BỐN ĐIỀU NÊN LÀM MỖI ĐÊM TRƯỚC KHI ĐI NGỦ

Trẻ, già nên làm 4 điều trước khi đi ngủ mỗi đêm, bởi vì nếu như đêm
nay quí Phật tử không có vốn, tài sản hành lý, hành trang để đi thì đáng lo,
đáng sợ.
1 – TRỞ VỀ QUY Y TAM BẢO
Nằm trên giường thầm đọc :
Con xin quy y Phật
Con xin quy y Pháp
Con xin quy y Tăng. (3 lần)
2 – XIN GIỚI.
Mỗi ngày phải nguyện trước bàn Phật ở nhà, nguyện tránh sát sanh, trộm
cắp, tà dâm, nói dối, uống rượu.
3 – RẢI TÂM TỪ CHO TẤT CẢ CHÚNG SANH
-Tôi được an vui, mong chúng sanh được an vui như tôi.
-Tôi không ép uổng cùng ai, mong rằng chúng sanh không ép uổng cùng
ai. (Người lớn hiếp nhỏ, người mạnh hiếp kẻ yếu, người giàu sang hiếp kẻ
nghèo khó)
-Tôi không có nạn khổ thân tâm, mong rằng chúng sanh không có nạn
khổ thân tâm như tôi.
-Tôi luôn được cẩn phòng an vui, mong rằng chúng sanh luôn được cẩn
phòng an vui như tôi.
4 – QUÁN VÔ THƯỜNG, QUÁN SỰ CHẾT
-Tất cả chúng sanh đều có sự chết là nơi cuối cùng, và tôi cũng vậy.
-Tất cả chúng sanh đều cùng nhau chết cả thảy, không chừa một ai, và tôi
cũng vậy.
Quí Phật tử luôn luôn quán sự vô thường và sự chết này, trong giấc ngủ
không mộng mị, không chiêm bao, không gặp điều xấu ác, không lo âu, và
nếu có đi được thì đi trong an lành.
Tại sao có những điều này ?

  • Thứ nhất, Chúng ta phải chuẩn bị như vậy mỗi đêm, vì nhở như tối nay
    hoặc thời gian nào đến thì mình có vốn, hành trang, tư lương mình đi, đi
    được an lành.
  • Thứ hai, Đề Bà Đạt Đa là một vị đệ tử oan trái với Đức Phật muôn ngàn
    kiếp, vô lượng kiếp quá khứ, nhưng đến phút chót Đề Bà Đạt Đa, lúc hãm
    hại Đức Phật không được, đã quay trở về ăn năn sám hối với Đức Phật, thì
    vừa bước xuống ngay trước cổng chùa Kỳ Viên, đất hút từ dưới hút lên, lúc
    bấy giờ Đề Bà Đạt Đa đem xác thân này cúng dường cho Tam bảo, ông nói :
    “Con xin quay trở về nương tựa vào Phật, Con xin quay trở về nương tựa
    vào Pháp, Con xin quay trở về nương tựa vào Tăng.”
    Sau đó đất hút ông xuống Vô Gián địa ngục liền. Chư tăng thấy vậy mới
    bạch Thế Tôn :
    “Bạch Thế Tôn như vậy là sao ? “
    Thế Tôn trả lời :
    “Do có tác ý của Đề Bà Đạt Đa phút chót biết quay trở về nương tựa 3
    ngôi Tam bảo, Phật, Pháp, Tăng, cho nên sau khi trả hết Vô Gián địa ngục,
    Đề Bà Đạt Đa sanh trở lên làm Độc Giác Phật.
    Đề Bà Đạt Đa tội nặng vô cùng, làm chảy máu Phật, chia rẽ tăng chúng,
    phá hoà hợp tăng, mà cuối cùng vẫn trở thành vị Độc Giác Phật chỉ vì quay
    về nương tựa Tam bảo. Do đó, Sư khuyên quí Phật tử điều này, cố gắng làm
    vốn bỏ ống mỗi đêm như vậy, một ngày nào đó giống như trái cây chín muồi
    rụng xuống mình có mà mang đi. Bây giờ quí Phật tử làm, nếu 200 năm sau
    mới đi thì mình cũng đã làm được bao nhiêu ngày lợi ích rồi.
    Sư Sán Nhiên.

TIẾP ĐÃI NHAU BẰNG GIÁO PHÁP

Tôi có được nghe một câu chuyện mà tới bây giờ đối với tôi cũng là một
trong những câu chuyện đẹp nhất.
Câu chuyện do một vị Hòa thượng kể, vị này đã lớn tuổi rồi và bây giờ
(2019) vẫn còn ở Việt Nam. Nhiều năm trước, khi còn trẻ, trong một lần ngài
đi đến Gò Dưa để thăm hòa thượng Pháp Minh (khi đó ngài Pháp Minh có
một cái cốc nho nhỏ trên Gò Dưa), gặp lúc ngài Pháp Minh đang đi bát nên
vị này đành đi theo sau lưng.
Ngài biết, ngài nói “để chờ đi bát xong anh em mình về nghĩa trang ăn
trưa”.
Khi về tới nghĩa trang thì ngài Pháp Minh lấy ra cái y tắm mưa – một tấm
vải hình chữ nhật—ngài gấp lại, nhưng không phải gập đôi mà gập gấp rưỡi
thành ra một nửa là hai lớp, một nửa là một lớp. Theo Luật thì ngài Pháp
Minh ngồi trên phần hai lớp, phần một lớp ngài cho vị này ngồi. Ngài đem
đồ trong bình bát đổ ra chia làm hai phần cho “anh em mình dùng ngọ”
(cách nói của ngài).
Ngay buổi trưa, hai người dùng ngọ ngay nghĩa trang bằng đồ ăn khất
thực. Hỏi han xong xuôi, vị sư trẻ đảnh lễ ngài và ra đi.
Vị sư trẻ, giờ đây là một vị Hòa thượng, kể lại cho chúng tôi nghe câu
chuyện đó. Vị đó nói thế này: Không có nói gì nhiều hết, cứ đi sau lưng ngài
mà thấy ngài đi chân trần ôm bình bát, nắng chang chang. Trong khi chư
tăng các chùa giờ đó nghe kẻng đánh beng một cái là thượng đường, ngồi
lên là mâm chén muỗng nĩa đầy đủ. Còn ngài giờ đó mà ôm bình bát đi.
Quý vị biết đó, đồ khất thực thì cũng buồn lắm, miếng khoai mì, một trái
chuối, một keo chao, đăm ba trái ổi xanh vậy đó. Ngài chia cho vị sư trẻ đó
ăn. Theo trong kinh, trường hợp đó là đãi nhau bằng thức ăn, nhưng theo
lời của vị hòa thượng kể lại, thức ăn là chuyện nhỏ, mà cái hình ảnh gương
mẫu, cái ấn tượng ngài Pháp Minh để lại đã đeo bám trí nhớ vị này trong
suốt nhiều năm trời.
Mỗi lần nhớ tới ngài Pháp Minh là nhớ tới buổi ăn trưa hôm ấy. Trong
trường hợp ấy nếu lấy mắt nhìn hay quay phim chụp hình thì rõ ràng là đã
đem thức ăn mời nhau, nhưng thật ra ở đây là đem cả pháp để mời nhau,
đem cả hình ảnh gương mẫu của mình để trao tặng cho người khách, để
người khách đó ra về rồi mà lòng cứ canh cánh đau đáu nhớ về buổi gặp
mặt rất đỗi đạo tình và đạo vị ấy.
Hãy sống làm sao mà mỗi lần người ta gặp mình, nghe mình, thấy mặt
mình mà lòng bèn tinh tấn hơn, người ta nghĩ về Phật, nghĩ về chuyện tu
hành nhiều hơn, đó gọi là tiếp đãi nhau bằng chánh pháp. Chứ đừng gặp
nhau xong rồi chỉ tặng cho nhau những muộn phiền, hoặc kể cả trao cho
nhau một món quà đắt tiền rồi thì cũng chẳng có nghĩa lý gì hết.
Món quà nào rồi cũng phai phôi ý nghĩa, phai phôi cảm xúc. Nhưng món
quà tâm linh, món quà tinh thần thì phải nói rằng hễ mình chưa bị lú lẫn
chưa bị hôn mê thì mình cứ nhớ hoài suốt đời.
Hôm nay kể lại bà con nghe câu chuyện này mà mà tôi vẫn tiếp tục có cái
cảm xúc như của ngày cũ, phải cám ơn những con người như ngài Pháp
Minh, họ cho mình cái niềm tin rằng thánh hiền có thiệt, con người viễn ly
độc cư là có thiệt, con người ly tham thiểu dục là có thiệt, con người cầu đạo
giải thoát là có thiệt.
Trích đoạn bài pháp chia sẻ của sư Giác Nguyên

THẾ NÀO LÀ TÂM BÌNH THẢN?

Bạn biết điều hạnh phúc nhất trên thế gian này là gì không?
Đó là khi bạn tìm được chính mình, hiểu được giá trị của riêng mình, biết
mình là duy nhất. Là khi bạn thản nhiên và biết cách cân bằng cảm xúc, bạn
không bao giờ để cảm xúc của bản thân phụ thuộc vào người khác.

Ngày hôm nay có người đến nói cười vui vẻ với bạn, bạn thản nhiên nói
cười vui vẻ với họ. Ngày mai, đột nhiên họ không còn nói cười vui vẻ với
bạn nữa, bạn vẫn thản nhiên nói cười vui vẻ với kẻ khác và chinh mình…
Người thực sự hạnh phúc chính là người biết sống Tùy Duyên. Cư xử ân cần,
tha thiết với mọi người nhưng lại chẳng bận lòng khi người ta thay đổi !

Thế nào là tâm bình thản?
Tâm bình thản nghĩa là từ sâu thẳm trong lòng bạn, bạn không còn nổi
lên những ước muốn, những ghen ghét đua tranh hay quá vui sướng trước
một điều gì. Nó khác hoàn toàn với việc bạn có cảm xúc mà đè nén. Cố gắng
không thể hiện.
Bình thản, chỉ có được với việc thường xuyên quan sát tỉ mỉ tâm mình.
Tìm ra nguồn cơn của những vui ghét giận hờn thường tình. Nhìn thấu suốt
xem đằng sau những vui ghét giận hờn đó là gì. Bản chất những điều đó có
thường hằng không. Những điều đó sẽ đưa ta đến đâu nếu ta không buông
xả. Có thấu triệt như vậy rồi. Bạn mới có thể tự tại mà mỉm cười.
Vì bạn thấu hiểu. Chứ không phải đè nén.
Vì bạn sáng suốt. Chứ không phải buông bỏ trong hoang mang, vô định
để tìm cầu sự bình an thoáng chốc.
Học được bình thản rồi. Mình biết nhìn đời bằng con mắt khác.
Dễ thương hơn. Dễ thông cảm hơn, dễ thấu hiểu hơn.
Dù cho nhân thế có biến đổi ra sao.
Lòng ta vẫn bình lặng an yên, nhẹ nhàng mà đi cùng năm tháng trần gian.
Người Quan Sát
Namo Buddhaya

ĐỜI NGƯỜI TRƯỚC KHI CÓ ĐƯỢC, CẦN PHẢI HỌC CÁCH CHO ĐI

Có một nhạc sĩ nổi tiếng đã viết nên những ca từ thật đẹp thế này:
“Sống trong đời sống cần có một tấm lòng. Để làm gì em biết không? Để
gió cuốn đi, để gió cuốn đi…”.
Thực vậy, trong cuộc đời đầy bon chen, giông bão, đầy cám dỗ, thị phi
này, tìm được một người có tấm lòng quả đã không còn là chuyện dễ dàng
nữa. Chỉ khi người ta biết cho đi thì mới xứng đáng nhận lại những gì tuyệt
vời nhất. Người Hungary có một câu nói rất hay thế này:
“Bàn tay tặng hoa hồng bao giờ cũng phảng phất hương thơm”…
Chàng trai trẻ chuẩn bị mở một cửa hàng trên con phố nơi mình sinh sống.
Anh hỏi ý kiến của cha:
“Con muốn mở một cửa hàng buôn bán kiếm tiền ở con phố này. Vậy con
phải chuẩn bị điều gì trước đây?”.
Người cha nghĩ ngợi một lúc rồi nói:
“Con phố này thật sự cũng đã có không ít cửa hàng rồi, nhưng mặt tiền
vẫn còn nhiều. Nếu như con không muốn kiếm nhiều tiền, bây giờ có thể
thuê hai mặt tiền để bày biện quầy hàng, nhập vào một số hàng hóa thì đã
có thể mở cửa kinh doanh rồi. Còn nếu như con muốn kiếm được nhiều tiền
hơn, thì trước hết cần phải chuẩn bị làm một vài điều gì cho người dân trên
con phố này”.
Cha của anh suy nghĩ một lúc rồi nói:
“Chuyện cần làm thật sự rất nhiều. Ví như, lá rụng ngoài đường rất ít khi
có người quét dọn. Mỗi sáng con hãy dậy sớm dành chút thời gian quét dọn
lá rụng ngoài đường. Còn nữa, khi nhân viên bưu điện gửi bưu phẩm, có
khá nhiều bưu phẩm khó tìm được người nhận. Con cũng có thể giúp tìm
kiếm một chút, sau đó kịp thời trao lại bưu phẩm cho người nhận. Ngoài ra,
còn có rất nhiều gia đình cần sự giúp đỡ lặt vặt, nếu có thể con hãy dang
rộng đôi tay giúp họ một chút”.
Chàng trai trẻ tỏ ý không hiểu, hỏi:
“Nhưng những điều này có liên quan gì với việc con mở cửa hàng chứ?”
Cha của anh mỉm cười nói:
“Nếu như con muốn việc làm ăn của mình được tốt, thì tất cả những điều
này sẽ trợ giúp đắc lực cho con. Còn nếu như con không muốn làm tốt việc
làm ăn, thế thì hết thảy điều này có lẽ không có tác dụng gì lớn nữa”.
Chàng trai trẻ tuy bán tín bán nghi, nhưng vẫn quyết định nhất nhất làm
y theo lời của cha mình. Mỗi sáng, anh đều cố gắng dậy sớm quét dọn đường
phố, gửi bưu phẩm giúp nhân viên bưu điện, khiêng vác giúp những người
già cả. Ai có khó khăn cần sự giúp đỡ, anh nghe thấy đều sẵn sàng đến giúp.
Không lâu sau, mọi người trên khắp con phố này đều đã biết đến anh.
Nửa năm sau, cửa hàng của chàng trai trẻ treo lên tấm biển kinh doanh.
Điều khiến anh kinh ngạc là khách hàng đến khá đông. Kẻ gần người xa đều
đã trở thành khách hàng quen thuộc của anh. Thậm chí những người già cả
ở bên kia con phố sẵn sàng bỏ qua cửa hàng ngay gần chỗ họ mà không ngại
chống gậy đi một quãng xa để đến cửa hàng anh mua đồ. Anh kinh ngạc,
hỏi họ rằng:
“Trước cửa nhà ông vốn có cửa tiệm, tội tình gì phải bỏ gần cầu xa như
thế?”.
Họ cười nói rằng:
“Chúng tôi đều biết cậu là người tốt, đến cửa hàng của cậu mua đồ chúng
tôi mới yên tâm”.
Về sau, anh còn giao hàng đến tận nhà khách hàng. Khi gặp phải những
người khó khăn, túng thiếu, anh luôn để họ mua chịu trước, đợi khi có tiền
thì gửi trả lại sau. Ngoài ra anh cũng nhiệt tình tham gia các hoạt động công
tác xã hội từ thiện, biết được ai đang gặp khó khăn, anh cũng đều sẵn lòng
dang tay giúp đỡ.
Mấy tháng sau, khá nhiều người ở con phố kế bên cũng đều chạy đến cửa
hàng của anh mua đồ. Hơn một năm sau, người trong khắp khu phố đều
biết đến cửa hàng của anh, đều cùng kéo đến ủng hộ. Anh tiếp tục mở ra
thêm vài chi nhánh, đại lý ở con phố khác. Việc làm ăn càng làm càng lớn,
tất nhiên cũng càng kiếm được nhiều tiền hơn. Chỉ trong thời gian khoảng
mười năm, anh đã từ một chàng trai không chút danh tiếng, lắc mình một
cái trở thành một nhà doanh nghiệp với tài sản bạc triệu.
Một ngày kia, có một phóng viên tới phỏng vấn, hỏi anh bí quyết kinh
doanh nào để chỉ trong 10 năm ngắn ngủi có được thu hoạch lớn như vậy.
Anh nghĩ ngợi một lúc rồi nói:
“Bởi vì trước khi có được, tôi đã học cách cho đi…”.
Thiện Sinh biên dịch – Cre: Thới Trần