Đó là con đường ngắn nhất và thẳng nhất. Bạn đến và tranh luận với tôi
về Phật Pháp, nhưng tôi sẽ không tham gia đâu. Thay vì tranh luận lại, tôi
chỉ nói lên một số suy nghĩ để bạn xem xét. Hãy hiểu lời Đức Phật dạy: buông
bỏ tất cả. Buông bỏ với chánh niệm và cái biết. Không có chánh niệm và cái
biết, buông bỏ như thế cũng chẳng khác gì với sự buông bỏ của trâu bò.
Không để tâm mình vào đó thì sự buông bỏ ấy là không đúng. Bạn buông
bỏ bởi vì bạn đã hiểu được cái thực tại chế định, cái quy ước do con người
đặt ra. Đó mới là không dính mắc.
Đức Phật dạy, trong giai đoạn đầu thực hành pháp, bạn phải cố gắng rất
nhiều, phát triển mọi phẩm chất tâm một cách kỹ lưỡng và phải gắn bó thật
nhiều. Gắn bó với Phật. Gắn bó với Pháp. Gắn bó với Tăng. Gắn bó một cách
sâu sắc và vững chắc. Đó là những gì Đức Phật dạy. Gắn bó một cách chân
thành, chặt chẽ, kiên trì và nhẫn nại.
Trong quá trình đi tìm kiếm chân lý, tôi đã thử hầu hết mọi cách thức
quán chiếu. Tôi hy sinh cuộc đời mình vì Pháp, bởi vì tôi có lòng tin vào sự
giác ngộ và vào con đường đi đến đó. Những điều này thực sự tồn tại, như
Đức Phật đã từng nói, chúng có thật. Nhưng để chứng nghiệm được điều đó
cần phải có sự thực hành, thực hành đúng. Bạn phải cố gắng hết khả năng
của mình. Phải có nghị lực và dũng cảm để tu tập, để suy xét và để chuyển
hóa triệt để. Phải có đủ dũng cảm để thực sự làm những việc cần làm. Và
bạn làm như thế nào? Huấn luyện tâm mình.
Các suy nghĩ trong đầu bảo rằng chúng ta phải đi theo hướng này, nhưng
Đức Phật bảo chúng ta phải đi hướng khác. Tại sao cần phải huấn luyện tâm?
Bởi vì tâm mình vốn bị chìm ngập và che phủ bởi phiền não. Một cái tâm
chưa được chuyển hóa nhờ tu tập là như thế. Nó không đáng tin cậy tý nào,
vì vậy đừng có tin nó. Nó chưa phải là trong sáng và thánh thiện. Làm sao
chúng ta có thể tin một cái tâm không thanh tịnh và thiếu sáng suốt?
Vì vậy, Đức Phật dạy chúng ta chớ có đặt lòng tin ở một cái tâm phiền
não và ô nhiễm.
Lúc ban đầu, tâm chỉ là tay sai của phiền não, nhưng nếu chúng đi cùng
với nhau một thời gian dài, tâm sẽ tự chuyển hóa để trở thành chính phiền
não. Chính vì thế Đức Phật dạy chúng ta chớ có tin cái tâm mình.
Nếu nhìn kỹ vào giới luật xuất gia, chúng ta sẽ thấy rằng tất cả là để huấn
luyện tâm mình. Và bất cứ khi nào huấn luyện tâm, chúng ta đều cảm thấy
bức bối và khó chịu. Khi vừa cảm thấy bức xúc, khó chịu, chúng ta đã bắt
đầu kêu ca: “Này ông bạn, thực hành thế này khó quá! Không làm nổi”.
Nhưng Đức Phật không nghĩ như thế. Ngài cho rằng khi sự tu tập làm chúng
ta cảm thấy bức bối và khó chịu, điều đó có nghĩa là chúng ta đang thực
hành đúng. Nhưng chúng ta thường không chịu nghĩ như thế. Chúng ta nghĩ
rằng đó là dấu hiệu cho thấy có cái gì đó sai. Cái hiểu sai lầm này là cái làm
cho sự thực hành của chúng ta trở thành khó khăn đến vậy. Lúc đầu, chúng
ta cảm thấy bức bối, khó chịu, vì vậy chúng ta nghĩ mình thực hành sai. Tất
cả mọi người đều muốn cảm thấy dễ chịu, nhưng họ lại ít quan tâm đến việc
nó đúng hay sai. Khi chúng ta đi ngược lại ý muốn của phiền não và thách
thức ái dục, thì tất nhiên chúng ta phải cảm thấy khổ sở. Chúng ta cảm thấy
bức bối, khó chịu, bực mình và rồi bỏ cuộc. Chúng ta nghĩ mình đã đi sai
đường. Tuy nhiên, Đức Phật nói mình đang đi đúng. Chúng ta đang đối mặt
với phiền não của mình, và nó chính là cái đang cảm thấy bức xúc và khó
chịu. Nhưng chúng ta thì lại cứ nghĩ mình bức xúc, mình khó chịu. Đức Phật
dạy đó chính là phiền não đang bị quậy tung lên và khó chịu. Nó y như vậy
đối với tất cả mọi người.
Đó là lý do việc thực hành pháp đòi hỏi rất cao. Mọi người thường không
chịu xem xét mọi việc một cách rõ ràng. Thông thường, họ hay đi chệch sang
một trong hai hướng là đắm chìm dục lạc hoặc tự hành xác mình. Họ mắc
kẹt trong hai cực đoan này. Một mặt họ muốn chiều theo mọi đòi hỏi hưởng
thụ của tâm mình. Thích cái gì là làm cái ấy. Họ thích ngồi tiện nghi và thoải
mái. Họ thích nằm ườn và duỗi dài một cách lười biếng. Bất cứ cái gì họ làm,
họ cũng đều tìm cách làm sao cho được thoải mái. Đó là sự đắm chìm trong
hưởng thụ dục lạc: bám víu vào cảm giác dễ chịu. Đắm chìm như vậy thì
làm sao tiến bộ được trong pháp hành? Khi không chìm đắm trong sự hưởng
thụ dục lạc và cảm giác dễ chịu, chúng ta cảm thấy bứt rứt không yên. Chúng
ta thất vọng, tức giận và phát khổ phát sở vì điều đó. Đó là rơi khỏi con
đường giữa để sang cực đoan tự hành xác mình. Đó không phải là con đường
của các bậc thánh an tịnh, không phải con đường của những người bình an.
Đức Phật cảnh báo chúng ta đừng để rơi vào một trong hai cực đoan đắm
chìm hưởng thụ và tự hành xác như vậy. Khi có cảm giác dễ chịu, hãy hay
biết nó với chánh niệm. Khi có tâm sân, ác ý, bất an, hãy hiểu rằng bạn không
còn đi theo con đường của Đức Phật nữa. Đó không phải là con đường của
người đi tìm chân lý, nó là con đường của người đời. Một nhà sư bình an
không đi xuống con đường ấy. Họ đi thẳng con đường giữa, giữa một bên
là hưởng thụ dục lạc và một bên là tự hành xác. Đó là sự thực hành đúng.
Nếu bạn muốn tu tập trong cuộc đời xuất gia, bạn phải đi theo con đường
trung đạo, không để hạnh phúc hay đau khổ làm động tâm mình. Hãy đặt
chúng xuống. Nhưng nó cảm giác như là chúng đang đá bạn lộn qua lộn lại.
Đầu tiên nó đá ta từ bên này, “Ái chà!”, rồi nó lại đá tiếp từ bên kia, “Ối
giời!”. Chúng ta thấy mình như cái mõ gỗ, bị đánh chao qua chao lại từ bên
này qua bên kia. Trung đạo là buông bỏ cả hạnh phúc lẫn đau khổ,và cách
thực hành đúng là thực hành theo con đường giữa. Khi sự khao khát hạnh
phúc đập ta và chúng ta không làm nó thỏa mãn, chúng ta sẽ cảm thấy đau
đớn. Đi theo con đường trung đạo của Đức Phật rất gian khổ và đầy thử
thách. Chỉ có hai cực đoan tốt và xấu đó mà thôi. Nếu ta tin vào những gì
chúng nói, chúng ta sẽ phải làm theo mệnh lệnh của chúng. Nếu ta tức giận
một ai đó, ngay lập tức chúng ta đi tìm một cây gậy để đập người ta. Không
chút nhẫn nại. Khi yêu một ai đó, chúng ta muốn chăm sóc cô ấy/anh ấy từ
đầu đến chân. Tôi nói có đúng không? Hai thái cực ấy hoàn toàn trượt qua
trung đạo. Đó không phải là điều Đức Phật dạy. Lời dạy của Ngài là dần dần
buông bỏ những thứ đó xuống. Cách thực hành của Ngài là con đường thoát
ra khỏi luân hồi, không còn tái sanh nữa – một con đường vượt ra khỏi sự
trở thành, sanh hữu, vượt ra ngoài hạnh phúc và đau khổ, tốt và xấu.
Những người khao khát sinh tồn thường mù quáng, không thể nhìn thấy
trung đạo. Họ rơi khỏi trung đạo về phía hưởng thụ và rồi lại trượt qua trung
đạo sang phía bất an và bất toại nguyện. Họ liên tục bỏ qua điểm giữa. Nơi
chốn thiêng liêng ấy vô hình đối với họ khi họ cứ lộn qua lộn lại như vậy.
Họ không trụ lại ở nơi không có sanh hữu và tái sanh. Họ không thích nó, vì
vậy họ không ở lại. Hoặc là họ đi xuống khỏi nhà để bị chó cắn hay bay lên
cao để bị kên kên mổ đầu. Đó là sinh hữu. Con người mù quáng không thấy
được cái vượt ra khỏi sự sinh tồn, không còn tái sinh. Tâm con người bị che
mờ, vì vậy thường xuyên bỏ qua nó. Con đường trung đạo mà Đức Phật đã
đi.