BỐN CẢNH GIỚI TRONG CUỘC ĐỜI

Cười Mà Không Nói,
Khổ Mà Không Than,
Mê Mà Không Lạc,
Hoảng Mà Không Loạn

  1. Cười Mà Không Nói Thể Hiện Sự Rộng Lượng, Không Khoe Khoang
    “Ngắm hoa vừa hé nở, uống rượu ngà ngà say”, làm người tốt nhất là giữ
    được vẻ trầm lắng, ẩn mình giấu tài.
    Cười mà không nói, không có nghĩa không thể chia sẻ niềm vui, mà là
    không vì sự cao hứng của bản thân, khiến người khác không thoải mái
    So với những người bụng dạ hẹp hòi, đối chọi gay gắt, người cười mà
    không nói có thể kiềm chế tính xốc nổi bên trong mình và không dễ làm tổn
    thương người khác.
    Dù đối mặt với những lời gièm pha ác ý, đàm tiếu, đều có thể giữ bản
    thân có chừng mực, lúc gặp lại mỉm cười bao dung, mọi ân oán đều tan biến.
    Mọi đau thương hiểu lầm rồi sẽ qua đi, chỉ có nụ cười vẫn mãi khắc sâu cùng
    thời gian.
    Có một câu nói phổ biến trên Internet, “Đừng phàn nàn với bất cứ ai, bởi
    vì 80% mọi người không quan tâm, và 20% còn lại sẽ rất vui khi nghe điều
    đó.”
    Mặc dù câu nói này nghe có vẻ hơi phũ phàng, nhưng nó cho chúng ta
    biết một đạo lý: Trút bầu tâm sự nên có giới hạn, sự cảm thông cần đúng lúc.
  2. Đối Mặt Với Khó Khăn, Khổ Mà Không Than Là Lựa Chọn Tốt Nhất.
    Trái tim của một người phải đủ sâu để chứa đựng một một vài chuyện.
    Lòng khô cạn như sa mạc chẳng thể chứa đựng bất cứ điều gì, chỉ gặp một
    chút buồn đau đã trôi đi rồi.
    Người khôn ngoan không coi nhẹ sự khốn khó mà nắm chắc những điều
    may mắn trong cuộc sống, trong khi kẻ khờ khạo lại bị ám ảnh bởi sự bất
    hạnh của chính mình.
    Không than vãn không phải là tự kìm nén bản thân, mà là nhìn thấu cuộc
    sống, một kiểu trí tuệ đấu tranh không vô ích, một kiểu dũng khí đấu tranh
    chống lại đau khổ.
    Khổ mà không than không phải là “ngậm đắng nuốt cay” giữ ấm ức trong
    lòng, mà là bớt kêu ca oán trách, học cách chịu thua thiệt một chút cũng
    không sao.
    Sẽ có một ngày, chúng ta sẽ biết ơn bản thân mạnh mẽ, không bị đánh bại
    bởi khổ đau, và đối mặt với khó khăn một cách bình tĩnh.
  3. Mê Mà Không Lạc Là Một Dạng Trí Tuệ.
    Chúng ta thường bị lạc trong thế giới phức tạp bởi vì chúng ta đi quá
    nhanh, quá xa, và quên mất chúng ta đã bắt đầu từ đâu, tại sao xuất phát.
    Phòng trống đương nhiên thông thoáng và sáng sủa, nếu phòng có nhiều
    đồ đạc thì ánh sáng sẽ không xuyên qua được.
    Nếu trái tim con người được quét dọn sạch sẽ, thì trái tim sẽ tràn ngập
    ánh nắng, và kết quả tất nhiên sẽ là trong sáng và bình yên.
  4. Đừng Lạc Lối, Điều Bạn Cần Là Tìm Kiếm Chính Mình Bên Trong.
    Trong cuộc đời, bạn phải biết buông bỏ phồn hoa, từ bỏ những bận rộn
    vô nghĩa và lắng nghe tiếng nói bên trong mình.
    Trong cuộc sống hạn hẹp của mình, chúng ta không thể chỉ sống trong
    ngập tràn danh lợi mà bỏ qua sức khỏe, hạnh phúc, gia đình, v.v .. Dù bận
    rộn đến đâu, chúng ta vẫn cần tìm cho mình một khoảng không gian để sống
    chậm lại và dành chút thời gian cho trái tim.
    Đầu óc mệt mỏi cần một khoảng thời gian được nghỉ ngơi, để duy trì sự
    trong sạch và bình tĩnh, để không đánh mất chính mình, để thoải mái hơn
    và bớt nóng nảy.
  5. Hoảng Mà Không Loạn, Là Một Kiểu Mạnh Mẽ.
    “Gặp chuyện không loạn, trước lợi ích không rung động” là một tâm thái
    bình tĩnh, dễ dàng đối phó.
    Càng gặp trường hợp khẩn cấp đột ngột, càng ít hoảng sợ, càng phải bình
    tĩnh và điềm đạm hơn.
    Hoảng mà không loạn, điều cần thiết là một trái tim vững vàng và sự tập
    trung cao độ.
    Có câu nói rằng: “Bình tĩnh khoan thai là cách đầu tiên để làm nên
    chuyện”.
    Gặp chuyện liền lo lắng, cảm thấy cực kỳ hoảng loạn, một người mất tinh
    thần khó có thể làm nên chuyện lớn.
    Trong cuộc sống, chúng ta phải trải qua quá trình từ non nớt đến trưởng
    thành, từ công khai đến kiềm chế, và từ mạnh mẽ đến tao nhã.
    Những gì từng trải sẽ không ngừng khiến bạn phong phú và nâng cao
    cảnh giới cuộc sống.
    Một Tách Trà Thiền.

HẠT TÁO

Tại một xứ Hồi giáo nọ, có một người đàn ông bị vua truyền lệnh treo cổ
vì đã ăn cắp thức ăn của một người khác.
Như thường lệ, trước khi bị treo cổ, tù nhân được nhà vua cho phép xin
một ân huệ. Kẻ tử tội bèn xin với nhà vua như sau:
“Tâu bệ hạ, xin cho thần được trồng một cây táo. Chỉ trong một đêm thôi,
hạt giống sẽ nảy mầm, thành cây và có trái ăn ngay tức khắc. Ðây là một bí
quyết mà cha thần đã truyền lại cho thần. Thần tiếc là bí quyết này không
được truyền lại cho hậu thế”.
Nhà vua truyền lệnh cho chuẩn bị mọi sự sẵn sàng để sáng hôm sau người
tử tội sẽ biểu diễn cách trồng táo.
Ðúng giờ hẹn, trước mặt nhà vua và các quan văn võ trong triều đình, tên
trộm đào một cái lỗ nhỏ và nói:
“Chỉ có người nào chưa hề ăn cắp hoặc lấy của người khác, người đó mới
có thể trồng được hạt giống này. Vì đã từng ăn trộm nên tôi không thể trồng
được hạt giống này”.
Nhà vua tin người tử tội, nên mới quay sang nhìn vị tể tướng, có ý nhờ
ông ta làm công tác ấy. Nhưng sau một hồi do dự, vị tể tướng mới thưa:
“Tâu bệ hạ, thần nhớ lại lúc còn niên thiếu, thần cũng đã có lần lấy của
người khác… Thần cảm thấy mình không đủ điều kiện để trồng hạt táo này”.
Nhà vua đảo mắt nhìn quanh các quan văn võ đang có mặt, ông nghĩ
bụng: May ra quan thủ kho trong triều đình là người nổi tiếng trong sạch có
thể hội đủ điều kiện. nhưng cũng giống như vị tể tướng, quan thủ kho cũng
lắc đầu từ chối và tuyên bố trước mặt mọi người rằng, ông cũng đã có một
lần gian lận trong chuyện tiền bạc. không còn tìm được người nào có thể
thực hiện được bí quyết trồng cây ấy, nhà vua định cầm hạt giống đến cho
vào lỗ đã đào sẵn. Nhưng ông cũng chợt nhớ rằng lúc còn niên thiếu, ông
cũng có lần đánh cắp một báu vật của vua cha…
Lúc bấy giờ, người tử tội chỉ vì ăn cắp thức ăn, mới chua xót thốt lên:
“Các ngài là những kẻ quyền thế cao trọng. Các ngài không hề thiếu thốn
điều gì. Vậy mà các ngài cũng không thể trồng được hạt giống này, bởi vì
các ngài cũng đã hơn một lần lấy của người khác. Còn tôi, một con người
khốn khổ, chỉ lỡ lấy thức ăn của người khác để ăn cho đỡ đói qua ngày, thì
lại bị các ngài nghị án treo cổ…”.
Nhà vua và cả triều thần nghe như xốn xáo trong lương tâm. Ông ra lệnh
phóng thích cho người ăn trộm.
Hạt giống Bình An đó chỉ có thể nảy mầm thành cây và mang lại hoa trái
là nếu mỗi người ai cũng dọn sẵn đất đai cho nó.
Ðất đai thuận tiện để cho hạt giống của Bình An ấy được nảy mầm, chính
là lòng sám hối thực sự. Sám hối nghĩa là biết chấp nhận chính bản thân và
sẵn sàng cảm thông, tha thứ cho người khác.
Có nhận ra những yếu đuối bất toàn của mình, con người mới dễ dàng
cảm thông và tha thứ cho người. Và có cư xử như thế, chúng ta mới thấy
được hạt giống Bình An nảy mầm trong tâm hồn chúng ta và mang lại hoa
trái cho người xung quanh.
Phạm Minh Luân sưu tầm

BIẾT TU, BIẾT TỰ CỨU MÌNH

Thời gian rất quý báu. “Một chút thời gian là một chút mạng sống.” Cho
nên chớ tùy tiện để cho thời gian trôi qua lãng phí. Chờ đến lúc tam tai (nạn
lửa, nạn nước, nạn gió) tới, mình tránh được chăng?
Vì vậy lúc trẻ mình cần phấn tấn tu hành, đừng chờ tới ngày mai mới tu.
Hôm nay, tức thời tu hành, đó là thượng sách.
Có người nghĩ rằng:
“Ngày hôm nay mình khoan tu đã, chờ đến ngày mai hãy tu.” Nhưng
ngày mai đến, mình lại hẹn đến ngày mai nữa, hẹn hoài hẹn mãi, hẹn đến
lúc đầu bạc, mắt mờ, tai lạng, răng long. Lúc đó dù muốn tu, mà tứ chi chẳng
còn linh hoạt, thân nào có nghe lời mình. Bấy giờ, khổ vô cùng vậy!
Các vị nên nhớ rằng, chúng ta sống trên đời nầy cũng giống như con cá
nằm trên vũng nước nhỏ, không bao lâu nước sẽ cạn.
” Một ngày đã hết, mạng cũng giảm dần,
Như cá cạn nước, thử hỏi vui gì?
Ðại chúng!
Hãy siêng tinh tấn, như đầu bị đốt,
Chỉ nhớ vô thường, chớ mặc buông lung.”
Từ vô lượng kiếp đến nay, chúng ta không biết làm sao tu, nên sinh rồi
lại chết, chết rồi lại sinh, đó là điều mà mình phải hết sức đau lòng.
Tại sao tới ngày hôm nay mình vẫn còn chần chờ, chẳng chịu tu?
Quý-vị nghĩ xem, thời gian không chờ đợi ai, trong nháy mắt thì sinh
mạng mình đã kết thúc rồi.
.. Tháng năm như cát chảy qua kẽ tay. Qua một ngày là mất đi một ngày.
Không có chiều ngược lại. Hầu hết mọi người chúng ta cứ bận rộn với công
việc. Không có thời gian cho chính mình và cho mọi người. Chớp mắt đã là
ba bốn năm không gặp. Ngoảnh đầu lại đã là cả đời người.
Thời gian cứ âm thầm lặng lẽ trôi. Con người cứ ngày càng gần đến già,
bệnh rồi chết. Nhưng chúng ta đâu có thời gian để ý đến điều đó đâu. Chúng
ta vẫn ngây thơ tin rằng mình còn rất nhiều ngày mai để làm.
Để rồi khi duyên đã tận, ngày đã hết. Mới phát hiện ra không còn một
ngày mai nào nữa. Lúc đó hối hận thì đã quá muộn màng rồi!!!
Pháp Ngữ HT Tuyên Hóa
Namo Buddhaya

TUỔI XẾ CHIỀU…!

Rồi ai cũng phải về với cát bụi, có ai sống mãi trên Nhân thế này đâu. Và
Thời gian càng ngày càng ngắn lại, sức khỏe càng ngày càng yếu đi.
Sao không bắt tay làm ngay những điều mình mong ước;
Sao không đi đến ngay những nơi mà ta thích thú;
Sao không sắm ngay những vật mà ta từng mơ tưởng khi trong túi vẫn
đủ tiền;
Sao không chào mọi người bằng cái vẫy tay, bằng một nụ cười bởi nhiều
khi đó là lần đầu tiên ta gặp họ nhưng có thể cũng là lần cuối cùng bởi không
còn Duyên gặp lại,
Tuổi già nên tạo cho mình một đam mê sáng tạo:

  • Chụp hình, vẽ tranh, nặn tượng, làm gốm, làm vườn, trồng cây, viết
    nhạc, làm thơ, đi đây đi đó…
    Tất cả trở thành gia vị cho cuộc sống mà thời trẻ bận rộn với manh áo,
    miếng cơm, lo âu cuộc sống ta không thực hiện được. Gắng đọc sách, đọc
    báo, vào mạng, viết mail để rèn luyện trí nhớ. Sống lâu mà chẳng nhớ gì,
    chẳng biết gì đang xảy ra cũng phí một quãng đời.
    Đoạn đường trước mặt của mọi người ngày càng ngắn lại;
    Sao không thể tha thứ, bao dung cho nhau những tỵ hiềm, những đụng
    chạm của một thuở;
    Sao không siết tay nhau khi còn sống.
    Sao không kiếm miếng ngon để thưởng thức hương vị của cuộc đời khi
    túi còn đủ tiền để trả cho món ăn ngon đã đến lúc không nên hà tiện, keo
    kiệt để làm khổ thân mình, bởi khi ta mất đi mà vẫn còn tiền nhiều quá cũng
    là điều bất hạnh.
    Nếu con cháu ngoan hiền thành đạt, có tình cảm với ta, có chăm sóc, thăm
    hỏi ta cũng là điều hạnh phúc. Bằng không, nếu chúng quên tình cảm Gia
    đình thì cũng đừng lấy điều đó làm buồn mà thất vọng.
    Con cái muốn đi theo con đường nào, chọn ngành nghề gì, yêu ai và muốn
    lập Gia đình với ai, ta chỉ nên khuyên nhủ, định hướng, không nên bắt chúng
    phải theo ý ta, sống vì ta.
    Bởi chúng có cuộc đời riêng của Chúng và Chúng ta chắc chắn sẽ không
    sống mãi với Chúng nên phải để Chúng quyết định đời mình.
    Cũng không nên quá tin tưởng vào Con cái mà giao hết số tiền dành dụm
    suốt cuộc đời cho chúng. Vì đó là mở đầu cho những bất hạnh mà ta phải
    chịu đựng sau này. Nếu khi đến tuổi mà cứ ôm khư khư các Cháu, ta đã phí
    phạm thời gian còn lại ngắn ngủi của mình.
    Người biết lo xa là khi tuổi Trung niên đã chuẩn bị cho Tuổi già, chuẩn bị
    để khỏi lệ thuộc vào Con cái về vật chất, được như thế những ngày của Tuổi
    già không phải trông mong vào những đồng tiền chu cấp của các Con, được
    thoải mái và tự do trong sinh hoạt.
    Người ta bảo Tuổi già buồn, nhưng thật ra nếu biết cách sống và có sức
    khỏe, Tuổi già là tuổi vui. Đó là Tuổi đã làm xong những phận sự, chẳng còn
    nhiều trách nhiệm với cuộc đời, mọi lo toan cũng chẳng còn mấy chút.
    Giàu cũng giàu rồi, nghèo cũng nghèo rồi, chẳng còn sức lực và Thời gian
    để thay đổi Số mệnh.
    Đau khổ, lo âu hay hạnh phúc, hoan hỷ đều do Tâm ta mà ra. Cuối con
    đường của cuộc sống, an lạc, an nhiên mà đi, chăm sóc bản thân, chấp nhận
    cái đích cuối cùng của Loài người, không âu lo, chẳng sợ hãi cái Chết.
    Hãy xem Cuộc đời chẳng có gì là quan trọng nữa và tận hưởng nó đến
    giây phút cuối cùng, âu đó chính là con đường hạnh phúc..!

MIẾNG ĂN LÀ MIẾNG TỒI TÀN


Có một câu chuyện về chim Đại bàng. Một loài chim xem như vị chúa tể
của bầu trời… Nhưng đã vì miếng mồi nguy hiểm mà bỏ mạng…!
Loài chim này rất lớn, có đôi mắt nhìn thật xa, thấy một con cá đang bơi,
một con thỏ đang chạy cả vài cây số, trọng lượng tầm hơn chục kí nhưng có
thể nhấc một con mồi nặng gấp ba, bốn lần trọng lượng của bản thân và bay
xa một chặng đường dài về tổ trên núi cao…
Nó bay trên cao và dùng đôi mắt cực tinh để tìm mồi tận dưới biển. Đại
bàng có cách bắt mồi rất dữ dằn. Khi thấy miếng ăn thích hợp, nó từ trên
cao, lao xuống thật nhanh, phập lấy con mồi bằng những móng vuốt dài sắc
nhọn, cất đôi cánh rộng dài hàng mét, rồi mang lên cành cây cao, vách núi
mà rỉa sạch….
Cứ thế, hàng ngày đại bàng dùng những ưu thế để kiếm miếng ăn…
Lần đó, cũng như mọi khi từ trên cao đại bàng thấy con mồi vừa tầm, nó
lao xuống phập rất sâu rất mạnh. Phập vô con mồi, rồi cất cánh bay lên,
nhưng bay lên không được, chẳng ngờ nó vì phập nhầm… cá mập. Bấy giờ
muốn nhả ra, nhả cũng không được vì móng vuốt đã lún sâu vào thịt cá.
Khốn khổ thay…, sức nặng của cá mập cứ trì xuống… trì xuống.
Nó không màng tới chuyện ăn uống chi lúc này, chỉ muốn bay lên thoát
nạn mà thôi, nhưng không được nữa rồi….!
Trong hoàn cảnh như thế, con đại bàng không còn cách nào khác hơn là
cùng với cá mập, từ từ chìm xuống lòng đại dương.
Và câu chuyện kết thúc… !
Câu chuyện thật ngắn mà đi hết vô lượng đời. Bởi vì tất cả chúng sanh
đều giống như chim đại bàng đó vậy. Đại bàng đâu ngờ nó bấu miếng mồi,
nhưng cuối cùng miếng mồi bấu lại nó. Nó nghĩ miếng mồi đó ngon lắm,
vừa mắt, vừa lòng nó lắm nên quên cả tính mạng, lao vào phập thật sâu thật
nhanh, không cần biết miếng mồi ấy là gì…?
Khi quắp không được miếng mồi, nó muốn nhả ra nhưng muộn mất rồi….
Đau khổ ở chỗ là không ăn thì nhả ra, nhưng nhả ra cũng không được.
Con người cũng thế, khi lòng tham nổi lên không nghĩ tới hậu quả. Bằng
mọi cách cứ bám theo miếng mồi, miếng ăn, không biết được sự nguy hiểm
của nó, không biết hoàn cảnh của mình đang ở đâu, có xứng đáng được ăn
hay không,…?
Cuối cùng chính miếng mồi ấy giết mình. Nhưng nếu nói chính xác hơn
thì không phải miếng mồi giết mình, mà lòng tham của mình giết mình…!
Ôi…! Miếng ăn đã hại người tham lam vô độ…!
Miếng ăn là miếng tồi tàn..!
ĐINH TRỰC

KHI THẬT TÂM TU HÀNH, CHÚNG TA SẼ KHÔNG BAO GIỜ CÔ ĐƠN

Tất cả chúng ta, khi chúng ta thật lòng tu hành, không bao giờ chúng ta
cô đơn. Nhớ như vậy, không bao giờ ta cô đơn. Chỉ sợ ta giả tu thôi, ta tu vì
háo danh, tu để khoe khoang, tu để nổ, tu để quảng cáo,… thì ta có thể cô
đơn, ta bị Thánh Hiền quay lưng ruồng bỏ.
Còn nếu ta thật lòng tu hành, vì niềm tôn kính Tam Bảo tuyệt đối, vì lòng
thương yêu chúng sinh vô hạn, vì hiểu sâu sắc cái nỗi khổ của thế gian, vì
khát khao tìm cầu sự giác ngộ giải thoát vô ngã trọn vẹn, mà ta tinh tấn tu
hành, tu hành trong khiêm cung, tu hành trong kín đáo. Thì xin thưa: không
bao giờ chúng ta cô đơn. Lúc nào chư Phật, chư Bồ-tát cũng đang nhìn, đang
ngó chúng ta, theo dõi chúng ta từng bước chân chúng ta đi, từng cái suy
nghĩ chúng ta khởi lên trong đầu, để mà kịp thời hỗ trợ.
Những ai có kinh nghiệm tu hành đều sẽ thấy điều này: lúc nào tới giờ
đáng lẽ mình phải ngồi tu tập mà mình quên hay sao, sẽ có một cái gì đó
xuất hiện để nhắc ta liền. Hoặc là ta có ý nghĩ gì sai lầm, tự nhiên có cái gì
đó nhắc ta liền. Hoặc đôi khi ta có khó khăn gì đó, bỗng nhiên có cái gì đó
xảy ra giúp ta vượt qua liền.
Bởi vì sao?
Bởi vì khi ta thật lòng tu hành, thì ta là những đứa con ngoan của Phật,
mà là con ngoan của Phật thì lúc nào Phật cũng theo dõi, dìu dắt, che chở ta.
Tuy ta không thấy Phật, nhưng mà tình thương yêu của chư Phật, chư Bồ-
tát lúc nào cũng ban rải, cũng thấm nhuần trong cuộc đời của ta, trong trái
tim ta, chỉ vì ta không đủ sức để nhận ra điều đó thôi. Cũng giống như người
cha thương yêu đứa con mình, lúc nào cũng thương yêu tràn đầy, nhưng
đứa con sẽ khó nhận biết, vì tình thương vốn là vô hình. Thì Phật cũng vậy,
lúc nào cũng bên cạnh ta, cũng thương yêu ta, cũng che chở, soi sáng ta.
Còn ta vì ta không đủ trí tuệ, ta không nhận ra được, nhưng ta hãy tin
vào điều đó, hãy tin là: ở trên kia, nơi cái cõi cao siêu đó, lúc nào chư Phật,
chư Bồ-tát cũng đang nhìn vào trái tim ta, nhìn vào cuộc đời ta để dìu ta đi
qua từng cái sóng gió, khó khăn trong cái sự tu tập. Cái phần còn lại chỉ là
bổn phận của chính chúng ta hãy tinh tấn tu hành, hãy thương yêu con
người, hãy sống vì mọi người, vì Phật Pháp, vì chúng sinh, đừng bao giờ mà
chán nản, và biết rằng không bao giờ ta cô đơn.
Nhớ như vậy!!
Phật Tâm
Namo Buddhaya