ĐƯỢC MẤT

Cái quán nhỏ, nằm ngay đầu hẻm bán mỗi món hủ tiếu chay, nhìn thấy toàn rau củ vậy chớ mà ngon đậm đà. Mỗi ngày, cô Trâm chỉ bán tới trời trưa đứng bóng là dẹp nghỉ. Còn dư thì cô nhanh lẹ đóng bịch biếu mấy cô chú vé số, nhặt ve chai. Nhiều lúc tui còn thắc mắc, hỏng biết bán vậy thì lời lỗ cô tính làm sao.

– Sao gì mà sao, bán cho vui mà chú. Mấy ngày chay, bán không kịp thở thì ngày thường mình bán vậy thôi. Tiền làm được để dành đi chùa đi chiền làm chi mà có tô hủ tíu hỏng cho người ta được? – cô nói.

– Mà tháng có bốn ngày người ta ăn chay, mấy ngày còn lại ế nên cô đem cho chứ gì. – Tui cười giả lả ghẹo cô chủ quán.

– Ý chời, ế gì chú. Buổi sáng tui bán hơn trăm tô đó nha.- cô cười cười, tay không quên múc nước lèo thoăn thoắt.

– Chứ vậy sao ngày nào cũng ế, rồi đem cho đó còn gì. – tui đâu chịu thua vậy được.

– Thì quán tui bán, tui thích ế vậy đó. Bữa sau chú ra trễ chút nữa là tới giờ ế, xách một bọc mang dìa, khỏi nấu cơm trưa hen. – cô nháy mắt, lấp lánh ý cười.

Hơn mười năm tui sống ở đất Sài Gòn này gặp không biết bao nhiêu dạng người. Xấu có, tốt có mà giả đò, giả bộ cũng hỏng thiếu. Nhưng người hiền lương, thích giả bộ ế như cô Trâm thì hỏng được mấy.

Đẩy đưa câu truyện một hồi, cô kể sau nhà có ang đất trống trồng mớ cây thuốc lấy lá xông. Dịch bệnh vầy, cô ươm thứ rộng ra một chút, bón phân đất thúc cây phát triển rồi lại hái chia cho bà con trong xóm cho có của để dành. “Thời này, cây cỏ coi vậy chứ quý dữ lắm.” – cô nói.

Có hôm nhà anh Bảy cuối xóm, nửa đêm tự nhiên mệt mỏi, chóng mặt, nhứt đầu. Đang độ Sài gòn bít hết cửa ngõ, chị bảy đành lầm lũi sang nhà cô Trâm xin ít lá. Cách nhau có mấy bước chân mà vừa đi vừa nghĩ đủ thứ, sợ chồng trúng gió độc mà chết, lại sợ cô Trâm ngán mấy con bệnh rồi hất hủi đuổi đi nên chị Bảy làm liều lủi ra sau nhà hái đại. Con Mực nó nghe động sửa um xùm, vang vọng hết cả xóm. Cô Trâm nghe tiếng chó nhanh nhảu chạy ra soi đèn, thấy chị Bảy đứng ngẩn tò te thì hỏng nói nhiều, ra phụ hái cho lẹ đặng còn về lo cho anh Bảy.

Cả xóm thương cô hỏng phải ở cái đám lá mà ở cái chữ tình. Dịch bệnh, ai cũng chỉ biết lo cho cái phận mình. Còn cô hả? thương người trước đã, còn mình tính sau.

Vậy đó, mà hồi hôm nghe đâu cả nhà lớn bé con cái, với dâu rể ra chửi lộn vì cái đám lá, gió thốc lúc nữa đêm ngã qua hàng xóm. Chuyện chẳng có gì mà ồn ào huyên náo, giọng to giọng nhỏ chỉ chực xé nhau ra.

– Chú coi, nhà tui có hai chị em hà. Ngày xưa còn nhỏ, hễ ai ăn hiếp là tui nắm tay nhỏ em kéo chạy về mét ba má. Sau này lớn lên, lấy chồng, sanh con. Tui sanh ba đứa, nhỏ em thì sanh hai. Mỗi lần nhà có chuyện là con cái, dâu, rể tụi nó kéo ra làm dữ. Sợ muốn chết. – cô chủ tay thoăn thoắt trụng hủ tíu, gắp thêm miếng rau không quên kể chuyện nhà mình.

– Hổm qua, con nghe rần rần tưởng đâu công an họ vô dẹp không đó chứ. Rồi cuối cùng có ai bị gì không cô? – Tui hỏi.

– Bị gì đâu, tui ra ngăn lại, sẵn tiện hớt luôn đám lá. Bên người ta cũng hỏng phải làm khó gì mà đôi bên to tiếng, ai cũng cho mình đúng. Lời qua, tiếng lại, đụng chạm hồi nào hỏng hay.

– Vậy rồi mấy đứa con cô có chịu bỏ qua không? – tui nôn nóng, hỏi luôn.

– Mình ăn ở hiền lành nhiều khi cũng bị ăn hiếp. Tui biết chứ sao không. Nhưng nghĩ chuyện gì cũng qua thôi, thiệt một chút cũng đâu mất mát gì. Mấy đứa nhỏ nó hỏng chịu vậy, nói chứ “sao má cứ để người ta ăn hiếp hoài”. Tụi nó không chịu vậy được, nên te rẹt, túm tụm đi xựt lại người ta. – cô kể tiếp giọng đều đều.

Ừ, đời này tiền của cuối cùng cũng chỉ là vật ngoài thân. Biết bao nhiêu người tranh nhau từng đồng bạc cắt mà quánh nhau đổ máu, lỗ đầu. Hiền lành vốn đâu phải là nhu nhược mà là hiểu đạo lý, lẽ đời.

Tui chăm chú ăn tô hủ tíu có cái bánh hoành thánh chiên giòn mà nghe từng cọng béo ngọt thơm mềm. Lại nghe cô Trâm thao thao kể chuyện thời sự trong xóm mà ngậm lòng nhớ má, nhớ quê. Má tui hồi còn ở quê cũng y vậy, đi đâu, làm gì cũng thương người ta trước rồi mới đến phận mình. Lúc tui gom quần áo đi Sài Gòn, má dặn đi dặn lại hoài “Mình cứ sống hiền lành còn chuyện khác, cứ để trời ổng lo”

Bỗng, con bé Hoa nhà hàng xóm sát nách cô Trâm (vừa cãi nhau hôm qua) đi đâu ngang về, dựng chống cái phịch nói:

– Cô Trâm ơi, má con nói ngoài chợ có mấy nhà dặn mua lá. Cô hái đủ loại bó thành bó đặng má đem giao cho người ta nghen cô. Tiền chiều má con đem về đưa cô sau nha. – nhỏ nói, giọng dỗi hờn vì còn giận cái dụ cãi lộn ngày hôm qua. Nói xong, nó te rẹt bỏ đi.

Cô Trâm cười, nói với theo:

– Nói má bay tí trưa cô hái nghen, còn hủ tíu nữa nè, trưa nay mấy bay đi chơi hết thì khỏi nấu, cô mang qua cho.

Sài Gòn mấy hôm nay trời se se lạnh, miệng nhai cọng hủ tíu mà thấy ấm lòng. Người với người, hơn nhau không phải chỗ tui được anh mất hay miệng thằng nào lớn mà là người nào đủ lòng rộng lượng để bao dung.

Tự nhiên trong tui vang vọng lời má nói: “Mình cứ lo sống hiền lành, chuyện của ông trời, cứ để ổng lo”.

2.12.2021

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Twitter picture

You are commenting using your Twitter account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s