ĐẦU NĂM GỬI TẶNG BẠN 5 CHỮ

  1. BÌNH
    Bình ở đây chính là bình tĩnh, bình thản và cân bằng trong nội tâm. Cuộc
    sống hối hả, dòng đời xô vồ, tâm ai bình thản người ấy sẽ cảm thấy vui vẻ,
    hạnh phúc và thành công hơn người khác.
    Bình cũng là cách đối nhân xử thế khéo léo. Bởi “dục tốc bất đạt”, nóng
    vội sẽ đưa ra quyết định sai lầm, khó khăn chồng chất khó khăn, bế tắc vẫn
    hoàn bế tắc.
  2. TĨNH
    Đôi khi “im lặng là vàng”, nói ít đi, lắng nghe nhiều hơn để tự mình điều
    chỉnh tâm thái của chính bản thân. Vì cũng có khi, người nói nhiều quá sẽ
    đánh mất vẻ đẹp của sự yên lặng.
    Nói nhiều đồng nghĩa với việc không thể kiểm soát hành vi. Càng nói
    nhiều càng dễ bị nói hớ, dễ đi chệch hướng. Vậy nên, cần phải tĩnh tâm, suy
    nghĩ thấu đáo rồi mới làm, ắt tìm ra định hướng trong cuộc đời, thành công
    ắt tới.
  3. NGHE
    Bản thân mỗi người cần phân định rõ đúng sai, phải trái. Nhưng nếu
    không lắng nghe người khác, bạn khó mà xác định được.
    Lắng nghe để biết lòng người ý ta, để tìm cách đối nhân xử thế, khắc phục
    điểm yếu, phát huy điểm mạnh, âu cũng là mang lại lợi ích cho chính mình.
  4. NHẸ
    Càng xem nhẹ mọi thứ, tâm càng dễ thanh tịnh, hạnh phúc càng ngập
    tràn. Danh lợi, tiền bạc chỉ là vật phù du, chết rồi có mang theo được đâu.
    Buồn tủi, giận hờn sớm muộn rồi cũng qua đi, chỉ còn ta với ta. Vậy sao
    không xem nhẹ mọi thứ, học cách buông bỏ để mọi phiền não bị thổi bay
    nhanh chóng.
  5. NHẪN
    Nhẫn không đồng nghĩa với việc bị người ta chà đạp. Nhẫn là để tự cảnh
    tỉnh bản thân, không nóng giận để rồi làm những việc sai trái. Tức giận
    không những hại sức khỏe, tổn thương tinh thần mà còn đánh mất đi giá trị
    đích thực trong con người bạn.
    Vậy nên mới có câu: “Nhẫn nại để thể hiện sự độ lượng, tha thứ những
    việc không thể thay đổi được. Có dũng khí để thay đổi những việc có thể
    thay đổi được. Có trí tuệ để phân biệt được hai loại sự việc trên”. Làm được
    những điều này, bạn đã là người thành công rồi đó.
    Tiếng Lòng
    Namo Buddhaya

LỜI KINH TRONG LÒNG BÀN TAY

“Một người không có tay, dù đứng trước núi châu báu lớn cũng không
thể nhặt được gì để mang về giúp cho cuộc sống của họ bớt khổ.
Một người không có niềm tin vào những điều tốt đẹp cũng vậy, như
một kẻ không có đôi tay; khi đi ngang qua cuộc đời, dù từng nhiều lần
nhìn thấy những điều tốt đẹp, nhưng cuối cùng vẫn không giữ lại được
trong lòng mình một điều tốt đẹp nào, để đem ra trang trải trong những
ngày khó khăn”.(1)
Ai cũng muốn cho đi một điều gì đó, nhưng nhiều khi, có những người,
tìm mãi nhưng vẫn không thấy được đôi tay của họ ở đâu, để đặt vào đó
món quà của mình, nên lại thôi.
Ai cũng muốn kéo ai đó đứng lên sau thất bại, nhưng có những người,
tìm mãi vẫn không thấy được đôi tay của họ ở đâu, để cầm lấy, kéo họ đứng
lên.
Họ chính là chúng ta, những con người khi không có niềm tin vào sự chân
thành của người, người muốn cho, ta lại không có tay để nhận; khi không
niềm tin vào bản thân, người kiên trì đưa tay ra, ta lại không có tay để cầm
lấy đứng lên sau thất bại.
Đôi tay để cho, đôi tay để nhận đều được làm bằng niềm tin.
Có lẽ, món quà đẹp nhất mà chúng ta có thể tặng được cho người là tin
vào họ; và món quà tốt nhất chúng ta có thể tặng được cho mình là niềm tin
vào bản thân.
Vì tin có một nơi còn đáng giá hơn những thứ phù phiếm ngoài kia, nên
có kẻ mới dám ngược giông ngược gió để trở về. Vì tin vào sự kì diệu của
tình thương, nên có kẻ mới dám dốc lòng mình cho đi không chờ nhận lại.
Giữa thời gian đằng đẵng, trong không gian mênh mông, con người dù
to lớn đến đâu, dù sống lâu thế nào, cuối cùng cũng chỉ to lớn bằng một hạt
bụi, có kẻ tin hạt bụi đó có thể bay ngược gió, nên đã định hướng được cho
dòng đời bất tận của mình.
Khi tin vào ai đó chúng ta sẽ có được họ, và khi tin vào bản thân mình,
chúng ta sẽ có được tất cả.
Cuộc sống của mỗi người là vậy, được tạo ra từ đôi tay của chính mình,
và được bảo vệ chở che bởi đôi tay của những người họ đã tin tưởng yêu
thương.
Khi không có niềm tin vào những điều tốt đẹp, lòng người như tấm chăn
nghèo, không đủ lành lặn để giữ ấm được đôi tay, chạm vào người làm
người lạnh, ôm lấy mình làm mình đau.
Người ngày mới an
Vô Thường
Núi.9.11.2022
Om Mani Padme Hum


[1] Dịch ý từ một đoạn trong Luận Đại Trí Độ.

LỜI KINH TRONG LÒNG BÀN TAY

“Một dòng sông hiền hòa, sau vài hôm mưa lớn trở thành dòng nước lũ
đỏ ngầu và hung dữ, có thể cuốn trôi cả một con voi to.
Một người hiền lành là vậy, nhưng sau những lần không khắc chế được
những suy nghĩ bất thiện đang hiện hữu trong tâm, để nó lớn dần, trở
thành một dòng suy nghĩ bất thiện hung bạo, rồi cuốn trôi và nhận chìm
một con người đã từng hiền lành từ rất lâu”(1).
Chúng ta tạo ra những suy nghĩ và những suy nghĩ sẽ tạo ra cuộc đời của
chúng ta. Suy nghĩ sẽ lẫn trong lời nói, thấm trong ánh mắt, làm ra nét mặt,
tạo ra hành động, hình thành nên tính cách, rồi cuối cùng, gom lại thành
cuộc đời của chính mình.
Cho nên, cuộc sống mỗi chúng ta và thế giới chung quanh mình, luôn
được nhuộm bởi màu sắc của suy nghĩ đang tồn tại bên trong.
Cuộc sống ngoài kia dù u ám đến đâu, cũng không thể u ám hơn những
suy nghĩ tiêu cực đang tồn tại trong tâm mình, và thế giới ngoài kia dù tươi
đẹp đến đâu cũng không thể tươi vui hơn những suy nghĩ tích cực đang hiện
hữu trong tâm.
Cuộc đời của mỗi người sẽ rộng lớn bằng chính trái tim của mỗi người,
và cuộc đời đó sẽ mang chung màu sắc với những suy nghĩ trong tâm.
Khắc chế được một suy nghĩ bất thiện trong tâm chưa bao giờ là một
chuyện dễ, nên con đường trở thành một người tầm thường luôn thuận lợi
hơn rất nhiều con đường trở thành một người lương thiện, chỉ nhắm mắt
đưa chân là đến, chỉ dễ dãi bồng bột ít hôm là thành, chỉ nông nổi một lát là
đã bị cuốn trôi đi.
Những suy nghĩ bồng bột và nông nổi của tuổi trẻ nhất định phải mang
những tháng ngày vất vả của tuổi trưởng thành bù đắp lại. Không thể khác
được. Không thể trốn tránh hay ném bỏ nó cho ai.
Năm tháng rộng như vậy, ai không có năm ba ngày thật buồn.
Đường trần dài như vậy, ai không có cho mình một vài bước chân sai. Và
dấu hiệu để nhận biết sự trưởng thành của một người là khi họ không còn
nói nhiều về những điều to tát bên ngoài kia nữa, mà bắt đầu quay về và cẩn
trọng loại bỏ những suy nghĩ tầm thường trong tâm.
Dù đang đứng ở đâu giữa cuộc sống, mong người luôn tin, ngay trong
bản thân mình luôn có đủ sức mạnh để sống với nó.
Mong người một đời bình yên.
Vô Thường.
Núi ngày cũ
Om Mani Padme Hum.


[1] Nguyên Hán văn: 口雖說正法,心常伺他咎,是人於世間,為第一惡
者。 Dòng thứ 28, 29, khung thứ 2, trang 496, bộ kinh mang mã số 0728, 諸
法集要經, tập 17 大正新脩大藏經。

NĂM ĐIỀU KHÔNG XÁC ĐỊNH

(Avavaṭṭhāna)

  1. THỌ MẠNG (Jīvita):
    Một người phàm phu không thể biết được mình sẽ sống bao lâu, tuổi thọ
    của mình bao nhiêu.
  2. BỆNH TẬT (Byādhi):
    Không thể định đoạt được là mình phải bệnh như thế này, đừng đau bệnh
    như thế kia, hoặc mình đừng bệnh gì hết.
  3. THỜI ĐIỂM (Kāla).
    Không thể được mình chết vào lúc này hay lúc kia, chết lúc sáng trưa
    chiều hay tối.
  4. CHỖ BỎ XÁC (Dehanikkhepana):
    Không thể chắc mình sẽ chết trong nhà hay ngoài đường, chết dưới nước
    hay trên mặt đất v.v…
  5. CHỖ SANH (Gati).
    Không thể định đoạt được chỗ mình tái sanh sau khi chết là cõi này hay
    cõi kia.
    KINH TĂNG CHI NIKAYA
  • Thế nên trong lúc còn sanh tiền, tuổi thọ chưa hết, hãy nổ lực làm điều
    thiện lành, tinh tấn học hỏi Giáo Pháp và thực hành lợi dạy của Đức Phật
    vào đời sống hằng ngày sẽ có được an lạc hiện tiền và gieo duyên lành giải
    thoát trong kiếp vị lai.
    Namo Buddhaya