TRỞ VỀ SỰ BÌNH YÊN CHÂN THẬT TRONG TÂM

Một vị Vua treo giải thưởng cho họa sĩ nào vẽ được bức tranh đẹp nhất
về Sự Bình Yên. Nhiều họa sĩ đã cố công.
Nhà vua ngắm tất cả những bức tranh, nhưng ông chỉ thích có hai bức,
và phải Chọn lấy Một.
Trong hai bức tranh đó, một bức tranh vẽ hồ nước yên ả. Mặt hồ là tấm
gương tuyệt mỹ với những ngọn núi cao chót vót bao quanh. Bên trên là
bầu trời xanh với những đám mây trắng bồng bềnh, trôi lững lờ. Tất cả
những ai ngắm bức tranh đều cho rằng đây là một bức tranh Bình Yên thật
hoàn hảo.
Bức tranh thứ hai cũng có những ngọn núi, nhưng là những ngọn núi trần
lụi và lởm chởm đá. Bên trên, bầu trời giận dữ đổ mưa như trút, kèm theo
sấm chớp ầm ầm. Bên vách núi là dòng thác cuồn cuộn nổi bọt trắng xóa.
Thật chẳng Bình Yên chút nào!
Nhưng sau khi nhà Vua ngắm nhìn, ông phát hiện đằng sau dòng thác là
một bụi cây nhỏ mọc lên từ khe nứt của một tảng đá. Nơi đó, giữa dòng thác
trút nước xuống một cách giận dữ, có Con Chim Mẹ đang thản nhiên đậu
trên tổ của mình, bên cạnh đàn chim con ríu rít… Cảm Giác Bình Yên Thật
Sự…
“Ta chấm bức tranh này!” nhà Vua công bố.
“Sự Bình Yên không có nghĩa là không ồn ào, không giận dữ.
Bình yên có nghĩa là ngay chính khi đang ở trong Phong Ba Bão Táp, ta
vẫn cảm thấy còn có sự yên tĩnh hiện diện trong trái tim mình.
Đó mới là ý nghĩa thực sự của Sự Bình Yên”.
Sưu tầm

YÊU CUỘC SỐNG TỪ NHỮNG ĐIỀU BÌNH DỊ

Đã bao lâu rồi, bạn không để ý bạn vừa tỉnh giấc. Tỉnh giấc sau một giấc
ngủ đâu khác gì tỉnh giấc sau một cơn mê, một sự vô thường. Nó nói với bạn
rằng, bạn luôn có một ngày mới để bắt đầu lại. Bắt đầu lại không phải là để
chạy đua theo điều gì, cũng chẳng phải là làm một điều gì cho khác đi. Mà
là lúc bạn nhận thức được rằng mình đang sống.
Sự hiện diện đầu tiên là hơi thở. Bạn có cảm thấy hơi thở của mình ngay
sau khi tỉnh dậy không, nó nhắc cho bạn về sự sống, về điều kỳ diệu chính
là bạn. Bạn có cảm thấy những giác quan của mình đang cảm nhận cuộc sống
không. Mùi hương nào quen thuộc, thanh âm nào vừa cất lên, đôi mắt này
có thể nhìn thấy vạn vật, sống động và lạ lùng đến thế. Bạn có cảm thấy biết
ơn không, trong một khoảnh khắc nào đó, những điều mình đang có, dù chỉ
là chiếc gối êm ái vừa ru mình vào giấc ngủ tối qua?
Thay vì vội vã hay làm mọi thứ theo thói quen như những ngày thường
nhật. Hãy dành cho bản thân một chút thời gian. Hãy nhìn mình trong
gương, tự nói với mình rằng mình thật đáng yêu và mình yêu mình lắm.
Hãy pha cho mình một ly trà thơm, hay một cốc nước lọc trong trẻo. Hãy để
ý xem cái cây bạn trồng sáng nay có thêm chồi non nào mới nhú, đất có bị
khô không, có cần tưới nước chăng. Nhìn qua ô cửa sổ xem bầu trời hôm nay
có xanh không, ánh mặt trời có đang ló rạng với những tia nắng óng ả, bạn
có thấy những chú chim đang hót líu lo trên mái nhà, bông hoa nhỏ xíu đang
rung rinh trong gió, hay mặt đường xào xạc lá cây rơi vàng tối qua?
Nếu bạn đã quen chạy theo cuộc sống một cách vô thức, vậy ngay bây giờ
có thể đứng lại quan sát cuộc sống không. Bạn không thể đứng yên, có phải
vì nỗi sợ trong bạn nói rằng đứng yên là vô nghĩa. Nhưng càng chạy có phải
mọi thứ càng rối lên? Một nội tâm bình an là một trạng thái có thể chấp nhận,
bình thản, chậm rãi với thời gian mà không phải là chạy đua theo thời gian.
Ở nơi tĩnh lặng, không phải là bạn ngồi yên, mà bạn nhận thức được mọi
thứ đang xảy ra và có mặt. Hiện diện, không chỉ là có mặt với sự sống, mà
quan sát sự sống bằng mọi giác quan.
Dù bạn đang ở đâu, hay đang là thời khắc nào, bạn đều có thể thực tập
quan sát. Hãy đạp xe ra ngoại ô, bạn có nhìn thấy những cánh đồng dài tít
tắp, những chú trâu đang nằm thảnh thơi trong vũng bùn, đứa trẻ nào đang
vui vẻ bắt cá, người nông dân nào đang cắt cỏ trên những bờ đê. Hãy ngồi ở
một góc nhỏ trong quán café có cửa kính nhìn ra đường. Một người bố vừa
dắt con chập chững trên những bậc cầu thang, một đôi bạn trẻ đang cười
khúc khích quên thời gian, vài người già đang ngồi ôn lại chuyện cũ với ánh
mắt đã mờ nhưng lại lấp lánh niềm vui.
Hoặc đơn giản là bạn nhận thức được những người bên cạnh mình. Hôm
nay có thể mình vẫn làm những điều thường ngày cho họ. Nhưng có phải
còn được làm gì đó cho họ cũng là một niềm hạnh phúc? Chăm chút vào bữa
ăn với những món ăn bạn yêu thích, sửa cho người đó một món đồ, cùng em
bé hát một bài ca, lau đi những vết bụi trong nhà, nhìn thấy mọi người đang
hiện diện, là bạn đang hiện diện đó thôi. Điều gì đang trước mắt nghĩa là
điều đó bạn đang có, nó đâu phải là điều gì dĩ vãng, cũng đâu phải là điều
gì xa vời, đúng không bạn?
Hãy ngồi lại với mình, bạn sẽ thấy mình có quá nhiều điều đáng yêu. Hơi
thở của bạn, có đáng yêu, đáng trân trọng không. Những gì bạn trải qua, dù
xấu dù tốt theo định nghĩa của bạn, cũng phải cố gắng lắm mới trải qua được
chứ. Yêu cuộc sống đâu chỉ là yêu những cái bên ngoài bạn có, yêu cả bên
trong bạn, dù có như thế nào, bởi vì bạn cũng là một phần của cuộc sống,
bạn là cuộc sống.
Hãy chậm rãi hơn khi thưởng thức một điều gì đó từ hôm nay, từ khoảnh
khắc này. Bất cứ lúc nào bạn thấy xúc động, bất cứ lúc nào bạn thấy sự đẹp
đẽ làm tâm hồn bạn rung rinh. Ánh hoàng hôn cuối đường chân trời, mặt hồ
yên ả sau cơn mưa, hàng cây xanh rì rào bên cạnh nhà, tiếng cười vui vẻ của
ai đó, chú mèo cuộn tròn bên cửa sổ, lọ hoa mà bạn vừa cắm, bức tranh bạn
vừa vẽ, món ngon bạn vừa làm. Hoặc bất cứ điều gì, không quan trọng là ai
cùng thấy hay ai đó hứng thú, chỉ cần bạn thấy đẹp, chỉ cần nó khiến lòng
bạn reo vui.
Những điều bình dị ở quanh đây, luôn tồn tại ngay lúc này, lại là những
điều ta nghĩ là hiển nhiên hoặc bỏ quên. Nhưng chỉ một khoảnh khắc bạn để
ý, bạn sẽ thấy nó là những nốt nhạc, trên bản nhạc tình yêu cuộc sống mà
bạn cần.
Yêu thương và bình an là bạn.

Phật Dạy: Hôn Nhân Sẽ Tốt Đẹp Khi Vợ Chồng Cùng Có Niềm Tin, Giữ Giới, Bố Thí, Trí Tuệ


Một thời, Thế Tôn trú giữa dân chúng Bhagga, tại núi Sumsumàra, ở
vườn Nai. Rồi gia chủ cha Nakulà và nữ gia chủ mẹ Nakulà đi đến đảnh
lễ Thế Tôn. Ngồi xuống một bên, gia chủ cha Nakulà bạch Thế Tôn:

  • Từ khi nữ gia chủ mẹ Nakulà được đem về đây cho con khi con còn
    trẻ nhỏ, con không bao giờ có điều gì xâm phạm đến vợ con, cho đến ý
    nghĩ cũng không, đừng nói gì đến thân. Vì rằng bạch Thế Tôn, chúng con
    muốn thấy mặt nhau trong đời này và còn muốn thấy mặt nhau trong
    những đời sau nữa.
    Nữ gia chủ mẹ Nakulà cũng bạch Thế Tôn:
  • Bạch Thế Tôn, từ khi con được đem về đây cho gia chủ cha Nakulà,
    khi con còn trẻ nhỏ, con không bao giờ có điều gì xâm phạm đến chồng
    con, cho đến ý nghĩ cũng không, đừng nói gì đến thân. Vì rằng bạch Thế
    Tôn, chúng con muốn thấy mặt nhau trong đời này và còn muốn thấy mặt
    nhau trong những đời sau nữa.
  • Vậy này các gia chủ, khi cả hai vợ chồng muốn thấy mặt nhau trong
    đời này và cũng muốn thấy mặt nhau trong những đời sau nữa, cả hai
    người cùng có niềm tin, cùng giữ giới, cùng bố thí, cùng tu tập trí tuệ thì
    trong đời hiện tại được thấy mặt nhau, và trong các đời sau, các người cũng
    được thấy mặt nhau.
    (Tăng Chi Bộ I, chương 4, phẩm Nguồn sanh phước, phần Xứng đôi)
    LỜI BÀN:
    Tình nghĩa vợ chồng khi đã kết tóc xe duyên thì không chỉ nguyện ước
    sống mãi bên nhau cho đến đầu bạc răng long mà còn nguyện cùng nhau đi
    cho đến sơn cùng thuỷ tận. Đây cũng là mong ước, tâm nguyện chân thành
    đồng thời cũng là điệp khúc muôn thuở của tất cả những người đang yêu.
    Tuy nhiên, giữa ước mơ và thực tại là một khoảng cách xa vời. Khi đã thực
    sự chung sống, chẳng khó khăn gì để mọi người nhận ra một sự thật rằng:
    hạnh phúc tuy có đấy nhưng quá đỗi mong manh, khó tìm nhưng lại dễ mất.
    Tuyệt vời thay cho gia đình Nakulà, sống chung mà chẳng có điều gì xâm
    phạm lẫn nhau cho dù trong ý nghĩ. Cố nhiên là họ yêu thương nhau nhưng
    cốt tuỷ của vấn đề ở chỗ là họ thực sự hiểu nhau. Yêu thương và hiểu biết
    lẫn nhau là hai yếu tố cực kỳ quan trọng trong việc giữ gìn hạnh phúc gia
    đình. Chúng hỗ tương, khắng khít và chẳng thể tách rời. Bởi yêu thương mà
    thiếu hiểu biết thì tình thương ấy sẽ trở thành sự trói buộc. Sẽ không đủ sức
    mạnh để tin yêu, thông cảm, tôn trọng, tha thứ và bao dung… nếu không
    thực sự hiểu biết lẫn nhau.
    Vun bồi những chất liệu nuôi dưỡng tình yêu nhằm giữ gìn hạnh phúc
    gia đình, theo quan điểm của Thế Tôn, cả hai người phải nỗ lực tu tập về tín,
    giới, thí và tuệ. Tin tưởng nơi chính mình và người bạn đời của mình; tự
    nguyện gìn giữ phẩm hạnh, thuỷ chung son sắt; hỷ xả và tha thứ những lỗi
    lầm của nhau; hiểu biết nhau thật sự là bí quyết để nuôi dưỡng tình yêu
    nhằm xây dựng gia đình hạnh phúc.
    Trong bối cảnh xã hội phát triển, khi xu thế ly hôn, đổ vỡ hạnh phúc gia
    đình ngày một gia tăng như hiện nay, thiết nghĩ sự tu tập theo lời Phật dạy
    như trên để hàn gắn những tổn thương, giữ gìn hạnh phúc gia đình là cẩm
    nang không thể thiếu đối với mọi người, nhất là những người con Phật.
    QUẢNG TÁNH

AI BIẾT CHỊU KHAM NHẪN KẺ ẤY THẬT THẮNG TRẬN

Một thời Thế Tôn ở Ràjagaha, tại Veluvana, chỗ nuôi dưỡng các con
sóc.
Bà la môn Asurindaka Bhàradvàja nghe như sau:
“Bà la môn thuộc dòng họ Bhàradvàja đã xuất gia với Thế Tôn, từ bỏ
gia đình, sống không gia đình”.
Phẫn nộ, không hoan hỷ, vị ấy đi đến Thế Tôn, sau khi đến, có những
lời không tốt đẹp, ác ngữ, phỉ báng và nhiếc mắng Thế Tôn.
Ðược nghe nói vậy, Thế Tôn giữ im lặng.
Rồi Bà la môn Asurindaka Bhàradvàja nói với Thế Tôn:
Này Sa môn, Ông đã bị chinh phục. Này Sa môn, Ông đã bị chinh phục!
Thế Tôn (nói kệ):
Kẻ ngu nghĩ mình thắng
Khi nói lời ác ngữ
Ai biết chịu kham nhẫn
Kẻ ấy thật thắng trận.
Những ai bị phỉ báng
Trở lại phỉ báng người
Kẻ ấy làm ác mình
Lại làm ác cho người.
Những ai bị phỉ báng
Không phỉ báng đối lại
Người ấy đã thắng trận
Thắng cho mình cho người.
Vị ấy tìm lợi ích
Cho cả mình và người
Và kẻ đã phỉ báng
Tự hiểu, lắng nguội dần.
Bậc y sư cả hai
Chữa mình, chữa cho người
Quần chúng nghĩ là ngu
Vì không hiểu Chánh pháp.
Ðược nghe nói vậy, Bà la môn Asurindaka Bhàradvàja bạch Thế Tôn:
Thật vi diệu thay, Tôn giả Gotama!… Nay con quy y Tôn giả Gotama, quy
y Pháp và Tăng. Mong cho con được xuất gia với Tôn giả Gotama.
(Tương Ưng Bộ I, chương 7, phẩm A la hán, phần Asurindaka)
LỜI BÀN:
Trong cuộc sống hàng ngày, không ít người có thói quen sử dụng ngôn
ngữ ác độc, lời lẽ khiếm nhã để chữi mắng, thóa mạ nhằm trấn áp, chinh
phục đối phương. Họ hả hê, thỏa dạ và xem mình là kẻ chiến thắng khi người
kia chịu lép, im lặng không đấu khẩu hoặc nhẫn nhịn trước những phát ngôn
thô bỉ, dữ dằn. Cũng vì thế mà lời qua tiếng lại, mắng nhiếc, chữi rủa luôn
xảy ra từ trong nhà cho đến phố chợ và không ít những bất hạnh, tang
thương trong cuộc sống đã bắt nguồn từ đây.
Tuy nhiên, theo tuệ giác Thế Tôn, người biết im lặng, kham nhẫn, không
chữi mắng trở lại khi bị chữi mắng, không phỉ báng lại khi mình bị người
khác phỉ báng… mới thực sự là người chiến thắng. Bởi sự đấu khẩu trở lại
ắt sẽ dẫn đến sự xung đột và chắc chắn mình và người kia đều bị thiệt hại,
thương tổn nặng nề. Sự thắng trận, theo Thế Tôn, là nhờ nhẫn nhịn nên tránh
được những thiệt hại về thân mạng, danh dự và tài sản không đáng có do
sân si gây hấn, xung đột tạo nên. Mặt khác, sự kham nhẫn ấy là liệu pháp
hữu hiệu nhất để dập tắt nóng giận nơi người kia và thức thức tỉnh họ hồi
tâm.
Thường thì người ta chỉ hối hận khi đã muộn, khi mọi sự đã rồi. Con
người vì vô minh nghiệp lực che lấp nên cho rằng nhẫn nhịn là bạc nhược,
không sáng suốt, là kẻ ngu. Kỳ thật, Đức Phật luôn dạy rằng, nhẫn nhịn là
phương thức trị liệu nóng giận hiệu quả nhất cho mình và người để cả hai
cùng được an lạc. Vì thế, ông cha ta đã đúc kết kinh nghiệm của tiền nhân
nên luôn răn nhắc hàng hậu thế:
“Một điều nhịn, chín điều lành”.
QUẢNG TÁNH

VẺ ĐẸP CỦA CON NGƯỜI NẰM Ở SỰ ĐƠN GIẢN

Tôi đã từng nghe một câu:
“Vẻ đẹp của sông núi nằm ở sự tự do; vẻ đẹp của thế giới vạn vật nằm ở
việc có thể chọn lọc; vẻ đẹp của con người nằm ở sự đơn giản.”
Trong cuộc đời này, chúng ta sẽ gặp rất nhiều người. Một số người đối
xử với nhau thẳng thắn, một số người sâu sắc, một số người ấm áp và tốt
bụng, một số người lạnh lùng và ích kỷ.
Sau khi gặp vô số và tiếp xúc với đủ loại người, mới phát hiện ra rằng:
Con người trên thế gian này, gặp một người sống đơn giản là khó nhất, và
cũng dễ nhất để có thể gặp người sống đơn giản. Thay chỉ chăm chăm đối
phó với những người và việc phức tạp, cạnh tranh, mưu mô, tốt hơn là nên
có thiện ý, hòa hợp với những người đơn giản, tránh xa những rắc rối và có
được sự chân thành.
Có câu: “Kết thân với người lương thiện, giống như ánh sáng mặt trời; kết
bạn với quân tử, sự ấm áp của người ấy như ngọc.”
Tiếp xúc với những người lương thiện giống như một căn phòng tối được
chiếu ánh nắng ấm áp tươi sáng; đi cùng quân tử khiêm tốn giống như vuốt
ve ngọc bích mịn màng, mềm mại và sáng bóng.
Trong hành trình của cuộc đời, nhất định phải bước đi bên những người
chân thành và tốt bụng.
Ở bên những người như vậy, ta không cần đề phòng, cũng không cần giả
bộ, giống như dòng nước trong trẻo, chậm rãi nuôi dưỡng nội tâm.
Giữa người với người, hãy dựa vào hai chữ chân thành. Nếu bạn thật lòng
với tôi, tôi sẽ đáp lại sự chân thành của bạn, nếu bạn nịnh nọt tôi, tôi sẽ lấy
lại nhiệt tình ban đầu.
Nhiều khi chúng ta quyết định kết giao với một người, đó không phải là
sự giàu có của anh ta, mà là thái độ của anh ta đối với người khác.
Có người hỏi rằng: “Tại sao tôi có rất nhiều bạn, nhưng tôi vẫn không cảm
thấy hạnh phúc?”
Có người trả lời rằng: “Những người ham giao lưu thường tự cho mình
là có nhiều bạn. Thực ra, trong thâm tâm họ biết rõ mục đích của việc kết
bạn trong xã hội không phải là vì tình bạn mà là lợi ích. Bởi vì tình bạn chân
chính “không bao giờ ồn ào.”
Trong cuộc đời này, chúng ta không thể lựa chọn mình gặp gỡ người như
thế nào, nhưng chúng ta có thể quyết định mình kết bạn với những người
như thế nào.
Đừng lãng phí thời gian vào những vòng tròn bạn bè vô nghĩa bởi trên
đời này không phải ai cũng hợp với mình, và không phải ai cũng có được
tình bạn sâu sắc.
Có một đoạn văn viết thế này: “Trong cuộc đời này, có rất ít thứ để lựa
chọn, không thể chọn cách sinh, cũng không thể chọn cách chết. Chỉ có hai
thứ chúng ta có thể lựa chọn, đời này nên yêu như thế nào, đời này nên sống
như thế nào.”
Chúng ta muốn sống như thế nào trong cuộc đời này và kiểu người mà
chúng ta muốn kết giao đều nằm trong tay chúng ta.
Nửa sau của cuộc đời, ngại gì để bản thân được sống thoải mái. Thay vì
phàn nàn về sự phức tạp của thế giới, hãy chọn sống đơn giản.
Làm quen với những người giản dị trong cuộc sống, và cảm thấy “một
tảng băng trong hồ ngọc”, tiếp xúc với những người giản dị trong sáng và
nếm “hương vị của thế giới là niềm vui thuần khiết.”
Nghe tiếng thông xào xạc, lặng lẽ ngắm nhìn gió mưa.
Bồ Đề Tâm