KHÔNG CÓ THÌ GIỜ


Người ta phỏng vấn một bà già gần 90 tuổi rằng nếu được sống lại cuộc
đời đã qua một lần nữa, bà sẽ sống như thế nào?
“Nếu được sống lại cuộc đời đã qua lần nữa, – bà già nói: Thì tôi sẽ dám…
phạm nhiều sai lầm hơn. Tôi sẽ ngờ nghệch hơn là tôi đã ngờ nghệch trong
cuộc đời này. Tôi sẽ thảnh thơi hơn, linh hoạt hơn. Tôi sẽ coi ít thứ nghiêm
chỉnh hơn. Tôi sẽ trèo núi lội đèo nhiều hơn, bơi lội nhiều hơn…Tôi sẽ ăn
nhiều… kem hơn. Dĩ nhiên tôi sẽ gặp nhiều rắc rối hơn nhưng tôi sẽ thực tế
hơn là chỉ mơ mộng. Tôi sẽ bớt…lành mạnh hơn. Ôi, tôi đã có những khoảnh
khắc của đời mình và tôi muốn có nhiều hơn những khảnh khắc đó, cái nọ
nối cái kia, cái nọ tiếp cái kia thay vì tôi cứ sống để chờ đợi…
Nếu tôi được sống lại cuộc đời đã qua lần nữa tôi sẽ đi chân không nhiều
hơn, sẽ bớt mang theo dù và dầu nóng, bình thủy các thứ…Tôi sẽ hái nhiều
hoa cúc hơn…”.
Thỉnh thoảng có lẽ ta cũng nên tự hỏi mình một câu như vậy. Có phải ta
cũng thường sống trong nhớ tiếc hoặc đợi chờ, mà quên đi cái quà tặng quý
báu của cuộc sống chính là sự hiện diện của ngày hôm nay, của giây phút
này, của ở đây và bây giờ.
Tiếng Anh có một từ khá tuyệt: present, vừa có nghĩa là hiện tại, sự hiện
diện, có mặt, lại vừa có nghĩa là món quà. Ta nghe nơi này nơi khác người
ta luôn nói, không có thì giờ, không có thì giờ. Đến nỗi một nhà thơ phải kêu
lên:
Không có thì giờ!
Chim lấy đâu mà về tổ.
Tôi lấy đâu mà làm thơ.
Em lấy đâu mà đọc những bài thơ tôi sắp viết!
(Nguyên Sa).
Tiếng chim và khế ngọt vẫn có đó, ánh nắng và sóng biển vẫn có đó, đèo
cao và suối mát vẫn có đó, nhưng…hãy đợi đấy, còn phải dành thì giờ để
nhớ nắng hôm qua, mưa năm nọ, tiếng chim ngày cũ, rồi còn dành thì giờ
để mong ngóng tương lai, sống trong tương lai như cô nàng Perrette mang
bình sữa ra chợ! Ta chờ… lớn. Chờ thi đậu. Chờ thành đạt. Chờ có tiền. Chờ
cưới vợ. Chờ đẻ con. Chờ con lớn…Chờ con thi đậu. Cứ thế. Cho đến một
hôm thảng thốt: “Rồi tàn mùa xuân, rồi tàn mùa hạ, một ngày đầu thu… “
(TCS).
Mùa xuân sao không đi hái lộc, mùa hạ sao không dẫn bầy em nhỏ đi tắm
sông? “Hạnh phúc rất đơn sơ” vậy mà Khổng Tử suốt đời quần quật chỉ
mong được thế đôi lần! Quả thật chúng ta thường sống với dĩ vãng, một thời
đã qua hoặc sống với tương lai, một thời chưa tới. Còn hiện tại thì tối tăm
mặt mũi; không có thì giờ! Không kịp ăn sáng, không kịp tắm (không kịp
thay đồ?). Hộc tốc. Luôn luôn hộc tốc. Nhai ngoàm ngoằm. Đi vội vàng. Thở
hào hển. Và hùng hục.
Lâm Ngữ Đường hơn nửa thế kỷ trước đã chê người Mỹ có ba cái tật xấu
là luôn muốn tăng hiệu năng, muốn đúng giờ và muốn thành công. Ông nói:
“ Họ luôn cau có và quạu quọ vì ba cái tật đó đã cướp đi của họ sự thư nhàn,
lại còn làm cho họ luôn bị căng thẳng thần kinh vì luôn cầu toàn trách bị!
Viên chủ bút Mỹ lo bạc đầu vì muốn không có một lỗi in nào trong tạp chí
của ông ta, còn viên chủ bút Trung Hoa (dĩ nhiên, cách đây hơn nửa thế kỷ!)
khôn hơn, để cho độc giả có cái thú tìm ra được ít nhiều lỗi trên báo! Đời
sống bây giờ biến người ta thành cái…đồng hồ.
Người Mỹ sống như một học sinh tiểu học, giờ nào việc đó, từng giờ từng
phút “. Rồi ông kêu lên: Đời sống mà như vậy thì còn giá trị gì nữa (Sống
đẹp, LNĐ, bản dịch Nguyễn Hiến Lê). Ngày nay thì các “tật xấu” đó đã toàn
cầu hoá, đã trở thành bệnh của thời đại, đến nỗi bây giờ người ta bị cao huyết
áp, bị tim mạch, bị trĩ, bị bón….cũng vì không có thì giờ!
Nguyễn Công Trứ nói: “So lao tâm lao lực cũng một đàn/ Người trần thế
muốn nhàn sao được?” Ý ông là chỉ có tiên mới sướng.
Nhưng bây giờ ta cũng có tiền rồi, mà có tiền thì mua tiên cũng được quá
đi chứ. Tiện nghi ngày càng cải thiện. Đằng vân giá võ, thiên lý nhãn, thuận
phong nhĩ, thần giao cách cảm không thiếu thứ gì!
Bấm cái nút gặp ngay người trong mộng. Trò chuyện với người cách xa
nửa vòng trái đất như đang ngồi trước mặt…Thế mà vì sao ta không được
“sướng như tiên”? Có lẽ là do cái nhu cầu giả tạo cứ ngày càng dày đặc thêm,
cứ nhồi nhét mãi rồi thì đến một lúc tưởng là nhu cầu thật.
Đẻ con thì phải đẻ mổ, chọn giờ để mong sau này con được làm vua. Ai
cũng làm vua cả thì ai sẽ là thường dân cho vua trị vì? Nhưng vua đâu chẳng
thấy chỉ thấy nhiều trẻ thiếu oxy não, liệt thần kinh, bị tâm thần… Các thứ
sữa dành cho trẻ con bây giờ thì phải có chất tạo… thông minh. Làm như
xưa nay không có các sản phẩm đó thì thế giới chỉ toàn người ngu dốt!
Cho nên Tô Đông Pha mới buông thuyền sông Xích Bích, Bạch Cư Dị mới
xuống ngựa dừng chèo ở bến Tầm Dương, và Nguyễn Công Trứ mới… mơ
ước:
Năm ba chú tiểu đồng lếch thếch
Tiêu dao nơi cùng cốc thâm sơn
Nào thơ nào rượu nào địch nào đờn
Đồ thích chí chất đầy trong một túi…
(Kẻ sĩ)
Bây giờ “đồ thích chí” ta còn có thể chất đầy “trong một xe” đời mới, chỉ
“không có thì giờ!” thôi vậy!
BS Đỗ Hồng Ngọc

TỜ DI CHÚC

Có một ông gần 70 tuổi, góa vợ. Ông có 5 người con hiếu thảo và sống rất
hòa thuận với nhau. Đứa nào cũng có gia đình riêng, khá giả và thành đạt.
Ông rất hài lòng, tin tưởng, tự hào về con cái mình.
Xét thấy tuổi cao sức yếu, ông muốn chia toàn bộ gia sản cho con cái để
chúng có thêm điều kiện phát triển cơ nghiệp. Ông nghĩ con mình ngoan,
hiếu thảo thì mình sống với bất cứ đứa nào cũng tốt.
Căn nhà đang ở, giao cho vợ chồng đứa út và ông sống cùng nó.
Phần tài sản lớn được chia gần như đều nhau cho các con.
Được vài tháng, không khí trong nhà trở nên ngột ngạt. Vợ chồng nó hay
xì xào điều gì mà ánh mắt không mấy thiện cảm. Vợ nó hay đụng thúng đá
nia, chửi chó mắng mèo những chuyện đâu đâu làm ông nghe, cảm thấy
chạnh lòng. Vợ chồng nó thường xuyên cãi nhau, ai cũng trở nên nóng nảy.
Con vợ la to: của cải chia đều mà mình phải nuôi ổng thật là không công
bằng.
Ông buồn, bỏ sang ở với vợ chồng thằng thứ 2, con thứ 3, thằng thứ 4,
con thứ 5, mỗi nhà cũng chỉ được vài tuần là có chuyện.
Chúng hành xử như thể ông là người ở đậu, là của nợ. Chúng họp nhau
căng thẳng phân chia nhiệm vụ nuôi báo cô ông. Chúng bốc thăm theo
tháng, đứa trúng tháng 2 (28 ngày) cười vui vẻ, đứa trúng tháng 31 ngày,
méo mặt.
Cứ đến chiều cuối tháng, chúng đẩy ông ra cổng. Ông ôm bọc quần áo,
ngồi chờ mấy tiếng đồng hồ, đứa kế mới đến đón.
Quá buồn và thất vọng, ông hay ngồi trước mộ bà, nước mắt chảy dài, chỉ
biết tâm sự cùng với bà cho khuây khỏa, trông mong một ngày sẽ đi cùng
bà, được sống mãi những tháng ngày hạnh phúc và kiếp sau không mong
có những đứa con này.
Thấy tình cảnh bi đát của ông, bạn ông (cũng khá giàu có) tổ chức bữa
tiệc, mời tất cả 5 người con của ông đến dự. Trong men say là đà, ông rỉ tai
từng đứa, dẫn đến căn phòng kín, chỉ vào chiếc rương to với nhiều ổ khóa
và nói: đây là một nửa gia sản của ba tụi con gửi và ủy quyền cho chú, sau
này sẽ chia cho tụi con. Di chúc đã lập chỉ chờ điền % cho từng đứa vào là
xong.
Lạ thay, ngày hôm đó chúng tranh nhau chăm sóc ông, đứa nào cũng
muốn ông ở với nó. Tình thương đối với cha lai láng còn hơn lúc trước khi
chia tài sản.
Ông hết ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác, cảm động rơi nước mắt và
nghĩ: đây mới chính là những đứa con thân yêu, những dâu hiền, rể thảo
của mình.
Ông được sống những ngày tháng sướng nhất cuộc đời mình. Thời gian
màu hồng cứ thế trôi đi thêm hơn mười năm nữa thì ông ngã bệnh, tiên
lượng không qua khỏi trong vài ngày tới.
Chúng khóc lóc, nắm tay cha không nỡ buông ra, giây phút âm dương
chia biệt ngậm ngùi.
Chiếc rương được bạn ông tức tốc chở đến đám tang và được đặt trịnh
trọng cạnh quan tài, dưới hàng chục ánh mắt đau đáu nhìn vào.
Tang lễ được cử hành trang trọng, đầy tốn kém, phần mộ uy nghi bên
cạnh mộ bà và ước nguyện theo bà của ông cũng đã thành.
Sau phần tang lễ là chiếc rương được chúng nhanh chóng bật nắp mà
trong lòng ai cũng hy vọng mình được phần lớn trong di chúc do công chăm
sóc, tình thương và hiếu thảo của mình với cha. Nắp rương được mở…một
rương đầy cát, một tờ di chúc với nét chữ thân thuộc xiêu vẹo và chữ ký của
cha: “Đừng bao giờ chia hết gia tài cho con khi mình còn sống.”
SƯU TẦM

TÂM THƯ CHA GỬI CHO CON

  • Có ai khen con đẹp, con hãy cảm ơn và quên đi lời khen ấy. Có ai bảo
    con ngoan, hãy cảm ơn và nhớ ngoan hiền hơn nữa.
  • Với người òa khóc vì nỗi đau mà họ đang mang, con hãy để bờ vai của
    mình thấm những giọt nước mắt ấy. Với người đang oằn lưng vì nỗi khổ,
    con hãy đến bên và kề vai gánh giúp.
  • Người chìa tay và xin con một đồng.
    Lần thứ nhất con hãy tặng họ hai đồng
    Lần thứ hai hãy biếu họ một đồng
    Lần thứ ba con phải biết lắc đầu
    Và đến lần thứ tư con hãy im lặng, bước đi.
  • Nụ cười cho người. Con hãy học cách hào phóng của mặt trời khi tỏa
    nắng ấm. Nỗi đau con hãy nén vào trong. Nỗi buồn hãy biết chia cho những
    người đồng cảm.
  • Đừng khóc than, quỵ lụy, van nài. Khi con biết ngày mai rồi sẽ đến. Có
    bầu trời, gió lộng thênh thang. Con hãy đưa tay khi thấy người vấp ngã. Cần
    lánh xa kẻ thích quan quyền.
  • Bạn là người biết đau hơn nỗi đau mà con đang có. Thù là người quặn
    đau với niềm vui mà con đang có. Chọn bạn sai cả đời trả giá.
    Bạn hóa thù tai họa một đời.
  • Con hãy cho và quên ngay. Đừng sợ bóng đêm. Đêm cũng là ngày của
    những người thiếu đi đôi mắt. Đừng vui quá sẽ đến lúc buồn. Đừng quá
    buồn sẽ có lúc vui.
  • Tiến bước mà đánh mất mình. Con ơi, dừng lại. Lùi bước để hiểu mình.
    Con cứ lùi thêm nhiều bước nữa chẳng sao. Hãy ngước nhìn lên cao để thấy
    mình còn thấp. Nhìn xuống thấp. Để biết mình chưa cao.
  • Con hãy nghĩ về tương lai nhưng đừng quên quá khứ. Hy vọng vào
    ngày mai. Nhưng đừng buông xuôi hôm nay. May rủi là chuyện cuộc đời.
    Nhưng cuộc đời nào chỉ chuyện rủi may.
  • Hãy nói thật ít. Để làm được nhiều những điều có nghĩa của trái tim.
    Nếu cần, con hãy đi thật xa. Để mang về những hạt giống mới. Rồi dâng
    tặng cho đời dù chẳng được trả công. Những điều cha viết cho con được lấy
    từ trái tim chân thật. Từ những tháng năm lao khổ cuộc đời. Từ bao đêm
    chơi vơi giữa sóng cồn. Từ bao ngày vất vưởng long đong. Cha viết cho con
    từ chính cuộc đời cha.
  • Những bài học một đời cay đắng. Cha gởi cho con chút nắng. Hãy giữ
    giữa lòng con. Để khi con cất bước vào cuộc hành trình đầy gai và cạm bẫy.
    Con sẽ bớt thấy đau và đỡ phải tủi hờn. Đừng hơn thua làm gì với cuộc đời
    con ạ hãy để họ giành lấy phần họ muốn con hãy chậm bước dù là người
    đến muộn. Dù phần con chẳng ai nhớ để dành ! Hãy vui lên trước điều nhân
    nghĩa. Hãy buồn với chuyện bất nhân.
  • Và hãy tin vào điều có thật : Người với người sống để yêu thương…!!!
    (Sưu tầm)

NGƯỜI THIỆN LƯƠNG THÌ NƠI ĐÂU CŨNG TRỞ THÀNH PHÚC ĐỊA


Năm 1964, một tù nhân mới đến Nhà tù Đảo Robben. Giống như những
tù nhân khác, anh ta bị cởi quần áo ngay khi bước vào cửa và mặc bộ đồng
phục tù nhân có ghi: Số 466. Anh ta là một tù nhân chính trị, vì vậy anh ta bị
đẩy vào một phòng giam duy nhất chưa đầy 4,5 mét vuông. Kể từ đó, anh
sống một cuộc đời “tối tăm không nhìn thấy ánh sáng”.
Trong phòng giam tối om, với ánh đèn mờ ảo treo lơ lửng trên đầu, anh
bị giam 23 giờ mỗi ngày, chỉ nửa giờ sáng sớm và nửa giờ chiều tối là được
ra khỏi phòng giam. Anh ta hầu như chưa bao giờ nhìn thấy mặt trời trong
Nhà tù Đảo Robben, và anh ta hiếm khi có cơ hội cảm nhận gió ngoài cửa sổ.
Điều duy nhất anh ta có thể nhận ra là những tù nhân và tiếng rên rỉ của họ.
Nhà tù đảo Robben là một địa ngục cá nhân, nơi cai ngục thường vung
roi quất vào các tù nhân bị kết án, và dội nước ớt lên phần thịt hở một cách
tàn nhẫn. Hầu hết mọi người đều sống dưới đòn roi và ớt của lính canh. May
mắn thay, anh là tội phạm trọng điểm được quản giáo đặc biệt, nếu không,
anh chắc chắn cũng không thoát khỏi nanh vuốt của cai ngục.
Tôi không nhớ nổi đã bao nhiêu ngày, phải chứng kiến cảnh hai cai ngục
lôi một tù nhân ra khỏi phòng tra tấn như một cái xác, mỗi lần như vậy, lòng
đầy phẫn nộ, muốn thay đổi hiện trạng của nhà tù nhưng đành bất lực.
Người đã phạm tội cũng khó tự bảo vệ mình. Sau đó, anh và những người
bị kết án được bố trí lao động khổ sai trong mỏ đá của nhà tù đảo Robben.
Họ liều lĩnh di chuyển đá dưới sự giám sát của lính canh bằng súng mỗi
ngày. Nếu hành động chậm chạp, họ sẽ bị đánh đập nghiêm khắc.
Ngoài ra, tất cả các tù nhân bị kết án chỉ được phép ở trong mỏ đá này,
một khi bước ra khỏi rìa mỏ đá, họ sẽ bị bắn không thương tiếc. Sống trong
môi trường này lâu, đá vôi có tính phản xạ mạnh dưới ánh nắng mặt trời,
hàng ngày anh chỉ nhìn thấy ánh sáng trắng chói lóa nên thị lực dần dần suy
giảm. Mặc dù thị lực dần dần bị mờ, nhưng đôi mắt của anh vẫn tràn đầy ý
chí, nghị lực và tấm lòng chính nghĩa.
Có lần, anh tranh thủ cơ hội đã mạnh dạn đưa ra ý tưởng của mình với
quản giáo: Xin mở một khu vườn trong sân nhà tù! Ngay khi rời tòa án, ý
tưởng của anh đã bị ban quản lý nhà tù bác bỏ một cách tàn nhẫn. Nhưng
anh không nản lòng, anh nói ra ý tưởng của mình hầu như bất cứ khi nào
anh có cơ hội, sau vô số lần phủ quyết, sau khoảng 5 năm, điều ước của anh
cuối cùng đã thành hiện thực.
Ban quản lý nhà tù đồng ý mở cho anh ta một khu vườn ở một dải đất
hẹp dưới chân tường nhà tù, và cung cấp cho anh ta cà chua, ớt và các loại
hạt giống rau khác, đây là điều chưa từng xảy ra trong nhà tù. Sân nhà tù
Đảo Robben từ đó có thêm một màu xanh đầy cảm động.
Ngày nào anh cũng từ mỏ đá về chăm sóc khu vườn của mình, trong tù
nhiều người nói anh là “người thực vật” nhưng bản thân anh lại coi khu
vườn đó như khu vườn tâm linh của mình. Đá đâm vào mắt anh, anh quay
lại vườn rau nhìn quanh, màu xanh của cuộc sống làm vơi đi nỗi đau của
đôi mắt, vơi đi nỗi mệt nhọc, than phiền nơi mỏ đá.
Tuy nhiên, do thời tiết xấu nên vụ thu hoạch đầu tiên trong vườn không
được tốt lắm, anh chỉ thu hoạch được một rổ cà chua không được hồng hào
đẹp cho lắm, không nỡ ăn một quả, anh đem phân phát cho bạn tù và lính
canh.
Điều đáng ngạc nhiên là từ khi có cánh đồng rau này, toàn bộ trại giam
đã được cải thiện rất nhiều, mỗi khi ra tù để lao động khổ sai, nhiều phạm
nhân sẽ giúp anh chăm sóc vườn rau, lính canh cũng nhắm mắt cho qua.
Điều đáng kinh ngạc hơn nữa là thái độ của cai ngục dường như đã trở
nên tử tế hơn, bởi vì anh luôn gửi những quả cà chua mới hái cho các tù
nhân, sau đó gửi cho cai ngục. Những bàn tay cầm roi vọt của quản ngục
không còn ngạo nghễ nữa.
Một cai ngục da đen nói rằng bất cứ khi nào tôi giơ roi một cách liều lĩnh,
tôi nhớ ra rằng đây là một nhóm người đã cho tôi cà chua, trong mắt tôi,
không còn những phạm nhân bị kết án, họ nhắc nhở tôi về “Gia đình.”
Mối quan hệ giữa những tù nhân bị kết án và cai ngục dần trở nên hòa
hợp, và nhà tù đảo Robben không còn là một “địa ngục trần gian” tàn nhẫn
nữa. Tù nhân số 466 này đã có cả một vườn rau trong nhà tù đảo Robben
trong 18 năm cho đến khi bị chuyển đến nhà tù khác.
Kẻ bị kết án số 466 không ai khác mà chính là Tổng thống Nam Phi da
màu Nelson Rolihlahla Mandela đầu tiên trên thế giới. Trước khi trở thành
tổng thống, Mandela là nhà hoạt động chống chủ nghĩa apartheid (chủ nghĩa
phân biệt chủng tộc). Ông dùng một vài quả cà chua để làm cho cả nhà tù
trở nên hài hòa, ông không phải trồng trọt một vườn rau, mà là trồng trọt
lòng người.
Người thiện lương thì dẫu sống nơi đâu cũng trở thành phúc địa.
Biên tập: Thiên Hà

LÒNG TỐT


Cột điện trong làng xuất hiện dòng chữ lạ, vài ngày sau, Bà lão mù đã
thực sự đổi đời.
Dòng chữ trên cột điện viết gì mà một Bà lão nghèo và bị mù lòa trong
làng lại đứng trước cơ may đổi đời như vậy?
Một hôm, đang đi trên đường, một Người đàn ông bỗng nhìn thấy trên
cột điện có 1 mảnh giấy viết mấy dòng chữ.
Tò mò, Anh ta đến gần để đọc thì thấy nội dung thế này :
Hôm qua, tôi có đánh rơi tờ 50 rupee trên con đường này, nhưng vì mắt
tôi không nhìn rõ cho nên không thể tìm ra nó. Vì thế, nếu Ai có nhìn thấy
thì hãy cho tôi xin lại nhé. Đây là địa chỉ của nhà tôi…
Sau khi đọc xong, Người đàn ông nghĩ, 50 rupee chẳng phải là số tiền lớn,
đơn vị tiền tệ của Ấn Độ – chỉ tương đương khoảng 15.000 VNĐ, nếu Ai đó
đánh mất có 50 rupee thôi mà còn phải cất công viết lên cột điện để xin lại
thì có lẽ là đối với họ, đây là số tiền rất quan trọng. Có lẽ họ không may mắn
có được một cuộc sống dễ dàng.
Chính vì thế, Người đàn ông đã tìm đến đúng địa chỉ đã ghi trên cột điện
rồi gõ cửa. Ra mở cửa cho Anh là một Bà lão mù lòa.
Sau khi hỏi han, Anh biết rằng Bà lão chỉ sống có một mình trong ngôi
nhà này mà không có Chồng hay Con cháu gì.

  • Bà ơi, Cháu nghe nói Bà đã đánh rơi 1 tờ 50 rupee, hôm nay Cháu nhặt
    được nó nên đến để đưa lại cho Bà.
    Người đàn ông cất lời.
    Bà lão vừa nghe nói như thế, đôi mắt lại rưng rưng như muốn khóc. Sau
    đó, Bà từ từ nói với Anh:
  • Từ hôm qua đến bây giờ, đã có gần 100 người tìm đến nhà tôi, Ai cũng
    nói như Anh. Tôi không hiểu chuyện này là sao. Tôi không biết chữ, mắt
    cũng gần như mù lòa, chẳng nhìn thấy gì cả. Tôi cũng không đi ra đường
    để mà đánh rơi tiền. Thế nhưng, lại có Ai đó viết rằng tôi đánh rơi tiền ở
    giữa đường. Ban đầu có Người nói như vậy với tôi, tôi còn không tin, nhưng
    cả chục Người, rồi mấy chục Người cứ tìm đến đây, hết Người nọ đến người
    kia nói với tôi cùng 1 câu như Anh thì tôi đã hiểu ra rồi. Có người tốt bụng
    nào đó thương cái thân già này nên đã viết như vậy. Nhưng tôi cũng không
    ngờ là trên đời này lại có nhiều Người tốt đến thế…
    Vừa nói, Bà lão lại vừa khóc, nhất định không nhận tiền của Người đàn
    ông. Thế nhưng, Người đàn ông cũng nhất định không chịu rời đi. Cuối
    cùng, Bà lão đồng ý nhận số tiền nhỏ bé và cảm ơn Anh ta, kèm theo 1 điều
    kiện là Anh ta phải vứt mảnh giấy dán trên cột điện kia.
    Người đàn ông đồng ý, song khi quay lại chỗ cây cột điện, anh ta bất ngờ
    nghĩ: Hẳn là khi nhận tiền, Bà lão mù cũng đã yêu cầu tất cả mọi Người phải
    vứt tờ giấy đó đi, song nó vẫn cứ ở trên đó. Vậy thì sao mà mình phải vứt
    chứ?
    Và rồi vừa đi, Người đàn ông lại nghĩ tới người đầu tiên đã viết những
    dòng chữ trên cột điện. Người đó mới thực sự là Ân nhân của Bà cụ, cũng là
    Ân nhân của Anh và những người khác – Người đã giúp họ có cơ hội để giúp
    đỡ một Người đang cần đến nó và cho mọi người thấy rằng : Cuộc đời này
    thực ra rất ấm áp.
    Theo Moral Stories

CHUYỆN THÀNH CÁT TƯ HÃN VÀ CHIM ƯNG QUÝ


Chuyện kể rằng ngày đó Thành Cát Tư Hãn và các thuộc hạ của ông đi
săn, ông mang theo một con chim ưng mà ông cực kỳ yêu quý để đi săn
cùng. Nhưng ngày hôm ấy không hiểu sao mà tới trưa ông và các thuộc hạ
của mình vẫn không săn được bất kỳ con thú gì, vị vua của các vua ấy quay
về lều trại để không phải cáu kỉnh với thuộc hạ.
Trên đường về, ông khát nước nhưng mọi con suối đều khô cạn dưới sự
nóng bức của thảo nguyên, bỗng nhiên, ông thấy có một dòng nước nhỏ chảy
ra từ hòn đá trước mặt ông. Ông lấy chiếc cốc bạc ra hứng nước và phải chờ
một lúc lâu mới đầy nước. Ngay khi ông hé môi chuẩn bị uống thì con chim
ưng của ông bay tới tấn công làm ly đổ nước mất.
Tức giận nhưng con chim ưng yêu quý của ông đã bay lên cao nên ông
đành cúi nhặt chiếc cốc bạc nhưng khi ông đã hứng đầy chiếc ly lần 2 thì con
chim lại tấn công và lại làm đổ ly nước mà ông đã vất vả hứng.
Lần này thì ông vừa hứng vừa cầm thanh kiếm sắc bén của mình trên tay,
ngay khi ông hứng gần đầy cốc thì con chim ưng lại tấn công ông. Lần này
có thanh kiếm trên tay nên ông đã chém chết con chim ưng yêu quý của
mình nhưng chiếc cốc cũng đã không còn nước và dòng nước cũng đã khô
cạn trong cơn khát nước của vị vua tội nghiệp này.
Thành Cát Tư Hãn đành phải leo lên tảng đá để tìm nguồn nước khác và
tại đây ông bất ngờ chứng kiến một xác con rắn thuộc loài độc nhất thiên hạ
ở vũng nước đã tạo dòng chảy mà ông đã hứng. Nếu mà ông lỡ uống nước
thì ông có lẽ cũng chết rồi. Ông hối hận ôm xác của con chim ưng yêu quí
mà khóc rống lên.
Khi quay về, ông ra lệnh làm bức tượng chim ưng bằng vàng và khắc trên
2 đôi cánh 2 dòng chữ: “Khi một người bạn làm điều gì đó anh không vừa
lòng, người đó vẫn cứ là bạn của anh.”
Còn cánh bên kia, ông khắc dòng chữ: “Bất cứ hành động nào được thực
hiện trong cơn giận dữ đều là hành động đưa đến sự thất bại.”