CÁI GIÁ CỦA MIẾNG MỒI NGON

“Một thời, Thế Tôn trú ở Sàva􀄴hi, tại vườn ông Anàthapindika. Rồi Thế
Tôn gọi các Tỷ-kheo và nói như sau:
Khổ lụy, này các Tỷ-kheo, là lợi đắc, cung kính, danh vọng; thật là đắng
cay, ác độc, là chướng ngại pháp để chứng đạt vô thượng an ổn, khỏi các
khổ ách.
Ví như, này các Tỷ-kheo, một người câu cá quăng một lưỡi câu có gắn
mồi thịt vào trong một hồ nước sâu và một con cá có mắt thấy mồi thịt nuốt
lưỡi câu ấy. Như vậy, này các Tỷ-kheo, con cá đã nuốt lưỡi câu ấy bị rơi
vào bất hạnh, bị rơi vào tai họa, bị người câu cá muốn làm gì thì làm.
Người câu cá, này các Tỷ-kheo, chỉ cho ác ma; lưỡi câu có gắn mồi thịt
chỉ cho lợi đắc, danh vọng và cung kính.
Tỷ-kheo nào thọ hưởng, ái luyến lợi đắc, danh vọng và cung kính đã
đến, Tỷ-kheo ấy được gọi là Tỷ-kheo đã nuốt lưỡi câu của ác ma, bị rơi vào
bất hạnh, bị rơi vào tai họa, bị ác ma muốn làm gì thì làm.
Do vậy, này các Tỷ-kheo, các ông phải học tập như sau:
“Đối với lợi đắc, danh vọng và cung kính đã đến, chúng ta hãy từ bỏ
chúng. Đối với lợi đắc, danh vọng và cung kính chưa đến, chúng ta không
để chúng xâm chiếm tâm và an trú”.
(Tương Ưng Bộ II, chương 6, phẩm 1, phần Lưỡi câu)
LỜI BÀN:
Quyền lợi, danh vọng và uy quyền là điều mọi người sống trên đời đều
mong muốn chiếm hữu. Ban đầu, con người thường mong cầu lợi dưỡng,
mơ ước làm giàu. Một khi đã đầy đủ về phương diện vật chất, con người có
khuynh hướng tìm cầu địa vị, chức tước và danh vọng. Không dừng lại ở
chỗ có tiền, có danh, tập khí tham lam cố hữu của con người luôn khát khao
uy quyền, thống lãnh và nhiếp phục thiên hạ; thích thú, hả hê khi được mọi
người cung kính, khép nép và sợ hãi.
Lợi danh và cung kính thật ngon ngọt, hấp dẫn nhưng lại không có nhiều
nên mọi người phải tranh chấp, xâu xé, chụp giựt… và đó là căn nguyên của
mọi đổ vỡ, mâu thuẫn, xung đột, bất hạnh ở đời. Không ít người bị lợi danh
làm mờ mắt, bất chấp hậu quả, không ngại thủ đoạn, lường gạt, xu nịnh,
thậm chí vô sỉ đến độ can tâm bán mình, vong thân, vong bản.
Theo tuệ giác của Thế Tôn, danh lợi và cung kính giống như miếng mồi
ngon bao bọc bên ngoài một lưỡi câu sắc nhọn. Đối với người xuất gia, tiếp
xúc với mồi ngon lợi danh và cung kính thì lại càng cẩn trọng hơn. Vì người
xuất gia có một đặc điểm kỳ đặc khác với người đời là sau một thời gian tu
hành thì phước đức tăng trưởng, dẫu không cầu nhưng lợi danh và cung
kính tự đến.
Thọ nhận sự dâng cúng, tôn vinh và kính trọng của tín đồ là trách nhiệm
của người xuất gia để tạo phước báo cho tín đồ song cũng ngay chính ở đây
ẩn tàng một hiểm họa khôn lường. Nếu không chánh niệm để tri túc và thiểu
dục thì chắc chắn bị dính câu, rơi vào bất hạnh, chịu sự sai khiến của kẻ khác.
Vì thế, muốn thành tựu giải thoát, vượt ra ngoài mọi sự kềm tỏa, người
con Phật phải luôn tâm niệm, quán sát về sự nguy hiểm của dục. Lợi danh
và cung kính chẳng khác nào chút mật trên lưỡi dao, vị ngọt ngon của chút
mật ấy luôn gần kề với tai họa đứt lưỡi.
Quảng Tánh

Leave a comment