LÀM CHO NGƯỜI KHÁC, THẬT RA CŨNG LÀ LÀM CHO CHÍNH MÌNH

Hồi còn sinh viên, có lần tôi về quê của đứa bạn chung lớp, hôm đó ghé
nhà ông Cậu của nó chơi, thế là ổng trổ tài món gà xé phay trộn củ hành kèm
với cháo nóng. Chuyện lâu lắm rồi, vậy mà đến giờ tôi còn nhớ cái vị gỏi gà
ngày hôm đó.
Sau khi cả đám ăn no nê, đang ngồi tám chuyện ngay trước cổng, thì có 2
Mẹ con tiến đến gần cổng để xin tý tiền mua đồ ăn, ông Cậu đứng gần đó
mới quay qua hỏi, “Hai mẹ con ăn gì chưa nè?”, nghe chữ ‘nè’ ngân dài đúng
đặc sản của dân miền Tây.
Bà mẹ đang ú ớ định trả lời thì ổng nói luôn, “Thôi hai mẹ con dzô đây,
tôi làm gỏi gà cho ăn, húp miếng cháo cho khỏe rồi đi tiếp!”
Bà mẹ và đứa con tầm 6-7 tuổi, định không vào, nhưng ổng cứ thúc, vào
đi, ăn no rồi đi tiếp, tôi thì quan sát từ đầu đến cuối, ổng dọn ra 1 mâm to
tầm 3-4 người ăn, rồi dặn, cứ ăn thoải mái, thiếu thì tui múc thêm cho, cái
giọng ổng hào sảng đến giờ vẫn làm tôi ấn tượng.
Được một lúc, thì Vợ ông Cậu đi công việc về, bước vào nhà, thấy 2 Mẹ
con lạ mặt ngồi ăn nên hỏi ai đây ông, ông Cậu chưa kịp trả lời thì bà Vợ
nhíu mày rồi bỏ vào nhà trong…
Đến khi 2 Mẹ con kia đi hẳn rồi bà vợ mới ra đứng gần chỗ nhóm tôi đang
ngồi, mấy con thấy chưa, ở nhà có bao giờ ông Cậu mày dọn cơm cho tao ăn
đâu, toàn tao dọn cho ổng ăn không… vậy mà người ngoài đến, không quen
không biết gì, thì ổng phục vụ chu đáo vô cùng, thấy tức không.
Ông Cậu đứng trong bếp nghe giọng, cười to, rồi đáp ra:
“Tui làm cho bà ăn thì bình thường rồi, chẳng có phước gì thêm đâu,
nhưng tôi làm cho người khác ăn, nhất là lúc họ đang khó, thì tui đang tích
phước cho bà và mấy đứa con của bà đó.”
Chưa đã, ông Cậu chốt thêm 1 câu, “bà ăn thì hết, người đời ăn của bà thì
còn!”
Nghe mộc mạc, ngắn gọn nhưng sâu sắc vô cùng anh em ah, nó đập thẳng
vào tiềm thức của tôi từ thời sinh viên đến tận bây giờ,
Trải đủ rồi, thì anh em sẽ nhận ra một sự thật là, ‘không có ai thiệt thòi
trong cuộc đời này cả’,
Dù ngay cả tình huống, ai cũng bảo anh em khờ dại, để người ta ăn trên
đầu của anh em, nhưng có một điều mà anh em phải luôn tự nhắc mình,
Vũ trụ này là hệ thống kế toán hoàn hảo tuyệt đối, gọi vũ trụ cũng được,
gọi Chúa cũng được, gọi Đạo cũng được, hoặc gọi Pháp cũng ok, tuỳ theo
hệ niềm tin anh em đang theo.
Có nghĩa là, những gì anh em đã cho đi, đều sẽ quay lại với anh em không
thiếu một ly.
Đôi lúc anh em đi làm, có thể thiệt thòi nhiều cái, bị chèn ép, nhận job
khó, rồi làm thêm giờ, mà chẳng nhận được lại bao nhiêu hoặc chẳng ai công
nhận công sức của anh em.
Nhưng nếu đức tin của anh em vào nhân quả là tuyệt đối thì anh em càng
làm dư thêm nữa, dù chẳng ai trả thêm cho anh em… nhưng vũ trụ cũng đã
ghi lại hết, nhân quả sẽ chạy đúng với những gì anh em bỏ ra.
Có mấy đêm trong tuần, hơn 10h tối rồi, trong công ty tôi có việc gấp, mà
không có kỹ sư nào online, kẹt quá họ hú tôi, thật ra tôi chỉ ngồi dậy và làm
từ 10-15 phút sửa tý, gửi file vào hãng, là những người ca tối bên sản xuất có
dữ liệu để tiếp tục công việc của họ, thay vì nguyên đám phải ngồi chơi, chờ
đến sáng mai để nhóm kỹ sư vào sửa.
Lúc đầu, vợ tôi cũng nhăn, sao anh cứ làm thêm làm gì, ban giám đốc
chắc gì đã biết, rồi có nhận thêm gì đâu, mà thời gian nghỉ ngơi của gia đình
còn phải làm việc nữa.
Tôi cũng nhẹ nhàng bảo, 10 phút của anh có thể hỗ trợ cho cả chục người
ca tối có việc làm tiếp, thay vì ngồi chờ, họ cũng có gia đình giống mình mà,
nên anh làm tý không sao đâu.
Anh em phải chịu khó quan sát,
Anh em không gieo dư ra thì làm gì có quả dư, đến lúc anh em cần đến,
Nghe giống sự trao đổi nhưng đó là cơ chế của nhân quả đang chạy.
Vũ trụ không trả anh em bây giờ thì sẽ dồn trả anh em lúc khác ở dịp
khác, có khi nó sẽ đến rất muộn… nhưng chắc chắn nó sẽ đến, không thiếu
anh em 1 xu nào. Quan trọng anh em có niềm tin vững chắc vào việc mình
đang cố gắng hay không mà thôi.
Quy chung lại, việc chúng ta làm vì người khác, sâu thẳm vẫn là làm cho
chính mình hết.
Chẳng qua là thông qua người đó, để mình gửi tiết kiệm thêm tý phước,
gieo thêm những nhân duyên lành, rồi đến lúc mình khó, thì vũ trụ sẽ trả
cho mình lại.
Nên rốt ráo, dù anh em nghĩ mình đang thiệt thòi ở mảng nào đi nữa…
thì cơ bản là anh em đang để-dành-trước tý phước cho con đường sắp tới
của anh em,
Mà nhớ,
Phước thì nên tích, chứ không nên tán,
Tích lâu, chứ phá thì nhanh lắm.
Không có phước thì cái đầu anh em tối hù, mắt đầy bụi, vô minh lắm,
chưa kể thân bệnh tật suốt ngày.
Phước đủ thì mới có nhiều duyên lành để tuệ anh em nó tăng lên,
Hiểu sâu sắc được nhân quả thế nào, thì anh em sẽ không còn phàn nàn
nhiều nữa và đặc biệt là lý giải được rất câu hỏi trong game đời.
như có lần có bạn hỏi tôi, sao cứ viết free thế này hoài sao được, bác tổng
hợp ra sách bán đi.
tôi mới cười, thật ra, là tôi nhận quá nhiều trước khi tôi viết Nghệ rồi, nên
tính ra là tôi đang lời rất đậm, nên lấy thêm của anh em làm gì.
Cheers

Bác 7B

AI CŨNG CÓ NHỮNG CÂU CHUYỆN RIÊNG

Nhiều lúc vui trong đời này chỉ là nhìn thấy tất cả những gì xung quanh
đang vận hành theo quy luật của chính nó. Mỗi loài, mỗi loại đều miệt mài
bung sức trong hoàn cảnh, điều kiện và nhân duyên đang có. Trong vườn có
bao nhiêu cây, là có bấy nhiêu cách thức sinh trưởng, tồn tại và kết thúc khác
nhau. Không cây nào tỵ nạnh cách sống của cây khác. Đúng mùa, đủ nước,
thì nảy mầm, thay lá, ra hoa, kết quả. Không vì ai mà thay đổi sắc diện. Hoa
đỏ ra sắc đỏ, hoa vàng nhuộm màu vàng, doa dại mọc theo kiểu hoa dại, hoa
hồng nở theo kiểu hoa hồng. Hay cá thì sống dưới nước, chim nhảy nhót trên
cây, bay lượn trên trời. Mưa xuống ếch kêu ộp ộp. Tưởng tượng tụi nó nói
chuyện được với nhau lại càng thú. Ếch kể chuyện trên bờ cho cá nghe, nói
trên này đi lại bằng chân, đá to đá nhỏ, núi cao núi lớn. Cá trố mắt nhìn chê
ếch nói chuyện tầm phào. Rồi mạnh cá vẫy đuôi, mạnh ếch nhảy nhịp ra
đồng chơi tiếp.
Sống trong tự nhiên, cần chấp nhận những điều rất tự nhiên như vậy.
Không thể ép buộc hay đặt để nhận thức, nghiệp quả lên nhau. Ở trong hoàn
cảnh, môi trường, giai đoạn phát triển tâm thức như thế nào sẽ có đúng trải
nghiệm, góc nhìn xoay quanh ngay đó. Có những điều biết như vậy nhưng
không cần nói ra ngay. Đợi thêm một bước nữa, gặp đúng người, đúng thời
điểm hợp tình hợp lý thì mới nói. Để tránh va chạm, tranh luận tốn thời gian
và không cần thiết.
Ai cũng mang một câu chuyện đời, những vấn đề riêng cần giải quyết.
Đã chưa thể hiểu được những gì một người đang trải qua thì sao có thể so
sánh, phân định ai sướng ai khổ, ai đúng ai sai. Có thể đúng trong sự hiểu
biết này, nhưng lại là sai trong những kinh nghiệm của người khác. Có thể
quen thuộc với người này nhưng lại là quá sức suy nghĩ của người khác.
Đã là tự nhiên, khi trở về lại được với tự nhiên sẽ thấy tất cả đơn giản đi
rất nhiều. Như hoa trong mùa xuân, chim cúc cu mùa hè, trăng cho mùa thu,
băng tuyết ở mùa đông. Con mắt nằm ngang, lỗ mũi nằm dọc. Suy nghĩ bằng
đầu và đi bằng chân. Có thể ước mơ trong đầu những điều thật lớn, mang
những lý tưởng cao xa. Nhưng sống với thực tế thì đôi chân này mới là thứ
dẫn đi trên mặt đất. Làm chuyện gì cũng vì thế mà đặt tâm ở hoàn cảnh hiện
tại để xem sức lực, khả năng ra sao thì chọn làm những việc vừa tầm. Khi
nào có đủ lực, đủ điều kiện thì làm những chuyện lớn hơn, đi những bước
xa hơn trong cuộc đời.
Người với người gặp gỡ, cười khóc với nhau là chuyện thường tình. Quan
trọng ở sức sống bên trong và dòng đời bên ngoài luôn luôn trôi chảy, đổi
mới. Chưa bao giờ dừng lại để định sẵn một công thức nào cả. Chỉ sợ tâm
hồn không chịu mới mẻ theo nhịp vận động kỳ diệu của vạn loài. Cuộc đời
mang đến những chất liệu thuận nghịch giúp mỗi người thay đổi từng ngày.
Đã nhìn thấy điều rất thích thì ngại gì việc đối mặt với điều không thích. Ai
cũng là nhân vật chính trong câu chuyện đời mình. Nên cứ nghiền ngẫm
chín chắn để “tròn vai”, biết lui, biết tiến, biết hợp lực đúng lúc. Người đi
không giữ, người đến không chờ. Cứ tương giao với những gì đang diễn ra.
Sống đẹp, sống vui, sống hiểu biết theo cách của từng người.

NĂM ĐIỀU TƯỞNG NIỆM VỀ ĐỨC PHẬT

  1. Niềm Tin Đúng Đắn Nơi Đức Phật.
    Phải hiểu rõ các đức lành tiêu biểu của Phật như:
  • Tự Ngài giác ngộ không thầy.
  • Bậc thầy của tất cả chúng sinh.
  • Là người có thể chỉ dẫn kẻ hữu duyên tu tập.
  • Ngài có vô lượng phương tiện để gợi ý cho người hữu duyên được đắc
    pháp.

2. Phật Là Người Ít Bệnh.
Ngoại trừ bốn lần trọng bệnh được kể trong kinh, Ngài rất hiếm khi bị
đau mình ươn yếu. Mỗi ngày Ngài ăn đồ của bá gia, khi thì đồ nóng, khi đồ
lạnh, đồ chiên đồ xào Ngài dùng thanh thản không sao hết. Thần thông đầy
người nhưng Phật đi bộ là chủ yếu suốt 45 năm hoằng đạo.

3. Phật Là Người Trung Thực
Phật là người trung thực nhất đời, nói sao làm vậy, trước mặt muôn
người, hay về rừng núi một mình cũng chỉ có một cách sinh hoạt duy nhất.

4. Phật Là Người Tinh Tấn
Phật là người suốt đời tinh tấn dù không còn gì để thành tựu nữa, vẫn
luôn sống năng động như một hành giả thượng thừa.
Hành giả thượng thừa là hành giả nơi sơn lam chướng khí ma thiêng nước
độc, đói không có ăn, lạnh không có mặc, ngủ không chỗ nằm, mưa nắng
không có mái che. Thế Tôn y chang như vậy. Thế Tôn là một vị tinh tấn
không ngừng. Buổi sáng nào ngài cũng đi khất thực, buổi chiều thuyết pháp
cho tứ chúng, buổi tối nói chuyện riêng nhắc nhở chư tăng, khuya gặp gỡ trả
lời chư thiên phạm thiên. Trời rạng sáng Ngài dùng Phật trí soi rọi vô lượng
vũ trụ xem hôm nay ai là người đủ duyên lành để Ngài gặp mặt.

5. Phật Là Người Trí Tuệ.
Phật là người có trí tuệ rốt ráo về tánh sanh diệt của vạn hữu. Cái gì cần
làm thì làm nhưng luôn hiểu, cái gì cũng không còn hoài (tánh sanh diệt).
Lúc Phật gần viên tịch thì ngài Ca Diếp cũng già. Trong kinh nói rất rõ, lần
đó lúc Đức Phật gần tịch, ngài Ca Diếp về lạy Phật. Đức Phật có dạy rằng:
“Năm nay Ca Diếp đã lớn tuổi, Ca Diếp về sống với Như Lai, đừng có khổ
cực trên núi rừng nữa”.
Các bậc Thánh là như vậy. Hiểu đời là phù du sương khói nhưng chuyện
cần làm thì phải làm, như một người mẹ già biết mình sống không còn bao
lâu nữa nhưng chuyện cần phải làm cho con thì mẹ vẫn làm. Suy tư năm
điều này khiến cho hành giả thêm bội phần tinh tấn.