐỂ KHÔNG BỊ CỘNG NGHIỆP BẤT THIỆN
Có Phật tử đã hỏi rằng :
Nếu một người lúc sống hiền lành, lương thiện, nhưng sau khi mất người
nhà hay giết vật (như giết heo, gà, vịt…) để cúng cho người mất ấy, vậy người
mất có bị liên đới nghiệp không (tức bị tính đã tạo thêm tội lỗi, tội ác mới) ?
Rõ ràng là có rồi.
Bởi, vì có ngày giỗ của mình, nên người nhà mới giết vật cúng tế. Hơn
nữa, lỗi là do lúc sống người hiền đó đã chưa thật sự biết tu, chưa hướng
dẫn người nhà (người thân) của mình tu hành, ăn chay làm thiện…
Nếu quý vị cả đời hay ăn chay, hoặc ăn chay nhiều hơn ăn mặn, và thường
khuyên dạy con cái, cháu chắt… là không nên giết vật để cúng cho người
mất. Rồi còn dạy chúng là ” sau này khi mất đi, đừng bao giờ giết vật để
cúng cho (mẹ, cho cha, cho anh, cho dì…), mà chỉ cúng chay và đi phóng
sinh, làm phước (phát gạo cho người nghèo, cúng dường Tam Bảo…), để hồi
hướng công đức cho (cha, mẹ, anh, em, cô, dì, chú, bác…).
Khi chúng ta cả đời đã hành thiện, tu thiện và khuyên dạy con cái như
vậy. Thì rõ ràng sau khi chết, chúng sẽ không giết vật để cúng cho mình, và
như thế quý vị sẽ tránh được việc bị nghiệp tội liên đới.
Điều này cũng đã được dạy trong kinh Địa Tạng, thông qua ví dụ đó là :
Có một người đang đi bộ trên sa mạc nắng nóng, vất vả, lại phải đi, vượt
qua một quãng đường xa, rất xa, lại đi một mình, cô đơn. Và nếu cứ đi được
vài trăm mét thì gặp một người thân gửi (xếp) lên lưng họ vài viên gạch, đá
nặng ( nhưng họ không tự bỏ xuống được, cứ bị xếp lên).
Cứ xếp lên người họ như thế, lại phải đi bộ trên sa mạc dài, nắng nóng…
Thì rõ ràng càng đi, người đó sẽ vô cùng vất vả, khổ sở, nặng nhọc, nhiều
khi bị kiệt sức, ngã quỵ.
Hình ảnh trong ví dụ này, để minh họa cho việc người nhà vào ngày giỗ
của người mất, cứ sát sinh giết vật, tạo tội ác để cúng cho người mất. Cứ mỗi
lần giết vật là đang xếp lên lưng người thân nhiều gạch đá vậy. Người mất
ấy sẽ bị liên đới nghiệp, và ngày càng thêm tội lỗi, dễ bị đoạ xuống các cảnh
giới thấp kém, đau khổ.
Do đó, khi biết tu rồi, quý vị nên cố gắng dạy con cháu mình tu, đừng
giấu bí kíp và chỉ tu một mình. Càng giúp đỡ nhiều người biết tu, thì quý vị
sẽ được vô số điều lợi ích, sẽ gặt hái được vô lượng công đức lành.
Nam Mô Đại Từ Đại Bi Quán Thế Âm Bồ Tát
Thiện Tri Thức
ĐẦU NĂM XIN TẶNG 5 CHỮ NÀY LÀM VỐN SỐNG
- BÌNH
Bình ở đây chính là bình tĩnh, bình thản và cân bằng trong nội tâm. Cuộc
sống hối hả, dòng đời xô vồ, tâm ai bình thản người ấy sẽ cảm thấy vui vẻ,
hạnh phúc và thành công hơn người khác.
Bình cũng là cách đối nhân xử thế khéo léo. Bởi “dục tốc bất đạt”, nóng
vội sẽ đưa ra quyết định sai lầm, khó khăn chồng chất khó khăn, bế tắc vẫn
hoàn bế tắc. - TĨNH
Đôi khi “im lặng là vàng”, nói ít đi, lắng nghe nhiều hơn để tự mình điều
chỉnh tâm thái của chính bản thân. Vì cũng có khi, người nói nhiều quá sẽ
đánh mất vẻ đẹp của sự yên lặng.
Nói nhiều đồng nghĩa với việc không thể kiểm soát hành vi. Càng nói
nhiều càng dễ bị nói hớ, dễ đi chệch hướng. Vậy nên, cần phải tĩnh tâm, suy
nghĩ thấu đáo rồi mới làm, ắt tìm ra định hướng trong cuộc đời, thành công
ắt tới. - NGHE
Bản thân mỗi người cần phân định rõ đúng sai, phải trái. Nhưng nếu
không lắng nghe người khác, bạn khó mà xác định được.
Lắng nghe để biết lòng người ý ta, để tìm cách đối nhân xử thế, khắc phục
điểm yếu, phát huy điểm mạnh, âu cũng là mang lại lợi ích cho chính mình. - NHẸ
Càng xem nhẹ mọi thứ, tâm càng dễ thanh tịnh, hạnh phúc càng ngập
tràn. Danh lợi, tiền bạc chỉ là vật phù du, chết rồi có mang theo được đâu.
Buồn tủi, giận hờn sớm muộn rồi cũng qua đi, chỉ còn ta với ta. Vậy sao
không xem nhẹ mọi thứ, học cách buông bỏ để mọi phiền não bị thổi bay
nhanh chóng. - NHẪN
Nhẫn không đồng nghĩa với việc bị người ta chà đạp. Nhẫn là để tự cảnh
tỉnh bản thân, không nóng giận để rồi làm những việc sai trái. Tức giận
không những hại sức khỏe, tổn thương tinh thần mà còn đánh mất đi giá trị
đích thực trong con người bạn.
Vậy nên mới có câu: “Nhẫn nại để thể hiện sự độ lượng, tha thứ những
việc không thể thay đổi được. Có dũng khí để thay đổi những việc có thể
thay đổi được. Có trí tuệ để phân biệt được hai loại sự việc trên”. Làm được
những điều này, bạn đã là người thành công rồi đó.
Tiếng Lòng
(())
Namo Buddhaya
BẠN BIẾT YÊU CHÍNH MÌNH
KHI BẠN BIẾT YÊU CHÍNH MÌNH
Khi bạn biết yêu chính mình, người thật sự yêu bạn sẽ xuất hiện.
Khi bạn biết yêu chính mình, bạn sẽ không cho phép bất cứ ai làm tổn
thương bạn.
Khi bạn biết yêu chính mình, bạn sẽ chăm sóc tốt cho cơ thể mình hơn,
bạn hiểu rằng “một trí tuệ minh mẫn chỉ có thể ở trong một cơ thể khỏe
mạnh”.
Khi bạn biết yêu chính mình, bạn sẽ chấp nhận con người của bạn, bạn
không so sánh nó với người khác. Bạn sẽ phát huy hết tất cả những gì mình
có và bạn chủ động rèn luyện điều bạn còn thiếu.
Khi bạn biết yêu chính mình, những gì người khác nghĩ về bạn không
quan trọng đâu, quan trọng là bạn nghĩ gì về chính mình.
Khi bạn biết yêu chính mình, bạn sẽ sống cuộc đời mà mình muốn, bạn
bước ra vùng an toàn của bản thân, bạn trở thành một điều gì đó lớn hơn
bản thân mình, bạn sống một cuộc đời ý nghĩa hơn.
Khi bạn biết yêu thương chính mình. Dành thời gian quay vào bên trong
quan sát, chăm sóc, tưới tẩm cho tâm hồn thì chắc chắn hạt giống thiện lành,
hạnh phúc sẽ thường trực bên cạnh bạn, cùng bạn vững chãi, thảnh thơi đi
về phía trước.
Yêu thương chính mình không phải là ích kỷ. Khi bạn yêu thương chính
mình bạn sẽ an vui hạnh phúc từ trong nội tâm và lan tỏa hạnh phúc ấy đến
những người bên cạnh bạn.